Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị về Chính phủ điện tử

- Thứ Năm, 13/02/2020, 10:42 - Chia sẻ
Sáng 12.2, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị trực tuyến Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử với Ban Chỉ đạo Chính phủ điện tử, Chính quyền điện tử các bộ, ngành, địa phương.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Việt Nam có nhiều doanh nghiệp viễn thông, công nghệ thông tin lớn mạnh có đủ sức làm Chính phủ điện tử. Những thành công của việc xây dựng Chính phủ năm 2019 sẽ là tiền đề quan trọng cho năm 2020 và những năm tiếp theo để thực hiện lộ trình xây dựng Chính phủ điện tử tại Việt Nam. Cho rằng khả năng đột phá xây dựng Chính phủ điện tử ở Việt Nam là rất cao, rút ngắn so với nhiều nước khác nhưng Thủ tướng cũng chỉ rõ: Việt Nam mới đứng thứ 88/193 quốc gia về xây dựng Chính phủ điện tử, đứng thứ 6/11 nước ASEAN. Như vậy, Việt Nam vẫn đứng ở mức thấp so với bình quân của thế giới và ASEAN. “Chúng ta cần nhìn thẳng sự thật này để tiếp tục phấn đấu”, Thủ tướng yêu cầu.


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị về Chính phủ điện tử Ảnh: Thống Nhất

Theo Thủ tướng, nguyên nhân của việc xếp hạng chưa cao là do cơ sở dữ liệu cá nhân chưa được bảo vệ là khâu yếu, thấp điểm, mất điểm của Chính phủ điện tử tại Việt Nam. Ngoài ra, một số vấn đề khác làm chậm, chưa đồng bộ, chưa quyết tâm, vẫn còn một vài nơi tình trạng “án binh bất động”. Thủ tướng chỉ ra những tồn tại hiện nay như: Chưa hoàn thành các mục tiêu trong xây dựng Chính phủ điện tử, các cơ sở sở dữ liệu về dân cư, đất đai, nền tảng tích hợp dữ liệu điện tử, nền tảng thanh toán điện tử còn nhiều vấn đề; tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 còn thấp; hạ tầng kỹ thuật trong các cơ quan nhà nước nhiều nơi chưa đáp ứng được yêu cầu, nhất là công tác an toàn an ninh mạng chưa được quan tâm đầy đủ; đầu tư cho cấu thành này mới chiếm 5%, còn tình trạng để mất an toàn mạng trong các cơ quan trọng yếu; hạ tầng điện toán đám mây ít được sử dụng, vẫn còn phổ biến tâm lý muốn đầu tư riêng biệt, vừa không bảo đảm chất lượng, vừa gây lãng phí; mạng số liệu của các cơ quan Đảng, Nhà nước chưa thực sự trở thành nền tảng cơ sở của Chính phủ điện tử…

Về mục tiêu xây dựng Chính phủ điện tử năm 2020, Thủ tướng đề nghị tập trung mọi nguồn lực, chỉ đạo quyết liệt để hoàn thành các chỉ tiêu đặt ra vào năm 2020 tại Nghị quyết số 17/NQ-CP, đặc biệt là chỉ tiêu nâng tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 lên mức 30%. Việc đầu tiên là xây dựng chiến lược về Chính phủ điện tử giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Việc thứ hai là hoàn thiện thể chế. Năm 2020 phải ban hành được các nghị định về quản lý, kết nối, chia sẻ dữ liệu; định danh và xác thực điện tử; thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử; bảo vệ thông tin cá nhân... tiến đến các bước sửa đổi về luật giao dịch điện tử và luật về lưu trữ. Việc thứ ba là hoàn thiện các yếu tố nền tảng của Chính phủ điện tử. Thủ tướng nhấn mạnh những yếu tố nền tảng của Chính phủ điện tử và chỉ đạo “chúng ta phải làm cho được”. Trên cơ sở đó, Thủ tướng đưa ra những mục tiêu: Phấn đấu 100% các bộ, ngành, địa phương có nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu kết nối với nền tảng, tích hợp chia sẻ dữ liệu quốc gia; 100% các bộ, ngành, địa phương có Trung tâm giám sát, điều hành an toàn, an ninh mạng...; 100% cơ sở dữ liệu quốc gia cơ bản hoàn thành.

Thủ tướng lưu ý vai trò của người đứng đầu và sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương trong công cuộc xây dựng chính quyền điện tử tại địa phương. Các hệ thống cơ sở dữ liệu truyền thông vượt quá phạm vi của bộ, ngành phải do Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì quản lý. Thủ tướng giao Bộ Thông tin và Truyền thông làm cơ quan điều phối thống nhất về Chính phủ điện tử, tổng hợp chiến lược, kế hoạch các dự án đầu tư, thuê công nghệ thông tin... tháo gỡ khó khăn kịp thời, lan tỏa kinh nghiệm tốt, kịp thời báo cáo các bất cập để xử lý. “Xây dựng Chính phủ điện tử phải đi liền sắp xếp bộ máy tinh gọn, hiệu quả, đi liền với cải cách hành chính, giúp giảm biên chế, phải tiết kiệm chi phí”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng đồng ý với kiến nghị của Bộ Thông tin về Truyền thông để Ban Chỉ đạo quốc gia về Chính phủ điện tử chỉ đạo thêm các vấn đề về đô thị thông minh, chuyển đổi số, kinh tế số, đề xuất không thành lập thêm các Ban Chỉ đạo quốc gia mới; đồng ý đề xuất về xây dựng mạng truyền số liệu chuyên dùng của cơ quan Đảng, Nhà nước thành hạ tầng số của Chính phủ điện tử, vận hành và khai thác các nền tảng dùng chung. Thủ tướng yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông nghiên cứu xây dựng Trung tâm Giám sát quốc gia về Chính phủ điện tử thực hiện giám sát quốc gia về hạ tầng mạng, an toàn an ninh mạng và dịch vụ của Chính phủ điện tử... Đề cập đến các vấn đề đào tạo nhân lực, truyền thông đến người dân, Thủ tướng kêu gọi các địa phương, thành phần kinh tế, người dân Việt Nam tham gia xây dựng Chính phủ điện tử tại Việt Nam theo khả năng. Thủ tướng giao Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng nền tảng để mọi người dân, doanh nghiệp có thể thông qua ứng dụng trên thiết bị di động truy cập được mọi dịch vụ của Chính phủ điện tử...

Theo TTXVN