Theo mẹ vào chợ

- Chủ Nhật, 03/11/2019, 08:26 - Chia sẻ
Trong ký ức xa xôi của tôi, vẫn hằng in một cảnh tượng muôn đỗi thân thương. Ấy là trong một buổi chiều trời hè nóng như nung, cả nhà còn lơ mơ giấc trưa trên sàn gỗ lim, dưới làn gió quạt trần thung thăng, mát rượi. Mẹ tôi khẽ khàng trở dậy, búi vội mớ tóc, đội nón, cắp rổ, mở cổng sau đi buổi chợ chiều. Tiếng guốc mộc lách cách vang xa, vang xa, rồi nhỏ dần, nhỏ dần, trên lối ngõ

Nhà tôi đông chị em gái. Ngày ấy, cứ đứa nào bắt đầu vào tuổi lên 7, lên 8, là mẹ đã dắt đi chợ. Một là để xách đỡ đồ cho mẹ. Bữa ăn nhà mười mấy người. Chỉ ôm riêng rau cỏ cũng đủ sã cánh. Chưa nói đến dưa cà mắm muối các thứ. Hai là để Mẹ dạy cho cách chọn lựa đồ ăn, thức nấu sao cho thật tươi ngon. Lớn lên về nhà chồng còn biết đường mà làm ăn. Không người ta diếc cho điếc óc, xấu hổ bố mẹ.

Bà có mẹo “khuyến học đi chợ” thật đơn giản mà hữu hiệu. Đó là cứ hễ đứa nào theo mẹ đi chợ, cũng được bà mua cho một tí quà. Đương nhiên chỉ là đồ ăn thôi. Hôm thì 1 hào bánh đa kê, hôm thì 5 xu bánh rán. Tôi hồi nhỏ gầy yếu hơn các chị em nên thường được mẹ ưu tiên, cho ngồi ăn bát bún mọc, hay đôi quả trứng vịt lộn. Thật quá đỗi sung sướng! Cho nên, hễ mẹ gọi là bám theo luôn. Có hôm còn hong hóng xem có đến lượt được theo mẹ đi chợ không ấy chứ? Tất nhiên là chỉ vào những ngày nghỉ cuối tuần, hoặc nghỉ lễ tết. Vì ngày thường, chị em tôi còn phải đến trường đi học.

“Bây giờ nghĩ lại, sao ngày ấy các bà nội trợ chăm chút bữa ăn cho gia đình đến thế. Tốn rất nhiều thời gian. Mặc dù bà nào cũng còn phải lo đi làm kiếm sống...”

Mẹ xách chiếc làn mây đi trước. Tôi cắp chiếc rổ tre lũn cũn theo sau. Hai mẹ con mở cổng sau đi thông ra ngõ Phất Lộc. Chỉ độ một thôi đường ngắn vài ba trăm thước chi đó, là đã ra tới khúc giao phố Hàng Mắm - Hàng Bạc và Hàng Bè để vào chợ Hàng Bè.

Ngôi chợ Hàng Bè gắn bó với gia đình tôi như thế quãng gần nửa thế kỷ. Từ khi bố mẹ tôi chuyển nhà trong phố Cửa Đông ra phố Phan Thanh Giản, sau đổi là phố Nguyễn Hữu Huân. Nó là một ngôi chợ ngoài trời chứ không phải chợ mái ngói đàng hoàng như chợ Đồng Xuân, hay chợ Hôm - Đức Viên. Mà phần lớn các chợ Hà Nội thời ấy, như chợ Mơ, Hàng Da, Cửa Nam, Ngọc Hà, Kỳ Đồng cũng đều là chợ ngoài trời, sau mới xây dựng kiên cố lên. Bây giờ, họ  xây thành cao ốc, đẩy chợ cũ, gọi là chợ dân sinh, nhét xuống lòng đất. Cứ thế mà thưa vắng dần. Buồn khôn tả.

Trở lại chuyện cũ. Vào đến chợ, gặp bà hàng nào, hầu như mẹ tôi cũng cất tiếng hay gật đầu mỉm cười chào hỏi. Nhưng mẹ không bao giờ mua hàng ngay. Bao giờ bà cũng dắt tôi đi một vòng quanh chợ, bắt tôi cùng bà xem xét xem hàng nào có rau tươi, cá bơi, tôm nhảy, thì để ý ghi nhớ vào đầu. Con trẻ lắm khi lơ đãng, ngắm hàng quà hàng bánh đi rong qua lại, ra ý thèm thuồng. Mẹ lại lắc lắc cổ tay tôi, miệng “suỵt, suỵt” nhắc nhở: “Con gái con đứa, chưa ra đến chợ đã hóng ăn quà”.

