Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị phát triển chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu

- Thứ Tư, 08/08/2018, 15:55 - Chia sẻ
Sáng 8.8, tại TP Hồ Chí Minh, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị “Định hướng, giải pháp phát triển nhanh, bền vững ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu” do Bộ NN - PTNT tổ chức.

Cùng dự có: Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng; đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành; đại diện 400 doanh nghiệp trong ngành chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết, trong những năm qua, ngành lâm nghiệp đang dần khẳng định vị thế là ngành kinh tế - xã hội quan trọng của đất nước. Trong đó, gỗ và sản phẩm từ gỗ đã trở thành ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu đứng thứ 6 của Việt Nam, chiếm 6% thị phần thế giới, đứng đầu trong khối ASEAN, thứ 2 châu Á và thứ 5 trên thế giới.

Theo báo cáo của Bộ NN - PTNT, từ khoảng 2.500 doanh nghiệp kinh doanh, chế biến gỗ và lâm sản trong năm 2008, đến nay con số này đã tăng lên khoảng 4.500 doanh nghiệp, trong đó có 3.900 doanh nghiệp trong nước, 600 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Trong vòng 10 năm qua, giá trị kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản đã có những bước phát triển đáng ghi nhận, tăng hơn 2,7 lần, từ 2,3 tỷ USD năm 2007 lên hơn 8 tỷ USD vào năm 2017, đưa chế biến gỗ và lâm sản trở thành ngành hàng xuất khẩu chủ lực trong nhóm ngành hàng nông lâm thủy sản, đóng góp quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Nhận định từ tiềm lực hiện nay và nhu cầu thị trường, Bộ trưởng Bộ NN - PTNT Nguyễn Xuân Cường nêu rõ, trong những năm tới, tập trung phát triển nguồn nguyên liệu từ rừng trồng trong nước, đáp ứng tối thiểu 80% số nhu cầu nguyên liệu cho chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu, tiến tới thay thế nguồn nguyên liệu nhập khẩu, nâng thị phần thương mại đồ gỗ thế giới của Việt Nam từ 6% hiện nay lên khoảng 10% vào năm 2025.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã thảo luận về tiềm năng và xu hướng thị trường gỗ trên thế giới; cơ hội và giải pháp cho ngành chế biến gỗ xuất khẩu Việt Nam, xây dựng thương hiệu quốc gia cho ngành gỗ Việt. Phó Chủ tịch Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam Nguyễn Xuân Hoài cho rằng cần tái cấu trúc ngành công nghiệp gỗ cả đầu vào lẫn đầu ra, tăng năng suất lao động. Đặc biệt, cần hạn chế xuất khẩu dăm gỗ, bởi mặt hàng này tốn rất nhiều gỗ nguyên liệu nhưng giá trị xuất khẩu thấp. Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP Hồ Chí Minh Huỳnh Văn Hạnh cho rằng năng lực sản xuất toàn ngành tuy có gia tăng liên tục nhưng so với tiêu dùng đồ nội thất toàn cầu năm 2017 là 428 tỷ USD, tổng sản xuất của Việt Nam chỉ ở mức 2,06%. So sánh tổng thương mại đồ gỗ năm 2017 của 100 quốc gia xuất khẩu là 141 tỷ USD, Việt Nam chiếm khoảng 6%. Hai con số so sánh này cho thấy xuất phát điểm của chúng ta còn rất thấp trong khi cơ hội thị trường phía trước còn rất nhiều. Nếu có chính sách đột phá, ngành gỗ sẽ bứt phá ngoạn mục.

Hiện nay, sản phẩm gỗ của Việt Nam đã có mặt trên 120 quốc gia và vùng lãnh thổ. Xuất khẩu gỗ và lâm sản đã đạt 8,032 tỷ USD vào năm 2017, về đích trước 3 năm so với chỉ tiêu đề ra trong giai đoạn 2006 - 2020. Bên cạnh việc đóng góp lớn cho tăng trưởng kinh tế của cả nước. Ngành chế biến lâm sản đã tạo ra khoảng 500.000 việc làm trong các cơ sở chế biến và hàng triệu lao động trồng rừng ở  khu vực nông thôn miền núi, góp phần ổn định an sinh xã hội, phát triển kinh tế bền vững.


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và lãnh đạo các bộ, ngành tham quan sản phẩm chế biến từ gỗ của các doanh nghiệp

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao và biểu dương nông dân trồng rừng, doanh nhân và người lao động trong ngành chế biến gỗ đã đóng góp công sức cho sự phát triển của ngành chế biến gỗ và lâm sản.

Từ những thành quả đã đạt được, Thủ tướng giao Bộ NN - PTNT chịu trách nhiệm chính phát triển ngành chế biến gỗ và lâm sản, bảo đảm trong 10 năm tới ngành này phải trở thành ngành mũi nhọn trong sản xuất, xuất khẩu của nền kinh tế đất nước. Để đạt được điều này, ngoài việc tiếp tục hoàn thiện các văn bản pháp lý, cải cách thủ tục hành chính, cần tiếp tục đẩy mạnh việc phát triển trồng rừng nguyên liệu, phát triển rừng gỗ lớn, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất; phấn đấu để Việt Nam trở thành một trung tâm toàn cầu về sản xuất, xuất khẩu đồ gỗ có thương hiệu, có uy tín trên thị trường quốc tế từ nguồn gỗ hợp pháp.

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Bộ NN - PTNT Nguyễn Xuân Cường khẳng định: “Quyết tâm của Việt Nam không phải phát triển bất chấp hậu quả, mà phát triển sản xuất bền vững, có trách nhiệm đối với môi trường”.

Thân Hoàng