Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019

Thiếu bền vững

- Thứ Tư, 30/10/2019, 08:09 - Chia sẻ
Hôm nay, Quốc hội thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2020. Mặc dù Chính phủ dự báo 2019 là năm thứ 2 liên tiếp Chính phủ đạt và vượt 12/12 chỉ tiêu Quốc hội giao song nhìn vào nhân tố tạo sự tăng trưởng, các chuyên gia kinh tế cho rằng kết quả này vẫn thiếu bền vững.

TS. LÊ ĐĂNG DOANH, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương: Muốn phát triển phải đẩy mạnh cải cách

Năm 2019 có nhiều biến động khi kinh tế thế giới tăng trưởng chậm, thương chiến Mỹ - Trung Quốc vẫn tiếp diễn khó lường tạo ra nhiều thách thức đối với nền kinh tế Việt Nam. Tuy vậy, Chính phủ vẫn đạt và vượt 12/12 chỉ tiêu cho thấy nỗ lực trong điều hành, đẩy mạnh cải cách. Diễn đàn Kinh tế thế giới cũng đánh giá cao và nâng hạng chỉ số về năng lực cạnh tranh của Việt Nam tăng 10 bậc, từ hạng 77 lên 67 là tín hiệu tốt.

Tuy vậy, nền kinh tế vẫn còn những vấn đề đáng lo ngại. Thứ nhất, cổ phần hóa DNNN còn quá chậm. Các doanh nghiệp này hiện còn có rất nhiều nợ, một loạt các dự án đầu tư có kết quả thấp, do vậy đòi hỏi trước tiên là phải xử lý được nợ. Thứ hai, năm 2019 năng suất lao động của Việt Nam đang rất thấp so với khu vực và tốc độ tăng trưởng, tăng năng suất của Việt Nam cũng còn thấp. Điều này cần nỗ lực nhiều hơn để hướng các DNNN vào khu vực kinh tế tư nhân, cần tăng mạnh năng suất lao động chứ không phải chỉ khai thác tài nguyên đất đai, khai thác mỏ…

Nếu nhìn kỹ vào các con số thì công nghiệp chế biến của Việt Nam tăng trưởng chậm trở lại, khu vực đầu tư nước ngoài cũng tăng trưởng chậm. Vì vậy, phải nỗ lực hơn nữa để nâng cao năng suất lao động, phải tăng trưởng dựa trên tiến bộ khoa học công nghệ. Mặc dù năm 2019 công nghiệp khai thác đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế và đã bù lại được tốc độ tăng trưởng chậm lại của công nghiệp chế biến, nhưng năm 2020 phải phấn đấu để công nghiệp chế biến tăng trưởng mạnh hơn và năng suất lao động cao hơn.

Trong điều hành kinh tế - xã hội của Chính phủ những tháng cuối năm 2019 và trong năm 2020 cần chú trọng đẩy mạnh đầu tư công, giải ngân đầu tư công, tiếp tục cải cách thể chế, bộ máy, giảm bớt các giấy phép, giảm bớt thủ tục phiền hà, các chi phí về thời gian và tiền bạc. Muốn vượt lên thì chỉ có đẩy mạnh cải cách mới có thể tiếp tục phát triển.

TS. LÊ ĐÌNH ÂN, nguyên Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Động lực tăng trưởng thiếu bền vững

Các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm nay đều được hoàn thành thể hiện sự cố gắng cũng như sự điều hành rất cụ thể, kiên quyết và đúng trọng tâm của Chính phủ; khẳng định vị thế đi lên của Việt Nam trong bối cảnh quốc tế có nhiều biến động; tạo lòng tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng và Chính phủ. Đây là  tiền đề để tiến tới thành công của Đại hội Đảng lần thứ XIII; là cơ sở quan trọng để chuẩn bị cho kế hoạch những năm tiếp theo, tiến tới một chiến lược hành động cao hơn, phức tạp hơn.