Đi một vòng, vừa đi vừa tranh thủ khảo giá, có nghĩa là đi hết thẳng cả hai đường chữ thập đan nhau giữa ngõ Cầu Gỗ và phố Gia Ngư. Đôi khi, bà dắt tôi xộc cả vào ngõ Trung Yên sát cạnh, xem các hàng rau thịt, tôm cá bà con ngoại thành đem vào thế nào. Để kén đồ rẻ, đồ tươi hơn một chút. Do buôn vụng bán trộm, trốn công an, nên bà con ngoại thành cứ vừa chạy vừa ngồi. Thót tim mãi rồi cũng quen. Đôi lúc bên ngõ Trung Yên ấy, mẹ tôi cũng  kiếm được dăm quả trứng gà ta còn hồng phấn, đôi ba xóc cua béo vàng, mớ châu chấu chưa kịp vặt cánh, hoặc đôi ba con cà cuống chân còn vương lá cỏ. 

Bây giờ nghĩ lại, sao ngày ấy các bà nội trợ chăm chút bữa ăn cho gia đình đến thế. Tốn rất nhiều thời gian. Mặc dù bà nào cũng còn phải lo đi làm kiếm sống. Dù là làm trong xí nghiệp nhà máy, hay buôn bán, làm thuê bên ngoài. Tôi còn nhớ, mẹ và dì tôi bao năm vẫn giữ thói quen ngày đi chợ hai lần. Sáng mua cho bữa trưa. Chiều mua cho bữa tối. Nhất là thịt thà, tôm cá, đậu phụ và rau tươi. Dù là đồ hàng chiều bao giờ cũng đắt hơn đồ hàng sáng chừng nửa giá. Tập quán ăn thực phẩm còn tươi mới, đó cũng là một nét đặc trưng của ẩm thực người dân đất Việt, khác hẳn với các xứ sở bên ngoài, đặc biệt là khác với các nước Âu - Mỹ.

Đi một vòng chợ dễ cũng hết đến mươi lăm phút, mẹ tôi mới nhắm mua thứ gì cần nhất. Và tuy đã dạo một vòng như thế, nhưng tôi thấy đa phần mẹ rẽ vào các hàng quen để mua đồ. Bà dặn tôi phải nhớ cho kỹ chỗ ngồi của bà Toét, người làng Hoàng Mai bán rau cải Mơ và bà Rỗ, người làng Láng bán rau muống. Gọi là bà Toét bởi bà quanh năm đau mắt. Dấu vết của những năm tháng thức khuya dậy sớm, vỗ nước ao vào mặt để tỉnh ngủ để mà ra vườn nhổ rau, rửa rau, gánh hàng ra chợ. Vừa bán hàng, bà vừa dùng chiếc khăn vải màn cũ chấm mắt liên tục. Nhưng rau cải Mơ của bà thì tuyệt ngon. Lá to mơn mởn, sắc xanh ngời ánh hanh vàng, tươi roi rói. Cải Mơ không bao giờ bó, mà chỉ nắm từng nắm xếp le lé nhau từng lớp trên chiếc sảo tre thưa nông lòng, để rau không bao giờ bị dập nát. Nhưng đừng có ai hấp háy mong lấy được nắm rau bên trên, lại dính thêm được một  vài cây rau ở nắm bên dưới. Không có đâu. Mắt bà toét chứ không có mờ. Ngày ấy, các làng vùng ven đô toàn trồng rau hữu cơ. Phân gio, ủ tưới cần mẫn, bắt sâu bằng tay. Chứ không vung vãi bừa bãi các loại phân hóa học, và thuốc trừ sâu hỗn tạp như sau này.

