Liên minh châu Âu gia hạn Brexit 3 tháng

Thêm một lần trễ hẹn

- Thứ Tư, 30/10/2019, 08:05 - Chia sẻ
Vừa qua, Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí gia hạn Brexit 3 tháng nữa theo đề nghị của Anh. Quyết định đó sẽ giúp Vương quốc Anh và cả EU có thêm thời gian để cân nhắc mọi tình huống và cố gắng giải quyết các rủi ro phòng trường hợp Brexit “cứng”. Song song với động thái trên là việc Thủ tướng Anh Boris Johnson lại gặp thất bại khi kêu gọi một cuộc bầu cử mới.

Không thể lần lữa

Với quyết định mới nhất của EU, xứ sở sương mù lại tiếp tục bỏ lỡ hạn chót 31.10, sau khi đã không thể rời liên minh lá cờ xanh đúng lịch ban đầu vào ngày 29.3.2019. Tuy nhiên, trên tài khoản Twitter chính thức, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk đã lưu ý, thời hạn mới có thể được rút ngắn nếu các nghị sĩ Anh thông qua thỏa thuận Brexit trước ngày 31.1.2020.

Theo dự thảo kế hoạch, ngày 1.12.2019 hoặc 1.1.2020 cũng có thể là thời điểm Anh sẽ rời EU nếu thỏa thuận trên qua được ải Nghị viện. Từ nay đến cuối tháng 1 năm sau, Anh vẫn có quyền hủy bỏ tiến trình Brexit, nên EU bày tỏ mong muốn không có diễn biến bất lợi nào. Nguồn tin của hãng Reuters cho biết, việc hoãn Brexit lần thứ ba sẽ có những điều kiện đi kèm cụ thể là từ chối đàm phán lại thỏa thuận rời EU của Thủ tướng Johnson và cho phép 27 quốc gia EU họp về tương lai của khối mà không có sự tham gia của Anh. Bản thân ông Johnson luôn tuyên bố, việc trì hoãn là điều “không mong muốn” vì Chính phủ Anh buộc phải “làm ngược ý chí”. Ông thậm chí kêu gọi EU phải bảo đảm sẽ không còn đợt gia hạn nào nữa sau thời hạn 31.1.2020.

Kể từ khi tiếp quản “ghế nóng” từ bà Theresa May hồi tháng 7, Thủ tướng Boris Johnson luôn đau đáu với quyết tâm đưa nước Anh ra khỏi EU. Dẫu vậy, ông đã bị tạt khá nhiều gáo nước lạnh từ Nghị viện mà đỉnh điểm gần đây nhất là yêu cầu Thủ tướng phải viết thư xin EU gia hạn Brexit 3 tháng. Tuy nhiên, một điểm sáng cho những nỗ lực của chủ nhân số 10 phố Downing là sau khi bác bỏ vài lần, các nghị sĩ đã nhất trí bước đầu thỏa thuận Brexit với EU của ông và Nghị viện sẽ xem xét tiến trình thông qua trong thời gian được gia hạn tới.

Những kịch bản

Và để bảo đảm thỏa thuận kết thúc có hậu, nhà lãnh đạo này đã “năm lần, bảy lượt” muốn kêu gọi một cuộc bầu cử mới nhằm củng cố thế đa số. Hầu hết các cuộc thăm dò ý kiến công chúng đều cho thấy, Thủ tướng đương nhiệm có nhiều khả năng giành chiến thắng nếu một cuộc tổng tuyển cử được tổ chức. Theo ông, đây là cách duy nhất để phá vỡ thế bế tắc hiện nay, vốn khiến Vương quốc Anh không thể phê chuẩn “thỏa thuận ly hôn” với Brussels và làm cho các doanh nghiệp Anh trở nên hoang mang.

Theo luật, phải 2/3 số nghị sĩ, tương đương với 434 người, bỏ phiếu ủng hộ thì một cuộc bầu cử sớm mới thành hiện thực. Trong khi đó, ông Johnson lại không nắm được đa số tại Hạ viện. Thực tế, hôm đầu tuần vừa qua, các nghị sĩ đã bác bỏ nỗ lực của Thủ tướng, nâng số lần thất bại của ông khi đề nghị tổ chức bầu cử sớm lên 3 lần. Chính phủ chỉ nhận được 299 phiếu tán thành, trong khi có tới 79 nghị sĩ bỏ phiếu chống. Trong nỗ lực gần nhất, Thủ tướng Johnson đã đề xuất bằng văn bản gửi tới Nghị viện Anh, mong muốn bầu cử sẽ được tổ chức vào ngày 12.12 để mở đường cho cơ quan lập pháp mới làm việc trước ngày 23.12.

Do đề xuất trên đã bị bác bỏ, phần lớn vì không nhận được sự tin tưởng của Công đảng đối lập, vốn luôn tuyên bố sẽ chỉ ủng hộ bầu cử nếu được bảo đảm Anh không rời EU mà không có thỏa thuận, Chính phủ đang tính đến phương án B. Đó là trình một dự luật tương tự như đề xuất luật chung của đảng Dân chủ tự do và đảng Dân tộc Scotland nhằm tranh thủ sự ủng hộ của họ. Hai đảng này vốn muốn tổ chức bầu cử sớm vào ngày 9.12 để ngăn chặn bất kỳ khả năng thông qua thỏa thuận Brexit của Thủ tướng trước khi Hạ viện bị giải tán. Theo luật bầu cử Anh, Hạ viện phải giải tán tối thiểu 25 ngày trước bầu cử để đủ thời gian chuẩn bị.

Hai con đường dẫn đến bầu cử vừa phân tích ở trên thực sự rất khác nhau. Nếu kiến nghị của Chính phủ đòi hỏi phải có 2/3 nghị sĩ Hạ viện tán thành, thì đề xuất luật giống của đảng Dân chủ Tự do, trong đó vẫn kêu gọi tổ chức bầu cử vào 12.12, chỉ cần đạt được đa số phiếu. Hiển nhiên, điều này có sức hấp dẫn đối với Chính phủ vì khả năng được thông qua cao, tuy nhiên rủi ro đi kèm không nhỏ. Bởi các nghị sĩ hoàn toàn có thể bổ sung các sửa đổi lập pháp không theo quan điểm của Chính phủ vào dự luật đó. Một điểm khác biệt nữa là trong khi kiến nghị của Chính phủ không phải trình Thượng viện theo Đạo luật Nghị viện không thời hạn thì dự luật phương án B sẽ phải qua Thượng viện xem xét, tăng cơ hội bị sửa đổi.

Một số nhà phân tích nhận định, còn một cách nữa mà ông Johnson có thể tiến đến bầu cử, cho dù đây là một quá trình dài, chưa được thử nghiệm với rất nhiều rủi ro. Đó là phe đối lập hoặc chính bản thân Thủ tướng sẽ đề nghị một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm Chính phủ, vốn chỉ cần đa số phiếu tương đối để thúc đẩy. Các nhà lãnh đạo đảng sau đó sẽ có 14 ngày để thành lập Chính phủ mới có khả năng vượt qua cuộc bỏ phiếu tín nhiệm. Nếu nỗ lực trên không thành công, Hạ viện sẽ bị giải tán và một cuộc bầu cử mới sẽ được lên lịch.

Ngọc Minh