Tuy vậy còn nhiều vấn đề cần phải lưu ý. Những động lực tăng trưởng kinh tế 2 năm vừa qua ở mức cao nhưng chưa bền vững, thêm một thời gian nữa những yếu tố này sẽ không thể tiếp tục phát huy. Cụ thể, giá trị xuất khẩu hiện nay rất lớn, đạt tốc độ cao nhưng tới đây khi tham gia thị trường các nước có mô hình và chất lượng tăng trưởng cao… liệu có đạt được như ban đầu hay không? Khu vực đầu tư nước ngoài (FDI) đóng góp rất lớn cho tăng trưởng, xuất khẩu, sản xuất công nghiệp hay chế tạo… nhưng thời gian tới còn duy trì được không? Định hướng lâu dài cũng chưa được xác định rõ, ví dụ sắp tới phải định hướng tăng trưởng ở mức cao 8 - 9% để đuổi kịp các nước có thu nhập cao, còn nếu chỉ tăng trưởng 6 - 7% mà gọi là cao thì nền kinh tế không có sự đột phá, đồng nghĩa không thể sánh vai với các nước khác, ngay cả nước đầu tàu ở ASEAN.

Trong khi động lực cho tăng trưởng thiếu bền vững thì việc phát triển kinh tế tư nhân vẫn chưa có những chính sách cụ thể. Đây là thách thức lớn đối với Chính phủ trong giai đoạn mới.

Chuyên gia kinh tế VÕ ĐẠI LƯỢC: Chưa quan tâm đúng mức doanh nghiệp tư nhân

Việc Chính phủ tiếp tục đạt và vượt 12/12 chỉ tiêu mà Quốc hội giao có ý nghĩa rất lớn, xét ở hai góc độ. Thứ nhất, trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu suy giảm, kể cả các nền kinh tế lớn như Mỹ, Nhật Bản, châu Âu hay Trung Quốc, thì việc Việt Nam duy trì mức tăng trưởng cao (khoảng 6,8%) là một điểm sáng, nằm trong nhóm ít nước có mức tăng trưởng hàng đầu thế giới. Thứ hai, mức tăng trưởng cao như vậy đồng nghĩa tạo điều kiện rất quan trọng để cải thiện đời sống nhân dân, tạo công ăn việc làm, giữ ổn định nền kinh tế.

Tuy nhiên, nếu xét vào nhân tố tạo sự tăng trưởng thì cần phải bàn. Bởi khối doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chiếm vai trò quá lớn với khoảng 70% tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu, trên 50% giá trị sản xuất công nghiệp. Như vậy, vai trò của nhân tố doanh nghiệp trong nước là yếu. Mặc dù doanh nghiệp FDI có tạo ra lợi nhuận, nhưng lợi nhuận này lại gửi về nước họ. Họ sử dụng lao động nhưng có một lực lượng không nhỏ lại không có trình độ chuyên môn kỹ thuật, tay nghề cao; chuyển giao công nghệ ít; có những dự án gây tác động xấu tới môi trường…

Điều đáng chú ý nữa là khối doanh nghiệp tư nhân của nước ta hiện vẫn chưa được chú ý đúng mức, mặc dù Đảng có Nghị quyết coi kinh tế tư nhân (trong đó có doanh nghiệp tư nhân) là động lực quan trọng. Hiện, kinh tế tư nhân chiếm khoảng 42% GDP nhưng doanh nghiệp tư nhân chỉ chiếm chưa đến 10% GDP. Không một nền kinh tế thị trường hiện đại nào mà tỷ trọng doanh nghiệp tư nhân lại thấp như thế! Điều này đòi hỏi chính sách tới đây cần có điều chỉnh để khuyến khích khối doanh nghiệp này phát triển mạnh hơn. Bởi chỉ khi phát triển lên thì họ mới có thể cạnh tranh được với doanh nghiệp FDI, cạnh tranh trên trường quốc tế. Nếu không, chúng ta mở rộng thị trường xuất khẩu khi ký các hiệp định thương mại tự do cũng chỉ có lợi cho doanh nghiệp FDI mà thôi.

