Thu hút đầu tư vào nông nghiệp Bắc Giang

- Thứ Bảy, 15/06/2019, 07:44 - Chia sẻ
Bắc Giang được thiên nhiên ban tặng lợi thế về đất đai, khí hậu, để phát triển chăn nuôi và những vùng cây ăn quả trù phú. Từ đó giúp người dân đẩy mạnh sản xuất tạo nguồn kinh tế ổn định và góp phần làm thay đổi bộ mặt KT - XH của tỉnh. Xác định đây là thế mạnh của địa phương, tỉnh Bắc Giang đã ban hành nhiều chính sách, đề án để hỗ trợ người dân và tăng cường thu hút đầu tư vào nông nghiệp, đặc biệt là những sản phẩm hàng hóa xuất khẩu.

Nhiều điểm sáng

Bắc Giang được đánh giá là tỉnh có nhiều vùng trồng cây ăn quả lớn nhất miền Bắc. Trong đó, huyện Lục Ngạn có diện tích 28.000ha cây ăn quả các loại, vải thiều chiếm trên 50% (15.000ha). Liền kề với huyện Lục Ngạn là vùng chuyên canh na dai tại các xã: Đan Hội, Huyền Sơn, Đông Phú, Cương Sơn, Trường Sơn thuộc huyện Lục Nam với tổng diện tích 1.700ha; huyện Lạng Giang có vùng trồng dứa, chanh đào… Ngoài các sản phẩm trái cây chủ lực, Bắc Giang còn có nhiều sản phẩm truyền thống chế biến từ nông sản được người tiêu dùng đón nhận như: Mỳ gạo Chũ (sản lượng 15.000 tấn/năm), mật ong (1.000 tấn/năm), phấn hoa vải thiều (trên 50 tấn/năm), giấm trái cây (400.000 lít/năm)… Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Thái, nhờ nhiều lợi thế về đất đai, khí hậu nên nhiều giống cây ăn quả thích nghi và phát triển tốt trên đất Bắc Giang. Tính đến nay, toàn tỉnh đã có 8 sản phẩm nông nghiệp chủ lực có thương hiệu gồm: Lợn, gà, cá, vải thiều, lúa chất lượng, rau các loại, cam, lạc...

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Thái cũng nhấn mạnh, hiện nay tỉnh Bắc Giang đang hướng tới phát triển sản xuất sản phẩm nông nghiệp sạch và áp dụng công nghệ cao. Đã có nhiều doanh nghiệp và HTX trên địa bàn mạnh dạn đầu tư công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, điển hình như trang trại lợn của HTX Trường Thành (xã Danh Thắng, huyện Hiệp Hòa) với quy mô 5ha được áp dụng công nghệ cao trong chăn nuôi. Đàn lợn được nuôi tại HTX Trường Thành luôn có sức khỏe tốt khi sinh sống trên lớp đất có tưới chế phẩm công nghệ E.M của Nhật Bản giúp phân hủy hết toàn bộ chất thải, trang trại luôn sạch. HTX Rau sạch Yên Dũng cũng là một trong những đơn vị mạnh dạn đầu tư trồng rau công nghệ cao. Hiện, HTX rau sạch Yên Dũng đang xây dựng 5.000m2 nhà màng; lắp đặt thí điểm 1ha hệ thống tưới văng; xây dựng khu sơ chế nông sản tiên tiến.

