Dự thảo Luật Thư viện

Thiếu những quy định khái quát

- Thứ Năm, 23/05/2019, 07:45 - Chia sẻ
Mục tiêu khi xây dựng Luật Thư viện là để cụ thể hóa Hiến pháp 2013 về quyền tiếp cận thông tin, hưởng thụ và tiếp cận các giá trị văn hóa của người dân; đồng thời tạo khung pháp lý mới để phát triển sự nghiệp thư viện... Đối chiếu với những mục tiêu này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ Hoàng Thị Hoa cho rằng, dự thảo Luật còn thiếu những quy định khái quát, cũng chưa khái quát được nguyên tắc lấy người sử dụng thư viện là trung tâm.

Sách cũ, ít sách hay, không gian đọc đơn điệu

- Để phục vụ cho việc thẩm tra dự án Luật Thư viện, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ đã tổ chức khảo sát về thực trạng hoạt động thư viện tại một số địa phương. Kết quả khảo sát cho thấy hoạt động thư viện hiện nay như thế nào, thưa bà?

- Sự phát triển mạnh mẽ của khoa học - công nghệ, cùng sự phổ biến của mạng xã hội đã tạo ra bước tiến vượt bậc, làm thay đổi cả về tổ chức, quy trình, phương thức hoạt động của thư viện cũng như cách tiếp cận thông tin của người dân. Qua khảo sát cho thấy, hệ thống thư viện ở nước ta, đặc biệt thư viện công cộng cấp huyện, cấp xã, thư viện trường học hoạt động chưa hiệu quả. Sách cũ và ít sách hay. Không gian đọc đơn điệu, không hấp dẫn. Dịch vụ và các hoạt động thư viện hạn chế… Vì thế, không ngạc nhiên khi lượng độc giả đến thư viện giảm, văn hóa đọc đã và đang bị lấn át bởi những hình thức tiếp cận thông tin mới.


Ảnh: Thái Bình

Thực tế đó đặt ra yêu cầu đổi mới tổ chức, hiện đại hóa và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động thư viện. Bởi giờ đây thư viện không còn chỉ là nơi lưu trữ sách, tài liệu, mà đòi hỏi phải là một không gian văn hóa thực sự. Độc giả không chỉ đến thư viện để mượn sách và đọc sách, mà ở đó họ còn có thể chia sẻ, trao đổi, thảo luận về những vấn đề quan tâm.

- Nhưng cũng phải thừa nhận rằng, thực trạng trên một phần do đầu tư ngân sách cho hệ thống thư viện hiện nay chưa được quan tâm đồng đều, mức đầu tư thấp?

- Đúng vậy. Mức đầu tư cho các thư viện hiện nay chủ yếu để chi trả lương cán bộ, kinh phí dành cho bổ sung sách, mua sắm trang thiết bị và tổ chức các hoạt động rất eo hẹp. Đặc biệt, với thư viện cấp huyện, do quy định không cụ thể và thiếu văn bản hướng dẫn nên việc đầu tư kinh phí mỗi nơi mỗi khác. Các thư viện huyện trực thuộc UBND cùng cấp thường được cấp kinh phí nhiều hơn, nhưng vẫn còn hơn 30% thư viện cấp huyện không được cấp kinh phí hàng năm để bổ sung sách, báo và tổ chức hoạt động.

Tuy nhiên, trong tình hình hiện nay, không thể trông chờ hoàn toàn vào ngân sách nhà nước, và thực tế thời gian qua, nhiều tổ chức, cá nhân đã tham gia vào hoạt động thư viện, như hỗ trợ vốn tài liệu, trang thiết bị, kinh phí đầu tư… góp phần không nhỏ đáp ứng nhu cầu đọc sách của nhân dân. Như chương trình Sách hóa nông thôn đã xây dựng được hơn 20.000 tủ sách tại 45 tỉnh trong cả nước. Dẫu vậy, nhìn nhận một cách khách quan, công tác xã hội hóa hoạt động thư viện còn manh mún, do thiếu cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp lớn tham gia. Chính quyền một số địa phương chưa thực sự quan tâm, tạo điều kiện cho thư viện tư nhân hoạt động và tiếp cận các nguồn tài trợ.

