Góp ý sửa đổi, bổ sung Luật tổ chức chính quyền địa phương

Thống nhất quy định thẩm quyền của Thường trực HĐND

- Thứ Tư, 15/05/2019, 07:56 - Chia sẻ
Pháp luật trước hết cần phản ánh đúng nhu cầu của thực tiễn, tạo ra cơ chế để các chủ thể thực hiện thuận lợi, hiệu quả. Với tinh thần đó, để giải quyết kịp thời các vấn đề phát sinh giữa hai kỳ họp HĐND, gắn liền với những giải pháp giảm thiểu tính hình thức, nên sửa đổi, bổ sung quy định về thẩm quyền của Thường trực HĐND để thống nhất theo cách hiểu tại Khoản 3, Điều 6 Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Chưa có sự tương thích

Một trong những điểm mới của Luật Tổ chức chính quyền địa phương là mở rộng thành phần Thường trực HĐND cấp tỉnh, cấp huyện (cấp tỉnh gồm Chủ tịch, 2 Phó Chủ tịch HĐND, các ủy viên là Trưởng ban của HĐND và Chánh Văn phòng HĐND tỉnh; cấp huyện gồm Chủ tịch, 2 Phó Chủ tịch HĐND, các ủy viên là Trưởng ban của HĐND). Lần đầu tiên, Thường trực HĐND được quy định là cơ quan thường trực của HĐND, thực hiện những nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương và các quy định khác của pháp luật liên quan (Khoản 3, Điều 6). Đồng thời, các nhiệm vụ, quyền hạn của Thường trực đã được tập hợp tại Điều 104, với các nhóm nhiệm vụ chính gắn liền với kỳ họp HĐND, giám sát, phối hợp điều hòa hoạt động của các Ban, giữ mối liên hệ với các cơ quan, tổ chức cùng cấp, tổ chức triển khai hoạt động của đại biểu HĐND, các nhiệm vụ về công tác bộ máy, nhân sự. Như vậy, Thường trực HĐND được nhấn mạnh với vai trò là cơ quan thường trực, nhưng thiên về các nhóm nhiệm vụ bảo đảm, duy trì để HĐND thực hiện chức năng, nhiệm vụ.

Với vị trí là cơ quan thường trực của HĐND và sự đổi mới trong kỹ thuật lập pháp đã thể hiện mong muốn của Luật Tổ chức chính quyền địa phương là tăng cường vai trò của Thường trực HĐND, tương xứng với cơ cấu của Thường trực HĐND. Tuy nhiên, nếu so sánh giữa quy định về vị trí pháp lý tại Khoản 3, Điều 6 và chức năng nhiệm vụ tại Điều 104 thì thấy chưa có sự tương thích. Nghĩa là, chức năng, nhiệm vụ chưa phản ánh hết vị trí, vai trò để Thường trực HĐND là cơ quan thường trực của HĐND.


Thường trực HĐND tỉnh Tuyên Quang tổ chức phiên họp thường kỳ tháng 4.2019 để xem xét các vấn đề thuộc thẩm quyền
Ảnh: Thủy Châu

Quay lại tìm hiểu Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003 và các văn bản hướng dẫn thi hành cho thấy, tuy Luật năm 2003 không quy định Thường trực HĐND là cơ quan thường trực của HĐND nhưng Nghị quyết số 753/2005/NQ - UBTVQH11 đã nêu một trong những nhiệm vụ của Thường trực HĐND là phối hợp với UBND giải quyết những vấn đề phát sinh khi thực hiện nghị quyết của HĐND trong thời gian giữa hai kỳ họp HĐND; xem xét, quyết định điều chỉnh, bổ sung những biện pháp nhằm bảo đảm thực hiện nghị quyết của HĐND theo đề nghị của UBND, Ban của HĐND và báo cáo HĐND tại kỳ họp gần nhất (Khoản 4, Điều 21).

Mặc dù Nghị quyết 753 không quy định cụ thể cơ chế “phối hợp” giữa Thường trực HĐND và UBND (trình tự, hình thức văn bản) nhưng trên thực tế quy định này đã là cơ sở pháp lý để Thường trực HĐND và UBND giải quyết kịp thời các vấn đề phát sinh giữa hai kỳ họp của HĐND, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của HĐND, giảm thiểu việc tổ chức kỳ họp bất thường của HĐND.

