Thủ tướng Hy Lạp kêu gọi bầu cử sớm

- Thứ Ba, 28/05/2019, 08:32 - Chia sẻ
Theo AP, Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras vừa kêu gọi bầu cử sớm sau khi đảng của ông thất bại tại cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu (EP).

Phát biểu tại trụ sở đảng Syriza, nhà lãnh đạo này thừa nhận, “kết quả không như mong đợi của chúng tôi... Tôi sẽ không bỏ qua hoặc bỏ cuộc”. Theo ông Tsipras, Chính phủ của mình đã giúp Hy Lạp thoát khỏi tình trạng khắc khổ do các chủ nợ áp đặt và việc nhiều cử tri đi bỏ phiếu cho đảng chiến thắng Tân Dân chủ cuối tuần vừa qua có thể sẽ khiến xứ sở của các vị thần “trở lại bóng đen khắc khổ, bóng tối khủng hoảng, các đầu sỏ chính trị và IMF”.

Nhiệm kỳ của Chính phủ đương nhiệm sẽ kết thúc vào tháng 10 tới. Trước đây, các quan chức luôn nhấn mạnh, cuộc bầu cử tiếp theo sẽ được tổ chức vào cuối nhiệm kỳ. Tuy nhiên, sau cuộc họp tranh luận kéo dài của Nội các và các quan chức đảng cầm quyền, tuyên bố bầu cử sớm của Thủ tướng đã được đưa ra. Bản thân lãnh đạo đảng đối lập Tân Dân chủ Kyriakos Mitsotakis còn kêu gọi ông Alexis Tsipras từ chức. “Hiển nhiên rằng người dân đã không còn tin vào Chính phủ hiện nay… Thủ tướng phải nhận trách nhiệm. Ông ấy cần từ chức và đất nước nên tổ chức tổng tuyển cử sớm nhất có thể”, ông Mitsotakis nói.

Ông Tsipras cho biết sẽ gặp Tổng thống Hy Lạp để trình bày yêu cầu giải tán sớm Quốc hội sau vòng thứ hai của cuộc bầu cử địa phương và khu vực ngày 2.6. Điều đó có nghĩa, cuộc bầu cử tới sẽ được tổ chức vào ngày 30.6 là sớm nhất.
Mặc dù mới chỉ hơn 1/3 số khu vực bầu cử báo cáo kết quả, đảng Tân Dân chủ đang dẫn đầu với 33,62% số phiếu ủng hộ so với chỉ 23,86% của đảng Syriza. Các nhà xã hội của đảng Phong trào thay đổi theo sau với 7,16%, tiếp đến là Đảng Cộng sản (5,75%), đảng Bình minh vàng cực hữu (4,86%), đảng theo đường lối cứng rắn Giải pháp dân tộc chủ nghĩa (4,04%) và đảng Diem25 (3,15%). Nếu kết quả trên được giữ vững, đảng Tân Dân chủ sẽ giành được 7 ghế EP, Syriza có 6 ghế và các đảng còn lại có từ 1 - 2 ghế. Không chỉ đạt kết quả khả quan ở cuộc bầu cử EP, đảng Tân Dân chủ cũng được dự đoán có những thành tích quan trọng trong vòng hai cuộc bầu cử địa phương và khu vực vào Chủ nhật tới.

Mặc dù, Chính phủ đương nhiệm trong tháng 5 này đã thông báo cắt giảm một loạt thuế và trả lương hưu cùng một số biện pháp khác để gỡ dần các biện pháp khắc khổ nhưng điều đó chỉ giúp đảng Syriza không bị thất bại nặng hơn. Thực tế, nhiều người dân đang chật vật xoay xở cuộc sống. Hy Lạp đã “tạm biệt” chương trình cứu trợ tài chính kéo dài 8 năm vào tháng 8.2018, nhưng Athens vẫn phải chịu kiểm soát từ các chủ nợ châu Âu, dù dễ thở hơn so với thời kỳ cứu trợ tài chính nhưng vẫn ngặt nghèo hơn so với các nước tiếp nhận các khoản vay cứu trợ khác. Hơn nữa, một số cử tri không hài lòng với thỏa thuận đổi tên nước của Hy Lạp với CH Bắc Macedonia. Đa phần cho rằng việc để nước khác sử dụng cái tên “Macedonia” vốn được coi như là di sản của Hy Lạp là không thể chấp nhận được. Thậm chí, vì việc này, Thủ tướng Tsipras từng phải đối mặt với một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm hồi đầu năm nhưng đã may mắn vượt qua. 

Ngọc Minh