Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật

- Thứ Ba, 06/08/2019, 00:14 - Chia sẻ
Ngày 5.8, Chính phủ họp Phiên chuyên đề về xây dựng pháp luật dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Phiên họp có sự tham dự của đại diện Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban, cơ quan của QH, MTTQ Việt Nam và các bộ, ngành.

Trong phát biểu khai mạc, nhấn mạnh xây dựng thể chế pháp luật là nhiệm vụ quan trọng của Nhà nước pháp quyền XHCN, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, việc Chính phủ dành thời gian họp Phiên chuyên đề về xây dựng thể chế để nhằm thảo luận, giải quyết, cho ý kiến hoàn thiện một số dự thảo pháp luật quan trọng trình UBTVQH, QH xem xét.

Đề cập đến diễn biến cơn bão số 3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, công tác khắc phục hậu quả thiên tai vẫn đang được Chính phủ và các bộ, ngành liên quan triển khai tích cực. Thủ tướng đánh giá, cơn bão số 3 mặc dù không lớn nhưng đã gây ra những thiệt hại không nhỏ tại một số địa phương bão đi qua, nhất là tỉnh Thanh Hóa. Cùng thời gian này, mưa lớn kéo dài và sóng cao đánh liên tiếp vào đê biển huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau gây thiệt hại nặng về tài sản của nhân dân. 


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên họp  
Ảnh: Thống Nhất

Thủ tướng cho biết, trước tình hình đó, các tỉnh Thanh Hóa, Cà Mau dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Chính phủ, trực tiếp là Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường, Ban Chỉ đạo Trung ương phòng chống thiên tai, Ủy ban tìm kiếm cứu nạn đã cử các đơn vị thường trực thuộc Quân khu 4, Quân khu 9 cùng các đơn vị tại chỗ phối hợp với địa phương hỗ trợ, xử lý các vấn đề đặt ra nhằm hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả, nhất là giúp đỡ những người dân đang ở trong cảnh “màn trời, chiếu đất”. Hiện nay, Bộ NN-PTNT đã cử hai đoàn do lãnh đạo Bộ dẫn đầu trực tiếp đi thị sát tình hình để triển khai các giải pháp tốt nhất hỗ trợ địa phương khắc phục hậu quả thiên tai.

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gửi lời chia sẻ, thăm hỏi đến chính quyền, nhân dân các địa phương chịu thiệt hại do bão số 3 như Thanh Hóa, Cà Mau và các địa phương khác; đồng thời khẳng định, công tác hỗ trợ, khắc phục hậu quả thiên tai sẽ tiếp tục được triển khai theo phương châm kịp thời nhất, hiệu quả nhất.

 Tại phiên họp lần này, Chính phủ thảo luận về các dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp; dự án Luật Thanh niên (sửa đổi); dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp; dự án Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP)...

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) sửa đổi, bổ sung 50/173 điều, nhằm nâng cao trách nhiệm, chất lượng công tác và sự phân công hợp lý, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, tổ chức trong quá trình soạn thảo, thẩm định, thẩm tra, tiếp thu, chỉnh lý, thông qua luật...

Nêu rõ việc sửa đổi, bổ sung Luật Ban hành VBQPPL, được xem là “công thức” cho xây dựng thể chế pháp luật ở Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, đối với sự chồng chéo, vướng mắc giữa các luật, giao Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan rà soát, tổng hợp, xử lý giải quyết. Thủ tướng nhấn mạnh việc nâng cao trách nhiệm, chất lượng văn bản, phân công hợp lý hơn, phối hợp chặt chẽ hơn trong quá trình soạn thảo, thẩm định, thẩm tra, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật…

Khẳng định Chính phủ dành nhiều thời gian cho công tác xây dựng thể chế pháp luật, Thủ tướng nhấn mạnh, các bộ trưởng phải tập trung cho công tác này, đây là nền tảng quan trọng cho chỉ đạo điều hành. Nâng cao trách nhiệm, chất lượng văn bản, phân công hợp lý hơn, phối hợp chặt chẽ hơn trong quá trình soạn thảo, thẩm định, thẩm tra, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, tránh tình trạng “giữa đường đổi vai”. Thủ tướng nhấn mạnh vai trò của Chính phủ là cơ quan hoạch định chính sách quốc gia, có trách nhiệm bảo vệ chính sách do mình xây dựng trước QH để bảo đảm phù hợp với thực tiễn quản lý điều hành trong việc soạn thảo, tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện cho đến khi QH, UBTVQH thông qua dự án luật, pháp luật do Chính phủ trình. Việc này tạo cơ chế để từng bộ trưởng, thành viên Chính phủ khi được giao chủ trì dự án luật phải đề cao trách nhiệm, theo sát đến cùng cho đến khi QH thông qua, bảo đảm tính hệ thống, thông suốt, không cắt khúc trong quá trình xây dựng luật.

Thủ tướng cũng nêu ví dụ về việc Luật Phòng, chống tác hại rượu bia, cơ quan chủ trì là Bộ Y tế đã theo đến cùng, thuyết minh đầy đủ nên được các ĐBQH ủng hộ, mặc dù trong quá trình thảo luận, còn có ý kiến khác nhau.

Đối với các ý kiến về việc dùng một luật sửa nhiều luật; áp dụng quy trình điện tử trong xây dựng VBQPPL; quy định áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn, vấn đề thời gian ban hành, có hiệu lực của thông tư…, Thủ tướng cho rằng, đây là những vấn đề thực tiễn phát sinh, đề nghị Bộ Tư pháp nghiên cứu, xử lý, hoàn thiện.

Về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo môi trường thông thoáng, mục tiêu quan trọng là huy động các nguồn lực xã hội cho phát triển đất nước; bên cạnh đó, không được chồng chéo, mâu thuẫn với các luật khác.

Đa số ý kiến nhất trí cho rằng, cần tách dự án Luật này thành 2 dự án luật: Luật Đầu tư (sửa đổi) và Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) do quy mô, nội dung sửa đổi lớn.

Về dự thảo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công-tư (PPP) gồm 11 chương với 100 điều, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến thời điểm hiện tại có 336 dự án PPP đã ký kết hợp đồng, huy động được hơn 1,6 triệu tỷ đồng vào đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng quốc gia. Thực tiễn triển khai cho thấy quy định về PPP cần phải được hoàn thiện, nâng cấp hơn nữa, cần có khung pháp lý ổn định cho các hợp đồng PPP dài hạn, đầu tư quy mô lớn (hợp đồng PPP thường kéo dài 20-30 năm).

Đa số ý kiến cho rằng, trong bối cảnh nhu cầu huy động vốn đầu tư từ khu vực tư ngày càng tăng, việc xây dựng Luật này là rất cần thiết, nhằm hình thành khung pháp lý để quản lý, điều hành thống nhất, ổn định hoạt động đầu tư theo phương thức PPP…

Theo TTXVN và baochinhphu.vn