Gọi là bà Rỗ, bởi mặt bà chằng chịt vết rỗ như tổ ong, dấu tích của một trong những trận dịch đậu mùa những năm 30 - 40 - 50 của thế kỷ trước. Hàng ngày, bà Rỗ cũng dậy thật sớm đi hái rau muống ruộng làng và gánh một gánh rau muống xơ mới non mướt, chĩu chịt ra bến tàu điện Láng mà lên bến Bờ Hồ. Rồi bà  gánh tiếp qua phố Hồ Hoàn Kiếm, xuyên sang phố Cầu Gỗ vào chợ Hàng Bè. Gánh rau nặng lắm, dễ đến gần trăm bó rau to như bó mạ, ướt rườn rượt. Bà vừa đi vừa đung đưa theo nhịp bước, có khi trông như sắp ngã. Thời tàu điện bị cắt bỏ, bà Rỗ sáng, chiều ngày hai buổi lên chợ bằng xe xích lô. Rau chất ngất đằng trước, bà ngồi đằng sau ông tài xế. Đôi bàn chân bắt chéo còn nguyên dấu bùn đất chưa khô thò ra khỏi đôi ống quần “chân què” bạc phếch, rộng thùng thình. Nhưng chiều về, bà Rỗ dứt khoát chỉ lồng hai dảnh quang mây và đôi sảo tre to tướng vào một đầu đòn gánh, rồi quầy quả đi bộ. Vẫn chân đất. Một mạch từ chợ Hàng Bè về làng Láng. Dễ đến dăm bẩy cây số chứ không ít. Ngày ấy, tôi đã lấy chồng về ở phố Nguyễn Thái Học, trên đường về nhà, thường vẫn gặp cảnh tượng ấy. Một hôm tôi dừng lại hỏi han, mới biết bà đi bộ như thế cho đỡ tiền xe. Thương quá. Ờ mà cũng phải, ngày hai gánh rau muống, dẫu có đắt hàng như tôm tươi, cũng có được là bao lăm. Tất cả trăm mối ăn tiêu, chi dùng, con cái học hành, cưới xin, giỗ chạp đều là trông tất vào đấy. 

Hành thơm, mẹ tôi cũng dắt tôi tìm đúng 2 bà, là bà Lãng, bà Dung, tên các bà gọi theo tên các ông chồng. Chứ nghe nói tên cúng cơm của các bà xấu xí lắm. Xướng lên ai nghe cũng đỏ mặt bật cười. Hai bà  cũng  chính gốc người làng Láng bên sông Tô Lịch. Chiều đến, các bà rau Láng thường ra đồng chăm rau, hái rau. Sáng mai sắp hàng ra bán ở khắp các phố chợ nội thành.  

Bà Dung vấn khăn lệch một bên, ăn trầu bỏm bẻm liền miệng. Bà rất hay nói nhịu, nói rất tục, di chứng của những kỳ sinh nở thiếu kiêng khem. Bà nói câu gì cũng thành cái thứ của nợ ấy. Cả chợ cười mãi thành quen. Nhưng đám trẻ chúng tôi thoạt nghe  xấu hổ lắm.

Mẹ dạy tôi chọn hành phải là hành củ nhỏ, dọc ngắn. Thơm phải chọn thơm cuống tía, lá đanh. Mùi phải là mùi non cây, lá lấm tấm, rễ trắng ngà. Đấy mới là những thức rau hành chính gốc làng Láng thơm ngon. Chứ đừng chọn những thứ hành thơm quá tươi tốt, vóng vót. Ấy là những thứ rau hành bên Đông Dư đưa sang. Đất bên ấy đất bãi, người bên ấy chỉ trồng dưa cải Đông Dư bẹ dày cộp, lá ngan ngản, nén giòn thơm, là hợp thôi.

Muốn mua mắm tôm hay mắm tép thơm ngon, đặc sắc, nhất thiết phải tìm tới hàng bà Boong. Bà Boong thường ngồi giữa lòng đường, trên phố Gia Ngư. Không chỉ mắm muối, các loại dưa cà bà cũng có tay làm rất khéo. Dưa vàng rộm, cà giòn tan. Cô con gái bà, cô Hằng, vài chục năm nay kế nghiệp mẹ bán hàng. Kể ra 10 phần cũng chỉ được theo được 7 - 8 là may. 

Cá mú hay lươn ốc cũng thế. Đa phần mẹ dắt tôi ra những hàng quen. Tôi nhớ nhất bà bán cua có hai cô con gái đều đẹp giống bà. Ba mẹ con bà chuyên mặc áo bà ba nâu thắt eo lưng duyên dáng. Bà mẹ vấn khăn. Hai cô búi tó. Tóc dày và đen nhánh. Một cô tôi còn nhớ tên là cô Thủy. Ba mẹ con người đẹp, mặt xinh, nói năng sắc sảo, miệng cười tươi duyên. Nhưng những đôi tay thì đầy vết cua cắp lem nhem tối ngày.