Thời gian qua, Bắc Giang là địa phương có nhiều loại trái cây sản xuất theo tiêu chuẩn Vietgap như: Vải thiều, na… Nhờ áp dụng tiêu chuẩn VietGAP thu nhập của bà con nông dân tương đối ổn định. Ông Trần Văn Tiến (thôn Chão Cũ, xã Giáp Sơn, huyện Lục Ngạn) cho biết: Từ khi tham gia quy trình sản xuất vải theo theo tiêu chuẩn VietGAP, sản lượng và chất lượng quả vải được nâng lên. “1kg vải thiều VietGAP tương đương giá trị của 3kg vải thường”, ông Tiến vui vẻ cho biết. Theo ông Tiến, vải không trồng theo quy trình VietGAP sẽ cho chất lượng không được tốt, đến mùa thu hoạch lại bị thương lái ép giá. Khi tham gia VietGAP đồng nghĩa với chất lượng cũng như giá trị của quả vải được nâng lên, thương lái không còn cớ để ép giá nữa. “Chúng tôi không phải lo nghĩ đến chuyện trồng ra mà bán được sản phẩm nữa. Đến mùa thu hoạch là có người đến thu mua nên thu nhập rất ổn định”, ông Tiến cho biết thêm.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn Cao Văn Hoàn, nông sản sạch ngày càng được người tiêu dùng quan tâm đón nhận tích cực hơn. Nắm bắt được xu thế đó, huyện Lục Ngạn đã mạnh dạn thử nghiệm trồng cây vải thiều theo hướng hữu cơ. Theo phương pháp này, sẽ an toàn cho cả người canh tác, lại không gây độc hại cho môi trường, không tồn dư hàm lượng thuốc bảo vệ thực vật trên sản phẩm, giúp cây sinh trưởng tốt hơn, chất lượng quả vải ngọt và thơm hơn. “Mô hình trồng vải hữu cơ hiện đã nhân rộng lên trên 20ha và những vườn vải tham gia mô hình đều được lắp camera giám sát, nhật ký chăm sóc là nhật ký điện tử. Những hộ dân có vườn vải hữu cơ đều được huyện bảo đảm bao tiêu sản phẩm và cảm kết đồng hành thực hiện quy trình chăm sóc, chia sẻ rủi ro”, ông Hoàn nhấn mạnh.


Nhiều sản phẩm nông nghiệp của Bắc Giang được người tiêu dùng đón nhận 
Ảnh: Thanh Bình

Hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ

 Theo Phó Giám đốc Sở NN - PTNT tỉnh Bắc Giang Dương Thanh Tùng, Bắc Giang phấn đấu đến năm 2025 sẽ hình thành và phát triển 18 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Trong đó, phát triển 7 vùng rau, 1 vùng hoa, 1 vùng sản xuất chè, 2 vùng vải thiều, 2 vùng chăn nuôi lợn, 2 vùng nuôi gà, 1 vùng nấm, 1 vùng cây ăn quả.

Chia sẻ về hướng phát triển ngành nông nghiệp địa phương trong thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Dương Văn Thái cho biết: Tỉnh vẫn tiếp tục định hướng phát triển nông sản chủ lực gắn với Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và phát triển bền vững. Thực hiện chủ trương này, UBND tỉnh đã giao cho Sở NN - PTNT tỉnh nghiên cứu ban hành những chính sách thúc đẩy mạnh việc ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ cao hướng tới nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị, và sức cạnh tranh của sản phẩm. Sở NN - PTNT tỉnh cũng là cơ quan chủ quản trong hoạt động thực hiện đổi mới các hình thức tổ chức sản xuất, hỗ trợ hộ nông dân liên kết với doanh nghiệp trong việc bao tiêu sản phẩm. Đẩy mạnh sản xuất theo chuỗi giá trị tại các HTX và các hộ nông dân trên toàn tỉnh. Đồng thời, tiếp tục sửa đổi, hoàn thiện chính sách hỗ trợ cho nông nghiệp nông thôn, tăng cường thu hút đầu tư vào nông nghiệp.

Định hướng của tỉnh Bắc Giang là tiếp tục phát triển thêm nhiều sản phẩm nông nghiệp chủ lực có thương hiệu, do vậy UBND tỉnh đã ban hành Đề án “Chương trình mỗi xã một sản phẩm” giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2030 (Chương trình OCOP). Theo đó, UBND tỉnh đã giao trực tiếp Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở NN - PTNT phối hợp phát triển, nhân rộng các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh để sản xuất các sản phẩm truyền thống, sản phẩm, dịch vụ có lợi thế, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế…

Cũng theo thông tin từ UBND tỉnh, thời gian tới, tỉnh sẽ triển khai phát triển 6 điểm trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn gắn với hoạt động du lịch tại các huyện: Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Thế, Yên Dũng, Việt Yên. Đặc biệt, đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ quản lý các cấp, tuyên truyền thường xuyên, sâu rộng bằng nhiều hình thức trong nhân dân để người dân biết và tham gia chương trình. Đưa Chương trình OCOP vào Nghị quyết hành động của cấp ủy các cấp để chỉ đạo thực hiện, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm của chính quyền địa phương để triển khai thực hiện thường xuyên, lâu dài.

Thanh Bình