Kỳ họp thứ Chín, Quốc hội Khóa XIV:

Thu phí hòa giải, đối thoại tại Tòa án với 3 trường hợp

- Thứ Hai, 25/05/2020, 11:08 - Chia sẻ
Cho rằng hòa giải, đối thoại tại Tòa án là phương thức giải quyết tranh chấp mới nên cần có thời gian vào cuộc sống để phát huy hiệu quả và khuyến khích người dân lựa chọn, các Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đề nghị, không nên thu phí trong tất cả trường hợp hòa giải, vì điều này sẽ làm cho các bên e ngại không chọn hòa giải. Đồng thời, chỉ nên thu phí đối với 3 trường hợp đã được quy định trong dự thảo Luật.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành phiên họp
Ảnh: Quang Khánh

Sáng 25.5, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.

Khuyến khích người dân lựa chọn hòa giải, đối thoại tại Tòa án

Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến ĐBQH về dự thảo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nêu rõ, về việc thu, nộp chi phí hòa giải, đối thoại tại Tòa án, nhiều ý kiến tán thành việc Nhà nước không thu chi phí hòa giải, đối thoại tại Tòa án đối với các đương sự với những lý do như Tờ trình của Tòa án Nhân dân tối cao.

Một số ý kiến đề nghị cân nhắc để quy định Nhà nước thu một khoản chi phí nhất định đối với một số trường hợp. Có ý kiến đề nghị quy định đối tượng chịu chi phí là các vụ việc dân sự có giá ngạch từ 100 triệu đồng trở lên hoặc có giá trị từ một tỷ đồng trở lên; các vụ án hành chính mà pháp nhân, cá nhân có yêu cầu về trách nhiệm dân sự. Ý kiến khác đề nghị quy định cơ quan, tổ chức, cá nhân phải chịu chi phí hòa giải, đối thoại trong mọi trường hợp.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, hòa giải, đối thoại tại Tòa án có nhiều ưu điểm, giúp giải quyết hiệu quả các tranh chấp, khiếu kiện, do đó sẽ hạn chế số lượng lớn các vụ việc phải đưa ra Tòa án xét xử. Kết quả hòa giải, đối thoại thành được các bên tự nguyện thi hành sẽ giúp tiết kiệm được khoản chi phí lớn mà hàng năm ngân sách phải đầu tư cho công tác xét xử, công tác thi hành án dân sự và tiết kiệm chi phí của xã hội. Do đây là phương thức giải quyết tranh chấp mới nên cần có thời gian để đi vào cuộc sống phát huy hiệu quả và cần khuyến khích người dân lựa chọn.


Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến ĐBQH về dự thảo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án
Ảnh: Quang Khánh

Tiếp thu ý kiến ĐBQH, Chủ nhiệm UB Lê Thị Nga cho biết, dự thảo Luật chỉnh lý theo hướng đa số các trường hợp Nhà nước không thu chi phí hòa giải, đối thoại tại Tòa án; Nhà nước chỉ thu chi phí hòa giải, đối thoại tại Tòa án với 3 trường hợp: Pháp nhân, cá nhân nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp về kinh doanh, thương mại có giá ngạch; chi phí phát sinh khi tiến hành hòa giải, đối thoại trong trường hợp các bên thống nhất hòa giải, đối thoại ngoài trụ sở Tòa án; chi phí khi hòa giải viên xem xét hiện trạng tài sản liên quan đến tranh chấp, khiếu kiện mà tài sản đó nằm ngoài phạm vi lãnh thổ của tỉnh nơi Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ việc có trụ sở, trước khi Hòa giải viên lập biên bản ghi nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành; chi phí phiên dịch tiếng nước ngoài. Vì đây là những hoạt động phát sinh lợi nhuận hoặc thường là các khoản chi lớn, các bên có trách nhiệm chia sẻ một phần để giảm chi cho ngân sách nhà nước. Mức thu, trình tự, thủ tục thu, nộp do Chính phủ quy định chi tiết.

Các ĐBQH thống nhất với việc Nhà nước thu một khoản chi phí nhất định đối với một số trường hợp như trong dự thảo Luật. Theo ĐBQH Phan Thị Mỹ Dung (Long An), nếu thu phí trong tất cả trường hợp hòa giải sẽ làm cho các bên e ngại không chọn hòa giải. Tuy nhiên, do dự thảo Luật có giao Chính phủ quy định chi phí thu, nộp chi phí hòa giải, đối thoại, ĐB Phan Thị Mỹ Dung cho rằng, nên bổ sung quy định mang tính nguyên tắc là có sự thỏa thuận trước giữa các bên về chi phí phải nộp đối với trường hợp chi phí phát sinh, chi phí hòa giải ngoài trụ sở tòa án, vì đây là chi phí thực tế sau khi thực hiện mới có chi phí này, mà Nhà nước không thể định khung, không thể định tỷ lệ phải nộp. Bên cạnh đó, bổ sung quy định về nguyên tắc, điều kiện tổ chức hòa giải đối thoại ngoài trụ sở tòa án như: địa điểm bên ngoài tòa án bảo đảm sự an toàn, nghiêm túc, thuận lợi, tránh nơi dễ gây phản cảm, mất an toàn và hòa giải viên được quyền đồng tình, quyết định nơi xem xét hòa giải ngoài tòa án.


Các ĐBQH tại phiên họp sáng 25.05
Ảnh: Quang Khánh

Mở rộng đối tượng được bổ nhiệm hòa giải viên

Về điều kiện bổ nhiệm hòa giải viên, các ĐBQH Nguyễn Văn Sơn (Hà Tĩnh), Tô Ái Vang (Sóc Trăng)... đề nghị mở rộng đối tượng được bổ nhiệm hòa giải viên như trợ giúp viên pháp lý, cán bộ, công chức, viên chức chuyên ngành luật đã nghỉ hưu, nhằm thu hút đông đảo lực lượng hòa giải viên, tổng hợp chất xám, kinh nghiệm năng lực, sở trường của các nhóm đối tượng này, góp phần giảm tải áp lực cho ngành Tòa án.

ĐB Tô Ái Vang cho rằng, nên cân nhắc đối tượng là luật sư không nhất thiết phải có ít nhất 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực công tác như dự thảo luật, vì họ đã được đào tạo bài bản, đã được cọ xát trong quá tình tham gia tố tụng, tranh tụng trên nhiều lĩnh vực. Thực tế, triển khai Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 cho thấy, từ khi có luật đến nay, việc thu hút cộng tác viên trợ giúp pháp lý rất khó khăn. Một trong những lý do là bị ràng buộc về điều kiện bổ nhiệm nên có rất ít đối tượng tham gia; do đó ĐB Tô Ái Vang đặt vấn đề, nên quy định đã là thẩm phán, thẩm tra viên, thư ký tòa án, kiểm sát viên, kiểm tra viên Viện kiểm sát, chấp hành viên thi hành án dân sự, thanh tra viên trước khi nghỉ hưu, luật sư, trợ giúp viên pháp lý, cán bộ công chức, viên chức có chuyên ngành luật đã nghỉ hưu; chuyên gia, nhà chuyên môn khác có ít nhất 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực công tác, người có hiểu biết về phong tục tập quán, có uy tín trong cộng đồng dân cư nếu có đủ điều kiện có thể được bổ nhiệm thành hòa giải viên.

Hoàng Ngọc