Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị với các địa phương về đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công

- Thứ Năm, 16/07/2020, 14:49 - Chia sẻ
Sáng 16.7, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị trực tuyến giữa Thường trực Chính phủ với các địa phương về đẩy mạnh thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công năm 2020.

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, tổng số vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước (NSNN) kế hoạch năm 2020 được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 86/2019/QH14 ngày 12.11.2019 là 470.600 tỷ đồng (vốn trong nước 410.600 tỷ đồng, vốn nước ngoài 60.000 tỷ đồng), trong đó tỷ lệ vốn đầu tư của các bộ, cơ quan trung ương chiếm 22,9% và vốn đầu tư của các địa phương chiếm 77,1% tổng số. Căn cứ Nghị quyết số 87/2019/QH14 ngày 14.11.2019 của Quốc hội về phân bổ ngân sách trung ương năm 2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1706/QĐ-TTg ngày 29.11.2019 về giao kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2020 cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương. Khác với các năm trước, Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch theo tổng mức vốn đã được Quốc hội quyết định, giao 1 lần toàn bộ vốn trong năm 2020 trước ngày 30.11.2019.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu kết luận hội nghị. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Đến nay đã có 52/53 các bộ, cơ quan Trung ương và 63/63 địa phương có phương án phân bổ vốn NSNN năm 2020 cho các đơn vị trực thuộc và UBND cấp dưới, tuân thủ nguyên tắc, tiêu chí, phân bổ vốn đầu tư công quy định tại Luật Đầu tư công và các Nghị quyết của Quốc hội về NSNN năm 2020. Tuy vậy, hiện mới có 35 bộ, cơ quan Trung ương và 22 địa phương giao chi tiết hết 100% kế hoạch vốn cho các dự án; 6 bộ, cơ quan Trung ương và 17 địa phương giao chi tiết trên 90% cho các dự án; còn lại 12 bộ, cơ quan Trung ương và 24 địa phương giao chi tiết dưới 90% cho các dự án. Tổng số vốn NSNN các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương giao chi tiết cho các dự án đủ điều kiện giải ngân vốn là 443.195,829 tỷ đồng, đạt 94,2% kế hoạch đầu tư vốn được Thủ tướng Chính phủ giao (470.600 tỷ đồng). Số vốn còn lại chưa giao chi tiết cho các dự án là 27.404,171 tỷ đồng, dù chỉ chiếm 5,8% kế hoạch song cũng cho thấy việc chậm giao chi tiết kế hoạch đầu tư vốn cho các dự án vẫn xảy ra tại một số bộ, cơ quan trung ương.

Số liệu của Bộ Tài chính cho thấy, giải ngân 6 tháng đầu năm ước đạt 159.397,188 tỷ đồng, đạt 33,9% kế hoạch (cùng kỳ đạt 28,56% kế hoạch Quốc hội giao); trong đó: vốn trong nước là 145.270,055 tỷ đồng (đạt 37,55% kế hoạch), vốn nước ngoài là 7.061,952 tỷ đồng (đạt 12,52% kế hoạch), vốn Chương trình mục tiêu quốc gia là 7.065,181 tỷ đồng (đạt 25,85% kế hoạch). Mặc dù các cấp, các ngành và địa phương đã quyết liệt chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, số vốn giải ngân tăng so với cùng kỳ năm 2019 song tỷ lệ giải ngân 6 tháng đầu năm vẫn thấp so với yêu cầu.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chỉ rõ, nguyên nhân của tình trạng chậm giải ngân do cả khách quan, chủ quan đã tồn tại cố hữu như công tác giải phóng mặt bằng, đấu thầu, thay đổi chính sách và quy định, năng lực chủ đầu tư, nhà thầu, việc tránh thanh toán vốn nhiều lần, chờ thanh một lần của cả chủ đầu tư, ban quản lý dự án và cả nhà thầu, tính chất đặc thù của chi đầu tư so với chi thường xuyên… và cả nguyên nhân mới (dịch Covid – 19). Bên cạnh đó, nhiều bộ, ngành địa phương chuẩn bị dự án chưa kỹ; chậm ban hành đơn giá, định mức xây dựng cho các công việc đặc thù…

Trong 6 tháng còn lại của năm 2020, để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, các đại biểu đề xuất cần tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp, tháo gỡ kịp thời các rào cản, khó khăn vướng mắc, khơi thông điểm nghẽn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân vốn đầu tư công; hoàn thành việc giao kế hoạch vốn chi tiết cho các chương trình, dự án để giải ngân trước ngày 31.7.2020; tăng cường phối hợp giữa các bên có liên quan... Kinh nghiệm của nhiều địa phương cho thấy, cần phân công lãnh đạo chịu trách nhiệm theo dõi tiến độ thực hiện, lập kế hoạch giải ngân của từng dự án, đôn đốc, kịp thời tháo gỡ khó khăn và chịu trách nhiệm về kết quả giải ngân của từng dự án.

Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, trong bối cảnh nền kinh tế chịu tác động lớn của dịch Covid – 19, việc thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công sẽ góp phần quan trọng giải quyết việc làm, thu nhập, giúp nền kinh tế tăng trưởng. Mặc dù giải ngân vốn đầu tư công có tiến bộ hơn là đạt trên 20%, tăng khoảng 8% so với cùng kỳ nhưng vẫn còn khối lượng rất lớn chưa được các cấp, các ngành giải ngân. Do đó, trách nhiệm của Chính phủ, các địa phương rất lớn khi phải tập trung giải ngân đầu tư công với tổng số tiền khoảng 28 tỷ USD, tương đương với trên 630.000 tỷ đồng trong năm nay.

Thủ tướng biểu dương 10 địa phương thực hiện giải ngân tốt (đạt từ 45% trở lên) như: Nghệ An, Thái Bình, Hưng Yên, Ninh Bình, Phú Thọ, Bắc Ninh, Hà Nam, Lào Cai, Tiền Giang. Đồng thời, Thủ tướng cũng nêu tên một số địa phương giải ngân chậm như Quảng Trị, Trà Vinh, Khánh Hòa, Hòa Bình, Thái Nguyên, Cần Thơ, Đà Nẵng… và đề nghị cần học tập kinh nghiệm của những nơi làm tốt để thúc đẩy giải ngân đầu tư công trên địa bàn.

Thủ tướng chỉ rõ, để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công trong thời gian tới phải giải quyết cho được “3 cái đọng”: Không được để vốn đọng, không để nợ đọng và không để thủ tục đọng. Thủ tướng cũng yêu cầu phải gắn giải ngân đầu tư công với công tác thi đua khen thưởng, đánh giá năng lực cán bộ; xử lý nghiêm người đứng đầu không hoàn thành nhiệm vụ giải ngân đầu tư công. Mặt khác, phải công khai, minh bạch các địa phương làm tốt và chưa tốt trên các phương tiện thông tin đại chúng. Công tác kiểm tra, đốc thúc giải ngân đầu tư công cần phải được thực hiện quyết liệt hơn, trung ương kiểm tra địa phương, cấp tỉnh kiểm tra, đôn đốc cấp xã, huyện. Từ đầu tháng 8, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính phải tổng hợp, trình Thủ tướng quyết định điều chuyển vốn từ dự án chậm giải ngân sang dự án có khả năng giải ngân cao hơn, trránh tình trạng giữ vốn như thời gian qua.

Đan Thanh