Thiếu chặt chẽ dẫn đến tùy nghi

Căn cứ vào các quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương và một số văn bản liên quan, có hai cách hiểu để trả lời cho vấn đề về thẩm quyền của Thường trực HĐND trong giải quyết các vấn đề phát sinh giữa 2 kỳ họp.

Thứ nhất: Theo Khoản 3 Điều 6 Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Thường trực HĐND là cơ quan Thường trực của HĐND, thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương và các quy định khác của pháp luật có liên quan. Theo đó, Thường trực HĐND thực hiện quy định Điều 104 và các quy định khác có giao trực tiếp cho Thường trực HĐND được phép thực hiện. Đây là cách hiểu mở, trong đó Thường trực HĐND được thực hiện các nhiệm vụ mà pháp luật có quy định, ví dụ như nhiệm vụ điều chỉnh dự toán ngân sách địa phương trên cơ sở trình của UBND (Khoản 3, Điều 52 Luật Ngân sách nhà nước). Mặc dù, Luật TCCQĐP quy định việc điều chỉnh dự toán ngân sách địa phương thuộc thẩm quyền của HĐND (ví dụ Điều 19 quy định về nhiệm vụ của HĐND tỉnh).

Thứ hai: Thường trực HĐND chỉ thực hiện các nhiệm vụ được quy định tại Điều 104 Luật TCCQĐP. Mọi vấn đề phát sinh giữa hai kỳ họp HĐND phải được giải quyết tại kỳ họp HĐND, không có bất cứ hình thức ủy quyền, giao quyền, phân công của HĐND đối với một chủ thể khác để thực hiện các chức năng, nhiệm vụ được luật định là của HĐND. Cũng không còn cơ chế “phối hợp” giữa Thường trực HĐND với UBND để giải quyết các vấn đề phát sinh giữa hai kỳ họp như trước kia.

Với hai cách hiểu trên, có thể thấy cách hiểu nào cũng có yếu tố hợp lý và chưa hợp lý. Điều này, phản ánh sự thiếu chặt chẽ, dẫn đến tình trạng tùy nghi trong thực hiện liên quan đến pháp luật về tổ chức và hoạt động của HĐND.

Ngày 30.1.2019, UBTVQH ban hành Nghị quyết số 629/2019/UBTVQH14 hướng dẫn một số hoạt động của HĐND. Vấn đề thẩm quyền của Thường trực HĐND không được đặt ra. Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 1 Nghị quyết thì việc xem xét, quyết định các vấn đề thuộc thẩm quyền của HĐND phải được tiến hành tại kỳ họp HĐND. Điều đó đã gián tiếp khẳng định Thường trực HĐND không có thẩm quyền xem xét, giải quyết cấc vấn đề thuộc thẩm quyền của HĐND. Quy định trên xuất phát từ cách hiểu thứ hai của các nhà làm luật khi hiểu về vị trí, vai trò và chức năng, nhiệm vụ của Thường trực HĐND. Với quy định và cách hiểu như vậy, đã có rất nhiều ý kiến từ thực tiễn hoạt động của HĐND phản ánh về tính hình thức, sự lãng phí không cần thiết khi phải thường xuyên tổ chức các kỳ họp HĐND bất thường.

Thiết nghĩ, pháp luật trước hết cần phản ánh đúng nhu cầu của thực tiễn; pháp luật không chỉ là các quy phạm mà còn phải tạo ra cơ chế để các chủ thể thực hiện thuận lợi, hiệu quả. Với tinh thần đó, để giải quyết kịp thời các vấn đề phát sinh giữa hai kỳ họp HĐND, gắn liền với các giải pháp giảm thiểu tính hình thức của HĐND, hạn chế việc tổ chức kỳ họp bất thường, bảo đảm tiết kiệm thì cần sửa đổi, bổ sung quy định về thẩm quyền của Thường trực HĐND thống nhất với cách hiểu tại Khoản 3, Điều 6 Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Khi đó, nhiệm vụ của Thường trực HĐND sẽ tương xứng với vị trí, vai trò và cơ cấu tổ chức được mở rộng theo đúng tinh thần của Luật Tổ chức chính quyền địa phương. 

HẢI LAM