Cua ốc của ba mẹ con bao giờ cũng ngon nhất và đương nhiên là  đắt nhất chợ. Những cái chậu sắt to tướng, nặng chịch khi nào cũng rào rạo, nhong nhóc những cua là cua. Chúng lấm đầy bùn đất nhem nhuốc. Mẹ tôi rằng, đấy mới là cua móc ruộng, béo chắc và thơm thịt. Chớ ham những mớ cua sạch sẽ, chân mỏng mảnh, mai trong õng. Ấy là thứ cua sông mắc lưới, ăn kém gạch, kém màu. Đôi khi, bà hàng còn dúi riêng cho mẹ tôi một bọc trứng cua hiếm hoi, màu trong như hổ phách. Trứng cua nấu canh nhót đầu hè thì thôi, phải biết.   

Có hai bà hàng tôm mẹ quen. Nhưng giờ tôi quên mất tên. Các bà thường vừa nói chuyện, vừa tay năm tay mười quơ nhặt tôm. Mẹ tôi cũng kéo tôi ngồi thụp xuống, tay thoăn thoắt lựa những con tôm ngon nhất. Chúng nhảy tanh tách, lao xao. Vỏ tôm trong vắt, mắt đen nhánh, mình tròn chắc.

 - Nhớ phải chọn con không có càng đấy con ạ! Đừng thấy con tôm to mà tham. Tôm có càng ăn bồm bộp, lắm vỏ mà hao cân. Hễ trông thấy con nào có trứng đen đen, lùm lùm ở bụng thì nhớ nhặt ngay. Rang lên ngon lắm đấy!

Còn muốn mua trứng tôm đem về nấu canh, thì phải sang giờ chợ chiều mới có. Những cục trứng tôm bé xíu, chỉ cỡ bằng quả sấu gói trong miếng lá sen, bọc sợi rơm nếp vàng. Đem về nghiền nát nấu canh rau, canh bí thì ngọt ngon không gì sánh nổi. Mì chính sau này cứ là gọi bằng cụ chứ chả chơi.

Có một hàng trứng vịt lộn ngồi gần cửa nhà hộ sinh phố Gia Ngư trong chợ Hàng Bè. Hai mẹ con bà hàng thay nhau bán. Bà mẹ gương mặt phúc hậu, hiền hòa, bán hàng  đầy đặn. Khách ăn thường bao giờ cũng ăn đôi quả, chứ hiếm khi ăn một quả. Quả trứng trước, quả trứng sau, bà đập ra là một chín một mười. Cuối buổi còn những quả trứng nhỏ là bà bớt cho khách chút tiền, kiểu như khuyến mại. Nhưng cô con gái gương mặt xương xẩu thì láu lỉnh. Cứ đập quả thứ nhất to hoành tráng. Khách phấn khởi ăn tiếp quả thứ 2. Cô chọn quả bé tí đập choách luôn. Thì đã đập vào bát rồi, khách còn biết làm sao nữa. Thế là phải ăn. Ăn rồi mà vẫn ức mãi. Thế cho nên, hễ thấy hôm nào bà mẹ bán hàng thì tôi vui vẻ vào ăn. Hễ hôm nào cô con gái bán hàng, là tôi kéo áo mẹ đòi ra hàng bún ốc hay bún riêu gần đấy.

Hàng khô thì khi chị em tôi lớn hơn một chút,quãng hơn 10 tuổi, mẹ tôi mới dạy cho cách chọn lựa. Ví như miếng bóng bì ngon phải là miếng bóng thăn lợn, hình chữ nhật, dày mình. Chứ miếng hình thang là miếng bóng mông, mỏng mình. Nhìn miếng bóng thấy màu vàng hanh, là bóng không tẩy trắng, ăn sẽ lành. Sờ miếng bóng thấy nở đều, không chỗ nào bị co lép, là khi nấu bóng sẽ ngấm đều gia vị, không sượng cứng. Soi miếng bóng lên phía ánh mặt trời, thấy các lỗ chân lông sạch tinh, là ăn không rậm miệng. Bóng mà rậm miệng thì chỉ có nước vất đi, xấu hổ với khách khứa họ hàng. 

