Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị Cải thiện năng suất lao động quốc gia

- Thứ Tư, 07/08/2019, 19:53 - Chia sẻ
Sáng 7.8, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị Cải thiện năng suất lao động quốc gia.

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, tính đến năm 2018, chỉ số năng suất lao động xã hội của nước ta đạt 102,2 triệu đồng/lao động, tương đương 4.521 USD/1 lao động (theo giá hiện hành), cao hơn gần gấp đôi so với năm 2011. Tính riêng giai đoạn 2016 - 2018, năng suất lao động tăng bình quân 5,77%/năm, giúp Việt Nam trở thành quốc gia có tốc độ tăng năng suất lao động cao trong khu vực ASEAN (Singapore là 1,4%/năm; Malaysia là 2%/năm; Thái Lan là 3,2%/năm…). Tuy nhiên, xét ở khía cạnh giá trị so sánh với các nước trong khu vực, năng suất lao động của nước ta vẫn ở mức thấp. Nếu tính theo giá trị sức mua tương đương (PPP) năm 2018, năng suất lao động nước ta đạt 11.142 USD thì chỉ bằng 7,3% năng suất lao động của Singapore; 19% của Malaysia…

“Một lần nữa, bài toán tăng nhanh năng suất lao động được đặt ra và cần phải có lời giải một cách toàn diện hơn, gấp rút hơn, hiệu quả hơn, nhất là trong bối cảnh chúng ta đang dự kiến đặt mục tiêu phát triển cao trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm tới”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã đề xuất nhiều giải pháp ngắn hạn và dài hạn; tổng thể, đồng bộ ở cấp vĩ mô và vi mô; xác định rõ trách nhiệm của các cấp, ngành, doanh nghiệp và cá nhân để nâng cao năng suất lao động. Trong đó, nhiều đại biểu cho rằng, trước tiên, Việt Nam cần tiếp tục thúc đẩy cải cách thể chế để làm sao nguồn lực dồn chảy vào những khu vực có khả năng hiệu quả nhất; thúc đẩy quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế sang công nghiệp và dịch vụ; khởi xướng phong trào năng suất quốc gia; có chiến dịch nâng cao nhận thức về năng suất và sử dụng công cụ nâng cao năng suất…


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị Cải thiện năng suất lao động quốc gia
Ảnh: Thống Nhất

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao các ý kiến đóng góp của đại diện nhà quản lý, doanh nghiệp và chuyên gia. Thủ tướng cho rằng, chỉ số năng suất lao động tại Việt Nam chưa cao do xuất phát điểm thấp nhưng “tiềm lực trong mỗi người dân của chúng ta rất lớn”. Điều này thể hiện mức tăng năng suất lao động của Việt Nam cao hơn nhiều so với các nước ASEAN cũng như nhiều nước trên thế giới.

Thủ tướng cũng chỉ ra nguyên nhân khiến năng suất lao động chưa cao một phần vì các điểm nghẽn về thể chế kinh tế; trình độ, kỹ năng nguồn nhân lực còn thấp; thiếu nhân lực kỹ năng cao, đặc biệt là kỹ năng mới nổi của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nền kinh tế số. Để thúc đẩy năng suất lao động, Thủ tướng nhấn mạnh, đầu tiên là phải cải cách thể chế để khắc phục các “nút thắt” trên. Nâng cao năng lực quản trị nhà nước, năng lực cạnh tranh quốc gia, nâng cấp chất lượng môi trường kinh doanh, xây dựng cơ chế để mọi lao động được trao cơ hội. Bên cạnh đó, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ, từ lao động giản đơn sang lao động có kỹ năng…

Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm thể chế hóa Hội nghị này để có cơ sở pháp luật cho các cấp, ngành triển khai tăng năng suất lao động.

Cũng tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát động phong trào Năng suất lao động quốc gia. Thủ tướng mong muốn phong trào cần được tổ chức sâu rộng trong toàn xã hội. “Chính phủ và Thủ tướng luôn đồng hành, mong muốn cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, nhà đầu tư và nhân dân cần nỗ lực hơn nữa, chủ động tham gia tích cực, đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp tăng năng suất lao động, cùng kề vai sát cánh để đưa Việt Nam phát triển nhanh và bền vững”, Thủ tướng nói.

Đan Thanh