Chưa cụ thể hóa quyền tiếp cận thông tin

- Những vấn đề thực tế đặt ra yêu cầu xây dựng Luật Thư viện như thế nào, thưa bà?

- Việc xây dựng Luật Thư viện thời điểm này là cần thiết, nhằm cụ thể hóa Hiến pháp 2013 về quyền tiếp cận thông tin, quyền được học tập, hưởng thụ và tiếp cận các giá trị văn hóa... và tạo khung pháp lý mới để phát triển sự nghiệp thư viện, phát triển văn hóa đọc, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế.


Giờ đây thư viện là một không gian văn hóa thực sự

Trong đó, xây dựng thư viện số hay kho tài nguyên số là xu hướng phát triển của thư viện hiện đại, đặc biệt khi thói quen và phương thức tiếp nhận thông tin của xã hội có rất nhiều thay đổi. Thời gian qua, thư viện điện tử phát triển nhanh chóng, thư viện trường học, bộ, ngành vượt xa tầm của một thư viện lai (vừa là thư viện truyền thống, kết hợp với thư viện điện tử). Vì thế, những quy định cụ thể trong luật sẽ tạo hành lang pháp lý cần thiết để phát triển thư viện số, nhất là quy định về bản quyền tài nguyên số - vấn đề mà các thư viện Việt Nam đang gặp vướng mắc. Luật cũng sẽ thúc đẩy hoạt động liên thông thư viện trong nước và quốc tế, giúp tận dụng tốt cơ sở dữ liệu chung để chia sẻ nguồn tài nguyên thông tin, tiết kiệm ngân sách nhà nước, đáp ứng nhu cầu phong phú của bạn đọc.

Tất nhiên, luật cũng cần có các quy định để tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy tất cả các loại hình thư viện phát triển, nhất là thư viện thuộc cơ sở giáo dục, thư viện chuyên ngành, thư viện tư nhân phục vụ cộng đồng. Trong bối cảnh hiện nay, các thư viện cũng phải tính đến hoạt động dịch vụ để vừa đáp ứng nhu cầu độc giả, vừa tạo thêm nguồn thu.

- Theo bà, dự thảo Luật Thư viện trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Bảy này đã đáp ứng những yêu cầu như bà vừa đề cập chưa?

- Về tổng thể, Dự thảo Luật Thư viện đã kế thừa những nội dung cơ bản của Pháp lệnh Thư viện, tiếp cận xu hướng phát triển của thư viện nhằm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và phù hợp với Hiến pháp và các đạo luật liên quan. Tuy nhiên, so với mục tiêu xây dựng Luật, tổng thể dự thảo Luật còn thiếu những quy định khái quát. Ngay khái niệm cũng chưa thể hiện rõ bản chất của thư viện, chưa phân biệt được thư viện và các loại hình có phục vụ sách, báo khác trên thực tế như phòng đọc, tủ sách, mô hình cà phê sách... Hay với thư viện số, dự thảo Luật chưa có quy định mang tính cốt lõi, tạo hành lang pháp lý cần thiết để phát triển loại hình thư viện này.

Một số chính sách trong báo cáo đánh giá tác động chưa được làm rõ. Các quy định trong dự thảo Luật cũng chưa khái quát được nguyên tắc lấy người sử dụng thư viện là trung tâm, đồng thời chưa cụ thể hóa quyền tiếp cận thông tin và hưởng thụ các giá trị văn hóa của người dân thông qua việc sử dụng đa dạng các hình thức phục vụ, trong đó có phục vụ thông qua không gian mạng.

Xin cảm ơn bà!

Nguyên Anh thực hiện