Ví như muốn chọn đỗ xanh thơm bở, đậm đà, là phải chọn thứ đỗ hạt tiêu bé hạt, chớ ham thứ đỗ mỡ to hạt. Ăn sẽ nhạt phèo. Đỗ đen, phải lấy đôi hạt cắn thử xem. Lòng xanh hãy lấy, lòng trắng thì đừng. Đỗ đen lòng xanh đun chóng bở mà không chát. Đỗ đen lòng trắng thì ngược lại. 

Duy có mua lá thuốc nam, thì phải nhất nhất nghe lời các bà bán hàng ngồi đầu góc phố Hàng Bè hay đầu góc phố Cầu Gỗ. Bệnh gì cứ kể với các bà. Lên sởi hay thủy đậu, cảm sốt hay ho hắng, đổ máu cam hay đi tháo dạ, các bà đều có thuốc. Các bà đưa lá gì thì cầm lá ấy. 

Vóc dáng bà cụ Tài, tuổi ngoại bát tuần, bán hàng lá ngồi đầu chợ Hàng Bè, tóc trắng như tơ, miệng ngân nga câu ca dao cổ của làng Đại Yên cứ đọng mãi trong tôi: “Tay cầm bông hoa dành dành/ Bệnh đau thời chữa, bệnh tình thời thôi”...

Như nhiều người đàn bà ngày trước, mẹ tôi cũng có thói quen hay mặc cả khi đi chợ. Dù các bà bán hàng đa phần là người quen. Nhưng thêm bớt được một chút cũng vui đáo để. Mua được món gì vừa rẻ vừa ngon, mẹ phấn khởi suốt một ngày. Đến bữa cơm còn kể chuyện tíu tít khoe với bố tôi và các con.

Ôi còn bao nhiêu bí quyết đi chợ mẹ dạy mà tôi thuộc nằm lòng cho đến tận bây giờ. Kể ra khéo cả ngày không hết. 

Rồi chị em tôi lớn dần. Mẹ lần lượt sai đi chợ tự mua thức ăn. Ban đầu là sai mua từng thứ. Mớ rau, bìa đậu. Khi mấy đứa chững chạc thêm, bà dặn mua nhiều thứ hơn, đủ để làm một món ăn. Như ốc om chuối đậu cần có những nguyên liệu nào, gia vị nào, rau lá nào. Bà bắt chúng tôi nói rõ ràng như đọc bài thuộc lòng trước khi ra chợ:

- Ốc nhồi, đậu nướng, thịt ba chỉ, chuối xanh, nghệ tươi, hành tỏi, mắm tôm, hành hoa, tía tô, lá lốt, hạt tiêu. 

- Còn cơm mẻ thì nhà lúc nào cũng sẵn rồi. Nhớ đấy nhé! 

Rồi đến lúc bà cũng mạnh dạn giao tiền cho chị em tôi tự tính toán lấy, cho cả bữa ăn. Nào món rau, món mặn, món canh, món xào. Tất cả trong bấy nhiêu tiền thôi. Mua thế nào cho đủ thì mua.

Nhưng đi chợ về, mẹ kiểm tra, giám sát rất chặt chẽ, hỏi han từng tí. Rau mua của bà nào? Đậu mua của bà nào? Có bảo cháu là con bà Phúc Lâm (tên mẹ gọi theo tên hiệu của bố tôi) cho các bà ấy biết không? Giá cả bao nhiêu? Tiền thừa đâu? Cân đủ không?  

Có lần bà xách luôn chiếc cân nhà ra cân lại. Cái cân cũ kỹ, đĩa cân méo mó, quả cân xù xì, cán cân đánh những chấm những vạch màu vàng chỉ dấu hoa lạng, chứ không có số. Mà cân rất chính xác.

Ôi, tôi có khi cũng nhiễm tính mẹ từ ấy. Đi lấy chồng, chuyển nhà bao lần vẫn tha đủ hai cái cân. Cái 5 cân, cái 10 cân. Đi chợ mà nghi nghi cân thiếu, là cũng về bắc lên cân lại. Nếu thiếu một chút, thì cũng chặc lưỡi cho qua. Hôm sau ra chợ bảo lại cô hàng một câu. Từ sau ắt các cô sẽ cân đủ. Chứ không đến nỗi quá chặt chẽ như mẹ tôi trong cái thời kỳ bao cấp gian khó ấy.

