Thông điệp về bản chất người

- Thứ Hai, 15/09/2014, 08:32 - Chia sẻ
Chúa được nhắc đến hầu như suốt bộ phim Núi Sọ (hay còn dịch là Niềm đau, tiếng Anh: Calvary), qua lời thoại của nhân vật. Nhưng, thông điệp về bản chất con người mới là vấn đề lớn nhất mà bộ phim muốn gửi đến người xem

Nhà văn kiêm đạo diễn người Ireland John Michael McDonagh bắt đầu câu chuyện án mạng đầy lạnh lùng, bí ẩn, hài hước và mỉa mai Núi Sọ với hình ảnh yên bình ngộ nhận: cận cảnh nam tài tử Brendan Gleeson. Một người cao lớn đường bệ, thường được mời diễn vai kẻ mạnh, Gleeson từng đóng cảnh sát, tội phạm, thủ tướng Anh Winston Churchill, và có vai thường kỳ Mad-Eye Moody trong loạt phim Harry Potter. Trong Núi Sọ, ông đóng vai một vai hoàn toàn khác: Cha James, một cha xứ tận tâm, góa vợ và có đức tin không được giáo dân chia sẻ. Đàn chiên của cha James có những kẻ tội phạm, giết người hàng loạt, thù oán, cực đoan và nhiều linh hồn giận dữ nữa.


Cha James (Gleeson) trước nhà thờ rực lửa đêm thứ tư trong phim Núi Sọ

Chủ nhật, đối diện Cha James, kẻ giết người khuất mặt sau tấm màn của tòa giải tội và thì thầm về mối đe dọa chắc chắn xảy ra. Dường như đó là một người sám hối, hay đúng hơn là đạo diễn McDonagh thể hiện ý định của gã rõ ràng lập tức: kẻ thú tội xác nhận Cha James là một linh mục tốt, xứng đáng gánh chịu sự trừng phạt do tội lỗi của Giáo hội Công giáo La Mã và các linh mục tồi. “Con sẽ giết Cha vì Cha vô tội. Con sẽ giết Cha vì Cha ngoan đạo”, kẻ thú tội quả quyết – những lời đó cùng với tên phim – có lẽ đã hé lộ ý định của tác giả kịch bản McDonagh. Calvary, hay Golgotha, là tên ngọn đồi Jerusalem tương truyền là nơi Chúa Jesus bị đóng đinh; gã đe dọa giết người thích một sân chơi bằng phẳng hơn: gã hẹn Cha James gặp vào chủ nhật tuần sau, ở bãi biển lộng gió cực kỳ xinh đẹp ôm ấp địa ngục xứ Ireland hẻo lánh này. “Giết Cha xứ vào chủ nhật. Khôi hài thật”.

McDonagh lặp đi lặp lại cảnh bãi biển và dãy đồi cuồn cuộn vòng quanh, bắt đầu với những cảnh quay từ trên không mở rộng cao vút, thường được gọi là toàn cảnh nhìn từ trên xuống (bird’s-eye), hoặc thích hợp hơn ở đây, là tầm nhìn của Chúa (God’s-eye). Nhà quay phim Larry Smith cũng là người thực hiện phim truyện đầu tiên của McDonagh, The Guard. Cảnh quan tự nhiên, chân thực là một trong những điểm hấp dẫn quyến rũ nhất của bộ phim, ngay cả khi các nhân vật sinh sống ở đây dường như gắn với sự ghê tởm tột cùng. Đó là gã đồ tể Jack (Chris O’Dowd) và ả vợ Veronica (Orla O’Rourke) bầm giập, không hiểu vì nắm đấm của chồng hay của tình nhân là thợ cơ khí da đen Simon (Isaach de Bankole). Ngoài ra, còn có nhà văn già Gerald (M. Emmet Walsh) bệnh tật, nhờ cha xứ tìm một khẩu súng để sớm trút bỏ đau đớn, muốn được chôn cạnh Apollinaire và Ophuls; và bác sĩ phẫu thuật Frank (Aidan Gillen) u uất. McDonagh đặc biệt khai thác sự mềm yếu con người, chủ yếu qua mối quan hệ Cha James với con gái Fiona (Kelly Reilly) đã trưởng thành, cổ tay đang băng bó và nhiều vết thương sâu xa khác.

Mỗi ngày trôi qua, tai họa chết người bổ xuống gần hơn. Giống như người đàn ông bỗng dưng bị kết án, Cha James đếm ngược thời gian còn lại dành cho con gái và đàn chiên hung hăng, bạc bẽo, hăm dọa. Đạo diễn McDonagh thông báo lần lượt từng ngày trong tuần trên màn hình, một cách tường thuật có thể khiến khán giả căng thẳng, sốt ruột hơn là nhiệt tình khi theo dõi tới đỉnh điểm câu chuyện. Mọi việc vẫn diễn ra, chủ yếu là những cuộc gặp gỡ giữa Cha James với các giáo dân khác. Đáng nhớ nhất là nhà tư bản giàu có Fitzgerald (vai diễn xuất sắc của Dylan Moran), trêu chọc, tranh luận về thần học với vị linh mục, như Satan cám dỗ Chúa Kitô suốt bốn mươi ngày đói khổ trong hoang địa (theo Phúc âm Lucas 4:1-13).

Hầu hết nội dung hội thoại của bộ phim cho thấy tác giả kịch bản McDonagh đã thấm nhuần Hegel cùng với Phúc Âm, sự kháng cự và tính hạn chế của Núi Sọ cộng hưởng bởi những lời trò chuyện biện chứng và dứt khoát hầu như máy móc, qua lại giữa ánh sáng và bóng tối, láu cá và nghiêm trang, giả dối và trung thực, kiên trung và buông xuôi.

Tri Sơ
Theo Thời báo New York