Thiếu đất diễn cho nghệ sĩ bùng nổ

- Thứ Ba, 04/08/2020, 05:57 - Chia sẻ
Liên hoan nghệ thuật sân khấu toàn quốc về hình tượng người chiến sĩ Công an nhân dân lần thứ IV đã khép lại, song dư vị mà cuộc tranh tài này để lại vẫn khiến nhiều tác giả, nghệ sĩ và công chúng trăn trở, tiếc nuối. Giá như các vở diễn đời hơn, sinh động hơn, có thêm nhiều kịch bản hay hơn thì Liên hoan sẽ trọn vẹn hơn.

Không nhiều kịch bản hay

33 vở diễn là 33 tác phẩm nghệ thuật thể hiện sự nghiên cứu, tìm hiểu nghiệp vụ ngành, tìm hiểu những khó khăn gian khổ, hy sinh mất mát của chiến sĩ công an nhân dân trên các mặt trận đấu tranh chống tội phạm. Từ sự thấu hiểu này, thông qua vở diễn và diễn xuất, các nghệ sĩ đã chuyển tải đến khán giả những giá trị tốt đẹp, sự cảm thông, chia sẻ đối với các cán bộ, chiến sĩ công an nhân dân.

Cảnh trong vở “Tái sinh” do đạo diễn Bùi Như Lai dàn dựng.
Nguồn: ITN

Tuy nhiên, kịch bản chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của Liên hoan lại là vấn đề khác. Đã xuất hiện tình trạng 1 kịch bản có tới 2 - 3 đơn vị ở các loại hình khác nhau cùng dàn dựng. Như kịch bản "Vụ án Am Bụt Mọc" của tác giả Lê Minh Nguyệt được 3 đơn vị dựng thành 3 tác phẩm. Rất may là, do khác nhau về loại hình (gồm dân ca kịch, cải lương, kịch nói), khác nhau về đạo diễn với góc nhìn và tay nghề dàn dựng khác nhau, nên đã tránh được sự trùng lặp trong thể hiện. Theo các nhà phê bình, hiện tượng này cho thấy mức độ khan hiếm kịch bản về lực lượng công an nhân dân, mặc dù NSND Trịnh Thúy Mùi, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, từng nhận định đề tài về chiến sĩ Công an nhân dân là mảnh đất vô cùng màu mỡ và phong phú cho những người làm nghệ thuật sân khấu. Nhìn rộng ra, việc thiếu kịch bản hay, hoặc kịch bản yếu không chỉ riêng với đề tài công an mà là tình trạng chung của hoạt động sân khấu hiện nay.

NSND Trần Ngọc Giàu, Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật của Liên hoan nhận xét, một số vở diễn có nội dung về công an, có công an, thậm chí có nhiều chiến sĩ công an, nhưng hình tượng người chiến sĩ công an lại không có hoặc có nhưng không rõ nét. Đây là vấn đề cần được lưu ý để chuẩn bị nguồn kịch bản khi vận động sáng tác hoặc mở trại sáng tác sau này. Điều đó cũng có nghĩa, chất lượng của một liên hoan sân khấu phải bắt đầu từ chất lượng kịch bản.

Cũng theo NSND Trần Ngọc Giàu, liên hoan giúp các nghệ sĩ lâu năm khẳng định mình và là nơi phát hiện một số gương mặt đầy triển vọng. Song, vì không có nhiều kịch bản hay và đất diễn, nên có tình trạng đạo diễn cố tạo ra lớp diễn cho diễn viên nhưng khó hoàn chỉnh vì không gắn kết được với nội dung và tính toàn vẹn của vở diễn. Do vậy, hiếm có diễn viên bùng nổ trên sàn diễn.

Thiếu hơi thở cuộc sống

Liên hoan nghệ thuật sân khấu toàn quốc về hình tượng người chiến sĩ Công an nhân dân được Hội đồng nghệ thuật đánh giá đã thấy sự xuất hiện, tiềm năng sáng tạo, chỉn chu của những đạo diễn có nhiều vốn sống, hấp dẫn. Có thể kể đến những tên tuổi như Sĩ Tiến, Như Lai, Đình Toàn, Quý Bình, Vương Bình, Nguyễn Đạt...

Tuy nhiên, về góc độ những người làm chuyên môn, một số ý kiến từ phía các nghệ sĩ cho rằng, 7 vở diễn được Ban Giám khảo trao Huy chương Vàng cũng có vở đi theo lối mòn, không nhiều sáng tạo. Có vở diễn được trao Huy chương Vàng nhưng chưa hẳn đã thuyết phục, có chăng là thể hiện sự hoàn chỉnh, sạch sẽ, nhưng lại thiếu đi hơi thở của cuộc sống, thiếu sức hấp dẫn công chúng. Có lẽ vì vậy mà một số vở diễn có thể không được trao Huy chương Vàng nhưng được dư luận trong nghề đánh giá cao bởi sức hấp dẫn và tính chuyên nghiệp.

Theo đánh giá của NSND Trần Ngọc Giàu, chất lượng nghệ thuật các vở diễn tham gia Liên hoan chưa thực sự đồng đều, một số vở diễn còn có những hạn chế nhất định... Nhiều nhà chuyên môn, tác giả, khán giả thấy tiếc cho "Bộ cảnh phục" của Nhà hát Tuổi Trẻ, "Bão ngầm" của Nhà hát Cải lương Việt Nam... mặc dù đứng đầu danh sách các vở được Hội đồng nghệ thuật đánh giá cao nhưng rốt cuộc chỉ được trao Huy chương Bạc.

Từ Liên hoan nghệ thuật sân khấu toàn quốc về hình tượng người chiến sĩ Công an nhân dân lần này, rất nhiều vấn đề được đặt ra từ cách thức tổ chức đến việc lựa chọn giám khảo, trao giải của các liên hoan nghệ thuật mang tính chuyên nghiệp. Ví dụ, bản tổng kết của Chủ tịch Hội đồng giám khảo Liên hoan chưa chỉ rõ và kỹ hơn những điểm yếu từ góc độ học thuật, phân tích một số hạt sạn trong nghề để các nhà hát, các đơn vị nghệ thuật, ê kíp sáng tạo và nghệ sĩ có thể đánh giá đúng hơn về chất lượng tác phẩm của mình trên mặt bằng chung của liên hoan.

Cho dù chất lượng nghệ thuật các vở diễn tham gia Liên hoan chưa đồng đều, một số vở diễn còn có hạn chế nhất định, song có thể nói, mỗi tác phẩm dự thi đã thể hiện nỗ lực của nghệ sĩ trong tìm kiếm cách nhìn mới, thủ pháp mới ở đề tài này. Hy vọng thời gian tới sẽ có nhiều cuộc thi, trại sáng tác, để những Liên hoan sau có nguồn kịch bản phong phú và chất lượng, khắc họa hình tượng các chiến sĩ Công an nhân dân một cách đa dạng và thuyết phục trên sân khấu.

Hồng Hà