Festival Mỹ thuật trẻ 2020

Thể nghiệm nhiều chất liệu mới

- Thứ Sáu, 31/07/2020, 05:26 - Chia sẻ
Được tổ chức định kỳ 3 năm một lần nhằm giới thiệu những sáng tác mới, những gương mặt nghệ sĩ trẻ từ 18 đến 35 tuổi, Festival Mỹ thuật trẻ giúp các nhà quản lý nghệ thuật và xã hội nắm bắt được xu hướng phát triển của nghệ thuật đương đại.

Thay đổi tư duy sáng tạo

Sau 5 tháng phát động, Festival Mỹ thuật trẻ lần thứ 5 - 2020 đã nhận được 365 tác phẩm của 197 tác giả gửi tham dự, trong đó hội họa chiếm số lượng lớn với 281 tác phẩm. Dựa trên tiêu chí nội dung tư tưởng giàu tính nhân văn, mang hơi thở cuộc sống đương đại, có ý tưởng độc đáo, tìm tòi mới lạ trong ngôn ngữ nghệ thuật, hội đồng nghệ thuật đã lựa chọn 91 tác phẩm của 74 tác giả để trưng bày.

Nghệ sĩ trẻ ngày càng có nhiều thể nghiệm với những chất liệu mới.
Ảnh: Hồng Hà

Theo nhà phê bình mỹ thuật Phan Cẩm Thượng, kể từ Festival Mỹ thuật trẻ lần thứ nhất năm 2007, thực tế sáng tác của giới nghệ sĩ trẻ đã có những thay đổi đáng kể. “Nếu như Festival Mỹ thuật trẻ 2007, số lượng tác phẩm sắp đặt chiếm vai trò chủ yếu bởi sự bùng lên ban đầu của loại hình nghệ thuật này, thì đến năm 2020 chỉ có 3 tác phẩm gửi tham dự, đáng ngạc nhiên là các loại hình nghệ thuật như trình diễn, body art... gần như vắng bóng, tác phẩm video art chỉ còn duy nhất 1 tác giả dự thi. Nguyên nhân của hiện trạng này, theo đánh giá chung, xuất phát từ thực tế xã hội và sự thiếu hụt nguồn tài trợ cần thiết”.

Tư duy nghệ thuật trẻ cũng thay đổi. “Tại fetival lần này, chúng tôi để ý thấy sự xuất hiện của nhiều tác phẩm kỹ thuật số, tức là thay vì sáng tác trực tiếp đơn thuần, nghệ sĩ đã thể hiện tác phẩm của mình thông qua kỹ thuật số, trên máy tính và máy ảnh. Tác phẩm thể dạng này cũng được lựa chọn trưng bày, tuy nhiên chỉ có 1 - 2 tác phẩm. Song đây có lẽ là một hoạt động mới, cho thấy xu hướng sắp tới của các nghệ sĩ trẻ”, nhà phê bình Phan Cẩm Thượng nhận xét.

Xem triển lãm Festival Mỹ thuật trẻ 2020, nhiều họa sĩ thừa nhận, nghệ sĩ trẻ có trình độ ngày càng cao do được đào tạo rất tốt về kỹ thuật cơ bản. So với thế hệ trước họ có ưu thế về công nghệ thông tin, ngoại ngữ và các điều kiện kinh tế để thực hành nghệ thuật. Tuy nhiên, nghệ thuật không chỉ dừng lại ở kỹ thuật và công nghệ, đó còn là kinh nghiệm sống, quan điểm xã hội, quá trình học và chuyển đổi kiến thức vào chất lượng tác phẩm. Các nghệ sĩ trẻ đang ngày càng nỗ lực cho quá trình này và họ đã phần nào chứng minh được điều đó trong những festival gần đây.

