Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội Khóa XIV:

Thông qua 3 luật và 3 Nghị quyết

- Thứ Ba, 26/11/2019, 17:16 - Chia sẻ
Chiều nay, 26.11, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Lực lượng dự bị động viên với tỷ lệ 92,96% ĐBQH tham gia tán thành.

Tiếp đó, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Quốc hội đã biểu quyết thông qua: Luật Chứng khoán (sửa đổi) với tỷ lệ 92,13% ĐBQH tham gia tán thành; Nghị quyết về Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 với tỷ lệ 90,06% ĐBQH tham gia tán thành; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán Nhà nước, với tỷ lệ 94% ĐBQH tham gia tán thành; Nghị quyết về khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước với tỷ lệ 91,3% ĐBQH tham gia tán thành; Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án Hồ chứa nước Ka Pét, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận với tỷ lệ 92,75% ĐBQH tham gia tán thành.

Bộ Quốc phòng chủ trì lập kế hoạch về xây dựng, huy động lực lượng dự bị động viên

Luật Lực lượng dự bị động viên gồm 5 chương, 41 điều, quy định về xây dựng, huy động lực lượng dự bị động viên; chế độ, chính sách và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong xây dựng, huy động lực lượng dự bị động viên. Theo quy định của Luật, Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ lập Kế hoạch nhà nước về xây dựng và huy động lực lượng dự bị động viên. Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ được giao nhiệm vụ xây dựng, huy động lực lượng dự bị động viên lập kế hoạch xây dựng, huy động lực lượng dự bị động viên của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.

Đơn vị trực thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ được giao nhiệm vụ xây dựng, huy động lực lượng dự bị động viên lập kế hoạch xây dựng, huy động lực lượng dự bị động viên của đơn vị. UBND cấp tỉnh, UBND cấp huyện lập kế hoạch xây dựng, huy động lực lượng dự bị động viên của địa phương. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định thẩm quyền lập kế hoạch huy động, tiếp nhận lực lượng dự bị động viên của đơn vị Quân đội Nhân dân.

Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1.7.2020.


Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Lực lượng dự bị động viên

Báo cáo tài chính phải được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán

Luật Chứng khoán (sửa đổi) gồm 10 chương, 135 điều quy định các hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực chứng khoán; tổ chức thị trường chứng khoán; quản lý nhà nước về chứng khoán và thị trường chứng khoán.

Điểm nhấn của Luật là quy định Báo cáo tài chính phải được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán được chấp thuận thực hiện kiểm toán cho đơn vị có lợi ích công chúng thuộc lĩnh vực chứng khoán. Ý kiến kiểm toán đối với các báo cáo tài chính là ý kiến chấp nhận toàn phần; trường hợp ý kiến kiểm toán là ý kiến ngoại trừ thì khoản ngoại trừ không ảnh hưởng đến điều kiện chào bán; tổ chức phát hành phải có tài liệu giải thích hợp lý và có xác nhận của tổ chức kiểm toán về ảnh hưởng của việc ngoại trừ.

Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2021.

Sử dụng vốn của nhà đầu tư, không sử dụng bảo lãnh Chính phủ

Nghị quyết về Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 đã thông qua một số nội dung chủ yếu sau: Đầu tư xây dựng 1 đường cất hạ cánh và 1 nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách/năm, 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm.

Nghị quyết giao Chính phủ xem xét, quyết định tổng mức đầu tư của Dự án theo quy định của pháp luật về đầu tư công, xây dựng, quản lý, sử dụng tài sản công và pháp luật có liên quan, bao gồm chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng và bảo đảm tổng mức đầu tư toàn bộ Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành không vượt tổng mức đầu tư theo Nghị quyết số 94/2015/QH13 ngày 25.6.2015 của QH về chủ trương đầu tư Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành (sau đây gọi là Nghị quyết số 94/2015/QH13). Chính phủ lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của pháp luật bảo đảm quốc phòng, an ninh và lợi ích của nhà nước, lợi ích của quốc gia; bảo đảm sự quản lý của Nhà nước theo quy định của pháp luật về hàng không dân dụng và sử dụng cho mục đích quân sự.

Về phương án huy động vốn, Nghị quyết nêu rõ, sử dụng vốn của nhà đầu tư; không sử dụng bảo lãnh Chính phủ; bảo đảm tiến độ, tính khả thi, hiệu quả và công khai, minh bạch. Về công nghệ, bảo đảm yêu cầu theo quy định tại Khoản 4 Điều 2 của Nghị quyết số 94/2015/QH13.

Nghị quyết cho phép điều chỉnh diện tích đất cho quốc phòng từ 1.050 ha thành 570 ha dành riêng cho quốc phòng và 480 ha cho xây dựng kết cấu hạ tầng hàng không dùng chung quân sự và dân dụng. Việc quản lý, sử dụng phần diện tích dùng chung thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật về hàng không dân dụng; ưu tiên cho hoạt động quân sự khi thực hiện nhiệm vụ quốc phòng. Bổ sung hai tuyến giao thông kết nối vào dự án là tuyến số 01 nối với Quốc lộ 51; tuyến số 02 nối với đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây. Việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư thực hiện theo quy định của pháp luật.

Hàng năm, Chính phủ báo cáo Quốc hội về tình hình thực hiện dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành theo các Nghị quyết của Quốc hội. Nghị quyết có hiệu lực từ ngày Quốc hội thông qua.

