Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XIV:

Thông qua Nghị quyết giám sát tối cao về phòng cháy, chữa cháy

- Thứ Tư, 27/11/2019, 17:01 - Chia sẻ
Chiều nay, 27.11, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về kết quả giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy giai đoạn 2014 - 2018 với tỷ lệ 92,96% số ĐBQH tham dự tán thành.

Theo đó, Điều 2 Nghị quyết nêu rõ, để nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy,Quốc hội yêu cầu Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương nghiên cứu những tồn tại, hạn chế, xem xét tiếp thu, triển khai thực hiện có hiệu quả những đề xuất, kiến nghị được nêu trong Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội, đồng thời tập trung thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp sau: Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 47-CT/TW ngày 25/6/2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng cháy, chữa cháy,huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân vào việc thực hiện nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; tổng kết, rà soát, nghiên cứu trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật Phòng cháy và chữa cháyvà các quy định của pháp luật có liên quan; chủ động rà soát, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền đểđáp ứng kịp thời yêu cầu thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội,bảo đảm đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật; đôn đốc các địa phương xây dựng, ban hành quy định về xử lý cơ sở không bảo đảm yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy được đưa vào sử dụng trước ngày Luật Phòng cháy và chữa cháy năm 2001 có hiệu lực, hoàn thành trong năm 2021.

Cũng theo Điều 2 Nghị quyết, Quốc hội yêu cầu Chính phủ cần cógiải pháp tạo sự chuyển biến mạnh mẽtrong công tác tuyên truyền, phổ biến,giáo dục pháp luật, kiến thức về phòng cháy, chữa cháy; đổi mới nội dung, hình thức, biện pháp, phương pháp tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức pháp luật, kiến thức, kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy...

Trongcông tác phòng cháy và chữa cháy,lấy phòng ngừa là chính; tập trung chỉ đạo xây dựng phong trào toàn dân tham gia phòng cháy, chữa cháy sâu rộng, với phương châm “bốn tại chỗ”, nòng cốt là lực lượng dân phòng, lực lượng phòng cháy, chữa cháy cơ sở và lực lượng phòng cháy, chữa cháy chuyên ngành. Nghiên cứuviệc thí điểm giao một số nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy cho lực lượng bảo vệ dân phố, lực lượng làm nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở phù hợp với quy định của Luật Phòng cháy và chữa cháy và pháp luật có liên quan.

Nghị quyết yêu cầu Chính phủ kiện toàn Ban chỉ đạo phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tại các Bộ, ngành, địa phương. Xác định rõ cơ chế phối hợp giữa chính quyền địa phương với các cơ quan, tổ chức về thực hiện phương châm “bốn tại chỗ” trong phòng cháy, chữa cháy; chú trọng xây dựng, nhân rộng các điển hình tiên tiến theo hướng tự phòng, tự quản về an toàn phòng cháy, chữa cháy tại cụm dân cư, cụm doanh nghiệp;giải quyết chế độ, chính sách kịp thời, thỏa đáng đối với người bị thương, hy sinh hoặc thiệt hại về tài sản khi tham gia chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; kịp thời động viên, khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích trong công tácphòng cháy, chữa cháy;tăng cường xây dựng lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, chú trọng phát triển mạng lưới các đơn vị Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy tại các địa bàn, khu vực trọng điểm...

Nghị quyết yêu cầu, hàng năm, Chính phủ báo cáo Quốc hội về kết quả thực hiện Nghị quyết này tại kỳ họp cuối năm.

Thanh Chi