Đảng và Chính phủ đang nỗ lực thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế với 3 trọng tâm là cải cách doanh nghiệp nhà nước (DNNN), cải cách hệ thống ngân hàng thương mại và cải cách đầu tư công. Tuy nhiên, triển khai rất chậm. Sau 9 tháng mới giải ngân đạt 45% kế hoạch; lãi suất ngân hàng ở mức cao (10%) trong khi nhiều nước chỉ 2 - 3%, thậm chí lãi suất âm, như vậy làm sao doanh nghiệp có thể sản xuất, kinh doanh tốt! Do vậy, trong thời gian tới, tôi cho rằng bên cạnh việc phát triển doanh nghiệp tư nhân, giảm lệ thuộc vào khối doanh nghiệp FDI, Chính phủ cần thực hiện tích cực, hiệu quả hơn nữa chương trình tái cơ cấu kinh tế một cách thực chất hơn. Chỉ khi làm thực chất, chúng ta mới có nền tảng vững chắc bảo đảm tăng trưởng.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh VÕ TRÍ THÀNH: Kiên quyết ngăn chặn gian lận thương mại

Từ trước đến nay, Trung Quốc vốn là đối tác thương mại lớn của Việt Nam ở cả xuất khẩu và nhập khẩu. Nhưng 9 tháng năm 2019, xuất khẩu Việt Nam sang Mỹ đạt 44,9 tỷ USD, tăng 28,2% so với năm 2018. Trong khi đó, nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam đạt 55,5 tỷ USD, tăng 17,3%; nhập siêu từ Trung Quốc đạt 27,7 tỷ USD, tăng 50,4%. Hiện tượng này có thể được lý giải bởi xung đột thương mại Mỹ - Trung đang leo thang dẫn tới việc hàng hóa của 2 nước khó tiêu thụ tại thị trường của nhau. Mỹ, Trung Quốc sẽ tăng xuất khẩu sang các nước khác, trong đó có Việt Nam. Đồng thời, 2 nước tăng cường các biện pháp chống lẩn tránh thuế, gian lận xuất xứ cũng như các biện pháp phòng vệ với hàng hóa như một công cụ để ngăn cản hàng nhập khẩu.

Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) có độ mở lớn. Điều này khiến Việt Nam sẽ tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của dòng vốn FDI chuyển dịch khỏi Trung Quốc và có thể trở thành nơi “tập kết” hàng hóa Trung Quốc để xuất sang các quốc gia khác. Ngoài ra, việc Việt Nam nhập siêu từ Trung Quốc tăng tới 50,4% còn được lý giải bởi việc Trung Quốc đã phá giá nhân dân tệ, điều này có nghĩa là giá chênh lệch giữa đồng tiền Việt Nam và đồng nhân dân tệ càng tăng, khi đó hàng hóa Việt Nam sẽ trở lên đắt hơn hàng Trung Quốc, khiến nhu cầu mua hàng Trung Quốc tăng cao.

Do đó, thời gian tới, một mặt Việt Nam phải chọn lọc đầu tư, có chiến lược thu hút FDI hướng tới chất lượng thông qua tiêu chí về công nghệ, thân thiện môi trường, có tác động lan tỏa tốt cho doanh nghiệp nội địa. Mặt khác, phải chú trọng tới vấn đề gian lận thương mại, trong đó đặc biệt lưu ý các nhóm ngành hàng khiến nhập khẩu tăng mạnh như đồ gỗ, điện tử... Phải kiên quyết ngăn chặn và xử lý nghiêm khắc các hành vi gian lận thương mại, hàng nước ngoài lấy danh nghĩa hàng Việt Nam xuất sang thị trường khác. Có các giải pháp ngăn chặn hiện tượng hàng hóa nước ngoài trung chuyển qua Việt Nam, rồi tái xuất để né thuế.

Khi xuất khẩu của Trung Quốc vào Mỹ giảm sút và ngược lại, hàng xuất khẩu Việt Nam có thể thay thế “lấp chỗ trống” ở hai thị trường này. Doanh nghiệp Việt Nam phải tận dụng tối đa các lợi thế của các FTA để đề phòng rủi ro tăng lên trong giao dịch. Doanh nghiệp xuất khẩu cũng phải đáp ứng được các tiêu chuẩn kỹ thuật, nâng cao tỷ lệ gia tăng của sản phẩm. Nội tại trong mỗi doanh nghiệp phải thay đổi về công nghệ sản xuất, quản lý để chuẩn hóa sản xuất, sản phẩm nhằm giữ chân được người tiêu dùng trước sức ép hàng hóa Trung Quốc tràn vào.

T. Anh - Đ. Thanh - H. Nhung - N. Quỳnh ghi