Dự án Pháp lệnh Quản lý thị trường

Thống nhất để tạo sức mạnh

- Thứ Tư, 09/03/2016, 08:09 - Chia sẻ
Đó là khẳng định của Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế NGUYỄN ĐỨC KIÊN về dự án Pháp lệnh Quản lý thị trường trên cơ sở đã tiếp thu ý kiến của UBTVQH. Theo đó, lực lượng quản lý thị trường được xây dựng theo hướng hiện đại, có trình độ, thiết bị, khoa học, công nghệ tiên tiến.

>> Không phải cứ nhiều mới đại diện tốt

>> Tôi tin rằng bà con vẫn nhớ!

>> Đón trước “bình minh” 2016

Tổ chức quản lý lạc hậu với thực tế

- Sáng qua, UBTVQH đã xem xét thông qua Dự thảo Pháp lệnh Quản lý thị trường. Xin ông cho biết những vấn đề nào đang đặt ra với công tác quản lý thị trường ở nước ta?


Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế
Nguyễn Đức Kiên

- Hiện nay, kỳ vọng của người dân vào lực lượng quản lý thị trường rất lớn. Việc cân hàng hóa không đúng, hàng giả, hàng kém chất lượng… đều gọi đến quản lý thị trường. Nhưng thực tế cho thấy, tổ chức lực lượng quản lý thị trường đang không tương xứng với yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra. Ngay đơn vị lớn như TP Hồ Chí Minh, với 165 công chức làm việc tại Chi cục Quản lý thị trường TP, thì cũng chưa đáp ứng được đòi hỏi công việc. Trang thiết bị để thực hiện công vụ đang thiếu thốn, không có bộ cân chuẩn, bộ dung tích chuẩn hay thiết bị kiểm tra nhanh. Trong khi đó, thanh tra khoa học công nghệ, y tế và môi trường lại có các phương tiện kiểm tra này. Điều này cho thấy việc phân giao nhiệm vụ bị phân tán, nên cuối cùng không có ai chịu trách nhiệm trước sự việc được người dân đưa ra.

Hạn chế lớn nhất trong thực hiện công tác này là vẫn giữ cách tổ chức của thời kỳ bao cấp, khi hàng hóa bị ngăn cấm vận chuyển từ địa phương này sang địa phương khác nếu không có lệnh điều chuyển. Chia theo từng địa phương để quản là cách làm phù hợp với thời kỳ bao cấp. Nhưng cả nước hiện đang là một thị trường, thậm chí toàn bộ khu vực ASEAN bắt đầu là một thị trường từ ngày 1.1.2016. Thực tế kinh tế thay đổi nhưng quản lý thị trường vẫn giữ cách tổ chức cũ.

- Đấy có thể coi là một nguyên nhân khách quan, còn thực tế đội ngũ quản lý thị trường hiện nay như thế nào, thưa ông?

- Công tác đào tạo chuyên môn nghiệp vụ quản lý thị trường không được thực hiện thống nhất trên cả nước. Lực lượng quản lý thị trường hiện đơn giản là gom người học luật, kiểm sát, công an lại để hình thành ra bộ máy. Đây là nguyên nhân khiến nghiệp vụ, năng lực của một bộ phận cán bộ quản lý thị trường còn yếu, không theo kịp sự vận động của thị trường. Và cũng là nguyên nhân khiến cùng một sự việc cách hành xử của các địa phương khác nhau, buộc doanh nghiệp khi chuyển hàng ra thị trường thường phải thay đổi cách làm, phương thức vận chuyển khi đi đến địa phương khác. Điều này làm nảy sinh kêu ca, không hài lòng với cơ quan chức năng.

Chế độ đãi ngộ với cán bộ quản lý thị trường hiện không phù hợp với nhiệm vụ của lực lượng này. Cùng đi trên một chiếc xe máy truy đuổi hàng lậu, nhưng khi xảy ra tai nạn, thì cán bộ quân sự, công an được công nhận là thương binh và hưởng chế độ tương ứng. Cán bộ quản lý thị trường không được các hưởng chế độ ưu đãi tương tự. Hai cá nhân đều là công chức nhà nước và thực hiện nhiệm vụ giống nhau, nhưng khi xảy ra tai nạn nghề nghiệp, thì việc chỉ một người được hưởng chế độ ưu đãi là không công bằng.

Thống nhất lực lượng

- 4 nhóm vấn đề nêu trên cũng được các Ủy viên UBTVQH quan tâm trong quá trình cho ý kiến về Dự án Pháp lệnh này tại phiên họp thứ 43. Tiếp thu ý kiến của UBTVQH, dự thảo Pháp lệnh Quản lý thị trường đã được sửa đổi, bổ sung như thế nào?

- Về tổ chức bộ máy, tiếp thu ý kiến của UBTVQH, Dự thảo Pháp lệnh Quản lý thị trường đã quy định rõ tổ chức thống nhất lực lượng quản lý thị trường từ Trung ương đến địa phương (tương tự như tổ chức lực lượng hải quan và thuế). Bố trí con người, quản lý chuyên môn theo chiều dọc, song vẫn chịu sự chỉ đạo của đảng bộ, chính quyền địa phương. Cách thức tổ chức này bảo đảm nâng cao nghiệp vụ, theo kịp thị trường, cũng như có sự lãnh đạo trực tiếp, sâu sát của cơ sở.

Đối với chế độ đãi ngộ, Dự thảo Pháp lệnh quy định cụ thể, các cán bộ quản lý thị trường khi tham gia vào các hoạt động được Chi cục trưởng ký quyết định, nếu gặp sự cố xảy ra sẽ được hưởng chế độ như cán bộ công chức đi làm nhiệm vụ. Tức là nếu bị thương sẽ được công nhận là thương binh, và hy sinh sẽ được công nhận là liệt sĩ. Chế độ ưu đãi này với cán bộ quản lý thị trường là phù hợp, vì dù chưa được trao chức năng điều tra, song lực lượng này lại có chức năng chống hàng giả - tương đương một chức năng của lực lượng công an. Ở đây không nên so đo lực lượng này, lực lượng khác, vì cán bộ quản lý thị trường không phải đang hằng ngày ra mặt đường đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng hay sao?

Như vậy, Pháp lệnh Quản lý thị trường UBTVQH vừa thông qua sẽ tạo ra một số thay đổi quan trọng với công tác này gồm: tổ chức thống nhất lực lượng quản lý thị trường; có chế độ cho cán bộ quản lý thị trường; được giao chủ trì, phối hợp trong một số lĩnh vực… Nói cách khác, địa vị pháp lý, trách nhiệm và quyền lợi của Quản lý thị trường đều sẽ tăng.

- Xin cảm ơn ông!

 Tại Kỳ họp thứ 10, ĐBQH đã nêu rõ mâu thuẫn khi Bộ Y tế cho phép nhập khẩu chất tạo nạc để bào chế thuốc chữa bệnh, song Bộ NN và PTNT lại cấm đưa chất này vào thức ăn gia súc. Các bộ, ngành liên quan chưa đưa ra câu trả lời rõ ràng về trách nhiệm giám sát, thu giữ hàng hóa vi phạm quy định. Với thẩm quyền cao hơn như Dự thảo Pháp lệnh quy định, Cục Quản lý thị trường thuộc Bộ Công thương sẽ có thể mời Bộ Y tế, Bộ NN và PTNT đến làm việc để thống nhất số lượng chất lượng tạo nạc cần nhập khẩu, cũng như xây dựng quy định để quản lý loại chất này.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế NGUYỄN ĐỨC KIÊN

Phương Thủy thực hiện