Bàn về triết lý giáo dục Việt Nam

Theo nghĩa phổ thông hay cụ thể?

- Thứ Tư, 05/12/2018, 07:29 - Chia sẻ
Luật nói chung và Luật Giáo dục nói riêng là văn bản pháp quy đòi hỏi tính thống nhất cao. Vì vậy mà trong các văn bản pháp luật như Hiến pháp, Luật Giáo dục ở mọi thời đại, mọi quốc gia (kể cả Việt Nam) ta chỉ có thể gặp triết lý giáo dục theo nghĩa phổ thông, được trình bày dưới dạng các mục đích, mục tiêu, nguyên lý giáo dục.

>> Trả lời 3 câu hỏi

Triết lý giáo dục theo nghĩa phổ thông

 “Nguyên lý giáo dục”, “mục đích giáo dục” trong các trường hợp đã nêu ở bài trước (Hiến pháp của Việt Nam Cộng hòa hay Luật Giáo dục của Nhật Bản) tuy không đồng nhất với triết lý giáo dục (TLGD) theo nghĩa hẹp nhưng chúng chính là những thành tố thể hiện TLGD một cách rõ ràng nhất, đầy đủ nhất, gần gũi nhất. Chúng đáp ứng đầy đủ yêu cầu là “tư tưởng cốt lõi chi phối sự vận hành cho toàn bộ hoạt động giáo dục”. Theo nghĩa này, các mục đích, mục tiêu, nguyên lý, nguyên tắc giáo dục được tuyên bố chính thức trong các văn bản pháp quy ở cấp quốc gia (như Hiến pháp, Luật Giáo dục, Sắc lệnh...) hoặc cấp cơ sở (như tầm nhìn, sứ mệnh, giá trị cốt lõi...) hoàn toàn có thể coi là TLGD theo nghĩa phổ thông.

Ở Việt Nam, không phải đợi đến Hiến pháp Việt Nam Cộng hòa mà ngay từ ngày 10.8.1946, Chủ tịch Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Huỳnh Thúc Kháng đã ký Sắc lệnh số 46 về những nguyên tắc cơ bản cho nền giáo dục Việt Nam mới. Điều 1 của Sắc lệnh này nêu rõ: “Nền giáo dục nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là một nền giáo dục duy nhất, đặt trên ba nguyên tắc căn bản: đại chúng hóa, dân tộc hóa, khoa học hóa, và theo tôn chỉ phụng sự lý tưởng quốc gia dân chủ”. Đây chính là TLGD theo nghĩa phổ thông đầu tiên được tuyên bố chính thức trong một văn bản pháp quy của Nhà nước Việt Nam.

Bên cạnh đó, có nhiều tư tưởng giáo dục cũng thể hiện các mục đích, mục tiêu, nguyên lý giáo dục một cách cô đúc, ngắn gọn, có thể không được tuyên bố chính thức trong các văn bản pháp quy, nhưng được phát biểu mang tính định hướng, chỉ đạo, của các nhà lãnh đạo quốc gia. Hàng loạt tư tưởng giáo dục thể hiện trong các bài nói, bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh như mục tiêu đào tạo “những người công dân hữu ích cho nước Việt Nam”, xây dựng “một nền giáo dục làm phát triển hoàn toàn những năng lực sẵn có của các em” (“Thư gửi cho học sinh” ngày 5.9.1945); mục tiêu giáo dục cho học sinh phẩm chất “trung với nước, hiếu với dân”, “yêu Tổ quốc, yêu đồng bào”, nguyên lý giáo dục “Học mãi để tiến bộ mãi”... thuộc loại này.

Triết lý giáo dục và Luật Giáo dục

Giữa ba loại TLGD đã nêu có những mối quan hệ nhất định và chúng có thể chuyển hóa cho nhau. Phải cần có nhiều thời gian và trí tuệ thì một TLGD theo nghĩa rộng mới có thể khắc phục được tính nhiều biến thể để trở thành TLGD theo nghĩa phổ thông. Còn để một TLGD theo nghĩa phổ thông có thể trở thành TLGD theo nghĩa hẹp thì còn cần nhiều thời gian và trí tuệ hơn nữa.

TLGD theo nghĩa hẹp là sự đòi hỏi quá cao về cả nội dung lẫn hình thức. Trước đây nó có thể gặp ở một số nước Đông Á, nhưng hiện nay nó chỉ tồn tại ở Việt Nam. Giới khoa học xã hội ở Trung Quốc, Hàn Quốc hiện đã đều chuyển sang dùng khái niệm “triết học giáo dục” giống như phương Tây. Ở Nhật Bản, thuật ngữ và khái niệm “triết học giáo dục” (hiểu giống như phương Tây) cũng đang ngày càng phổ biến.

Luật nói chung và Luật Giáo dục nói riêng là văn bản pháp quy đòi hỏi tính thống nhất cao. Vì vậy mà cả TLGD theo nghĩa rộng và TLGD theo nghĩa hẹp đều không phù hợp. Trong các văn bản pháp luật như Hiến pháp, Luật Giáo dục ở mọi thời đại, mọi quốc gia (kể cả Việt Nam) ta chỉ có thể gặp TLGD theo nghĩa phổ thông, được trình bày dưới dạng các mục đích, mục tiêu, nguyên lý giáo dục.

Trong Luật Giáo dục năm 1998 đã có Điều 2 về “Mục tiêu giáo dục” và Điều 3 về “Tính chất, nguyên lý giáo dục”, song hai điều này còn nhiều khiếm khuyết. Về nội dung, chúng vừa thừa vừa thiếu; về hình thức chúng có phần rối, không đủ chặt chẽ, rõ ràng. Trong dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) thì những khiếm khuyết này càng nặng hơn. Dường như sợ không đủ ý nên Ban soạn thảo luôn có khuynh hướng bổ sung, khiến nó mỗi lúc một dài hơn.

Chúng tôi đề xuất tổ chức lại nội dung của hai điều này, đặc biệt là Điều 2 về “Mục đích giáo dục”. Nên phân biệt hai mức độ là “Mục đích giáo dục” (khái quát hơn) với “Mục tiêu giáo dục” (cụ thể, chi tiết hơn), trong đó các tư tưởng cần được chọn lọc sao cho đủ ý nhưng không trùng lặp. Nội dung “Mục tiêu giáo dục” cần thể hiện các yêu cầu về năng lực, phẩm chất, và sản phẩm giáo dục. Trong yêu cầu về năng lực, đến lượt mình, cần phân biệt yêu cầu xét từ phía nhà trường và từ phía người học. Về phẩm chất, cần phân biệt yêu cầu xét trong quan hệ cá nhân, trong quan hệ xã hội, và trong quan hệ với tự nhiên. Cấu trúc này sẽ giúp cho nội dung cần chuyển tải trở nên rõ ràng, gọn nhẹ, dễ hiểu, dễ nhớ hơn, và do vậy cũng sẽ dễ thực hiện.

GS.TSKH. Trần Ngọc Thêm - Chủ nhiệm đề tài “Triết lý giáo dục Việt Nam - từ truyền thống đến hiện đại”