Nếu bà nghi ngờ chị em tôi mải chơi, sốt ruột, hoặc ngại đổi tiền lẻ, mua không đúng các thức mà bà đã dặn, thì chết luôn đấy. Bà bắt đem hàng ra chợ đổi lại bằng được. Tôi và cô em kế tôi, mỗi người đã bị một trận như thế. Nói dối không thể qua. Thật là nhớ đời.

Nếu mà ngày ấy có điện thoại, thì chắc máy của bà Rỗ, bà Toét, bà Boong... sẽ cháy luôn vì phải nghe mẹ tôi cật vấn, kiểm tra trình độ đi chợ của các cô con gái. 

Cho đến khi các gái lớn biết đi chợ rồi biết tự nấu được cả bữa cỗ, thì bà yên tâm, vui vẻ lắm. Sắp tống khứ được một đám “hũ mắm thối đầu giàn” ra khỏi nhà rồi. Để rồi bà lại miệt mài tiếp tục hành trình không mệt mỏi, dạy dỗ những đứa em nhỏ trong nhà. Bắt đầu từ đi chợ, thổi cơm. 

Năm tháng qua đi, cảnh vật Hà Nội cũng đổi thay không ít. Ngôi chợ Hàng Bè đã giải thể hàng chục năm trước. Chợ Hàng Bè mới được dịch chuyển ra ngoài bờ đê sông Hồng, trên phố mới Vọng Hà. Tuy khang trang nhưng vắng vẻ, đìu hiu hơn chợ cũ rất nhiều. Hồn cốt của nó bao năm chắc vẫn vương vấn nơi đất cũ phố cổ.
Tại chợ Hàng Bè cũ, nay các hàng quán bán rau quả, đồ ăn vẫn còn bám chặt vào đôi bên hè phố. Và đồ ăn thức nấu vẫn nhất hạng tươi ngon. Theo thời cuộc, giờ đa phần là hàng thức ăn bán sẵn. 

Giá cả ở chợ Hàng Bè xưa nay vẫn cao hơn giá cả các nơi khác 1 - 2 giá. Tuy nhiên, hàng bán vẫn rất chạy tay. Miếng thịt dọi quế tề đầu, tề đuôi gọn gàng, nổi rõ đủ ba chỉ nạc mỡ ngay ngắn, phân minh. Con gà luộc vàng óng, miệng ngậm đóa hoa hồng như đang vỗ cánh bay lên. Khúc cá kho nục nạc, thơm nức mùi giềng sả. Cam Canh, bưởi Diễn đều là hàng thửa từ cây lâu năm, đẹp mã, sắc nước. 

Những của hiếm hoi lùng khắp các chợ Hà Nội không thấy, thì đều có thể tìm thấy ở chợ Hàng Bè. Như bỗng rượu. Như rau diếp. Thiếu mấy gia vị đặc biệt ấy, sao thành món cuốn tôm kỳ diệu của Hà Nội . 

Có điều, xưa chợ Hàng Bè được coi là ngõ chợ, nên cấm xe đạp xe máy đi vào. Nay trở lại thành ngõ phố, nên xe máy xe đạp đi lại tự do. Dịp gần Tết, người và xe đông nghịt, tắc đường luôn luôn.

Lâu rồi, tôi mới có dịp lang thang trở lại chợ Hàng Bè cũ. Thấy cảnh phố chợ sầm uất hơn xưa. Nhưng nghe lòng chút lắng trầm, bâng khuâng, xao xác. Thương về ngôi chợ đơn sơ ngày ấy biết bao nhiêu. Ngôi chợ có bóng dáng những bà bán hàng áo nâu khăn vấn ngồi phơi mưa nắng, buôn chín bán mười, tần tảo, đảm đang. 

Trong ký ức xa xôi của tôi, vẫn hằng in một cảnh tượng muôn đỗi thân thương. Ấy là trong một buổi chiều trời hè nóng như nung, cả nhà còn lơ mơ giấc trưa trên sàn gỗ lim gác hai căn nhà cũ, dưới làn gió quạt trần thung thăng, mát rượi. Mẹ tôi khẽ khàng trở dậy, búi vội mớ tóc, đội nón, cắp rổ, mở cổng sau đi buổi chợ chiều. Tiếng guốc mộc lách cách vang xa, vang xa, rồi nhỏ dần, nhỏ dần, trên lối ngõ…

Tuỳ bút của Vũ Thị Tuyết Nhung