Kiểm toán đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán Nhà nước gồm 3 điều. Luật đã bổ sung đối tượng kiểm toán là cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán, đây là nội dung quan trọng nhằm xác lập cơ sở pháp lý, tạo thuận lợi cho Kiểm toán nhà nước trong quá trình thực thi nhiệm vụ, đồng thời bổ sung các quy định nhằm bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán. Các nội dung trong Luật đã chỉ rõ cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải được xác định trong quá trình kiểm toán tại đơn vị được kiểm toán, đó là các đối tượng có liên quan đến quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công của đơn vị được kiểm toán để bảo đảm cụ thể rõ ràng, chặt chẽ.

Luật quy định rõ, chỉ thực hiện kiểm tra, đối chiếu các nội dung liên quan trực tiếp đến nội dung, phạm vi kiểm toán của đơn vị được kiểm toán tại các cơ quan tổ chức có liên quan. Trong trường hợp cần kiểm toán toàn diện đối với nhóm đối tượng này, Kiểm toán Nhà nước phải thực hiện quy trình để bổ sung vào kế hoạch kiểm toán và ban hành quyết định kiểm toán theo quy định tại Mục 1, Chương IV luật hiện hành.


Toàn cảnh phiên họp QH chiều 26.11 

Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1.7.2020

7 trường hợp được xóa nợ thuế

Theo Nghị quyết về khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước: “đối tượng được xử lý nợ là người nộp thuế nợ tiền thuế, nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp và thuộc một trong các trường hợp dưới đây, phát sinh trước ngày 1.7.2020 mà không có khả năng nộp ngân sách nhà nước”. Đó là:

Thứ nhất, người nộp thuế là người đã chết, người bị Tòa án tuyên bố là đã chết, mất tích hoặc mất năng lực hành vi dân sự.

Thứ hai, người nộp thuế có quyết định giải thể gửi cơ quan quản lý thuế, cơ quan đăng ký kinh doanh để làm thủ tục giải thể, cơ quan đăng ký kinh doanh đã thông báo người nộp thuế đang làm thủ tục giải thể trên hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp nhưng người nộp thuế chưa hoàn thành thủ tục giải thể.

Thứ ba, người nộp thuế đã nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản hoặc bị người có quyền, nghĩa vụ liên quan nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản theo quy định của pháp luật về phá sản.

Thứ tư, người nộp thuế không còn hoạt động kinh doanh tại địa chỉ kinh doanh đã đăng ký với cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan quản lý thuế đã phối hợp với Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi người nộp thuế có trụ sở hoặc địa chỉ liên lạc để kiểm tra, xác minh thông tin người nộp thuế không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký kinh doanh, địa chỉ liên lạc đã đăng ký với cơ quan quản lý thuế.

Thứ năm, người nộp thuế đã bị cơ quan quản lý thuế có văn bản đề nghị cơ quan có thẩm quyền thu hồi hoặc đã bị cơ quan có thẩm quyền thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã, giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh hoặc giấy phép thành lập và hoạt động, giấy phép hành nghề theo đề nghị của cơ quan quản lý thuế.

Thứ sáu, người nộp thuế bị thiệt hại vật chất do gặp thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ.

Thứ bảy, người nộp thuế cung ứng hàng hóa, dịch vụ được thanh toán trực tiếp bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, bao gồm cả nhà thầu phụ được quy định trong hợp đồng ký với chủ đầu tư và được chủ đầu tư trực tiếp thanh toán nhưng chưa được thanh toán.

Thẩm quyền xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với doanh nghiệp và tổ chức được quy định như sau: Thủ tướng Chính phủ quyết định xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp từ 15 tỷ đồng trở lên. Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp từ 10 tỷ đồng đến dưới 15 tỷ đồng. Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan quyết định xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp từ 5 tỷ đồng đến dưới 10 tỷ đồng. Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp dưới 5 tỷ đồng.

Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 1.7.2020 và được tổ chức thực hiện trong thời hạn 3 năm kể từ ngày có hiệu lực thi hành.

Hơn 585 tỷ đồng đầu tư dự án hồ chứa nước Ka Pét

Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án Hồ chứa nước Ka Pét, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận xác định mục tiêu dự án là cung cấp nước tưới cho sản xuất nông nghiệp; cấp nước thô cho khu công nghiệp và sinh hoạt của người dân; phòng, chống lũ và cải tạo môi trường, điều tiết nước cho vùng hạ du khu vực Hàm Thuận Nam và tỉnh Bình Thuận.

Quy mô của dự án gồm: hồ điều tiếtdung tích toàn bộ Wtb= 51,21 triệu m3, dung tích hữu ích Whi= 47,41 triệu m3, dung tích chết Wc= 3,8 triệu m3. Hệ thống kênh và các công trình phụ trợ khác.

Tổng diện tích sử dụng đất của Dự án: 693,31 ha, trong đó diện tích có rừng: 680,41 ha (bao gồm: chuyển đổi mục đích sử dụng rừng đặc dụng: 162,55 ha; rừng phòng hộ: 0,91 ha; rừng sản xuất: 471,09 ha; rừng nằm ngoài quy hoạch 3 loại rừng: 45,85 ha) và diện tích đất sản xuất nông nghiệp: 12,9 ha. Tổng mức đầu tư của dự án: 585,647 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2019 – 2024.

Nghị quyết có hiệu lực từ ngày Quốc hội thông qua.

Tin: Hoàng Ngọc
Ảnh: Quang Khánh