Biến hóa cùng chất liệu 

Họa sĩ Vũ Bạch Liên cũng cảm nhận, nếu chỉ so với Festival gần đây nhất năm 2017, các tác giả trẻ khi đó còn cẩn trọng và rụt rè trong cách sáng tạo tác phẩm và ý đồ nghệ thuật, vì thế có rất ít tác phẩm hay và độc đáo, thì nay đã có nhiều thể nghiệm hơn với những chất liệu mới và sáng tạo, đem đến những tác phẩm có tính phản biện xã hội mạnh mẽ. Đơn cử, tác phẩm đoạt giải Nhất “Lò mổ #21” của Nguyễn Văn Đủ là một thể nghiệm mới với sự tham gia trước hết của nhiếp ảnh, sau đó xử lý bằng máu bò, sơn, keo, để thể hiện ý đồ nghệ thuật của tác giả, bộc lộ những trăn trở về sự sống và cái chết, về giá trị đạo đức, về số phận của mỗi sinh linh.

Đồng giải Nhất là tác phẩm “Giấy tiền vàng bạc” của họa sĩ Võ Thành Thân (Thừa Thiên Huế), nằm trong series sáng tác về đề tài đời sống tâm linh. Võ Thành Thân cho biết, từ nhỏ anh đã được tiếp xúc tín ngưỡng thờ cúng dân gian và lớn lên cùng nó. “Một lần đốt vàng mã cho gia đình, tình cờ thấy được nhận dạng mới trong tờ giấy vò nhàu nát trước khi mang đốt, tôi chợt nhận ra con đường mới để theo đuổi nghệ thuật. Sau đó, một series về chất liệu này ra đời, giúp tôi bày tỏ quan điểm”.

Theo Võ Thành Thân, nghệ thuật xuất phát từ những điều bình dị trong cuộc sống hàng ngày. Kết hợp những điều nhỏ bé, bình dị có thể tạo thành sức mạnh to lớn. Về chất liệu, họa sĩ gốc Huế từng sử dụng giấy trắng và giấy kim loại nhưng chỉ từ khi chuyển sang giấy vàng bạc anh mới có cảm giác đã lựa chọn đúng cho những sáng tác của mình sau này.

Quá trình sáng tạo của họa sĩ trẻ Trần Thược lại là hành trình khám phá chất liệu đem đến những bất ngờ cho người xem. Tham gia Festival Mỹ thuật trẻ lần thứ 5, anh tạm dừng series tác phẩm điêu khắc gỗ theo đuổi từ năm 2015 để chuyển sang thử nghiệm chất liệu đá. Tác phẩm “Nguyện cầu” ra đời trong bối cảnh chung từ tác động của dịch Covid-19. Đây cũng là thời điểm nghệ sĩ trẻ trăn trở về những điều xung quanh mình. “Dịch Covid-19 thời gian qua thôi thúc tôi làm một việc gì đó. Tác phẩm điêu khắc khối đá thể hiện hình ảnh 5 người đại diện cho 5 châu lục cùng đoàn kết, giang tay bao bọc Trái đất trên thế kiềng ba chân tượng trưng cho lòng tin vững chãi cùng nhau tháo gỡ khó khăn, vượt qua đại dịch”.

Cũng sáng tác đúng thời gian giãn cách xã hội do Covid-19, họa sĩ Nguyễn Tuấn Dũng tham gia Festival với 3 tác phẩm “Chờ trưa”, “Đợi biển” và “Giấc mơ vàng”. “Tôi muốn sử dụng nhiều chất liệu trong một tác phẩm hội họa để lột tả hình ảnh người lao động trong khó khăn chồng chất giữa đại dịch”, Tuấn Dũng nói.
Các tác phẩm của Tuấn Dũng sử dụng chất liệu acrylic trên nền báo in, phong cách được anh sử dụng 5 năm nay, nhưng gần đây, anh phát triển lên một bước mới, dùng phương pháp thủ công in báo lên mặt toan, sau đó vẽ màu acrylic. Cách làm này giữ cho tác phẩm có độ bền cao, hơn thế họa sĩ mong muốn lồng ghép thông điệp thời đại, từ nội dung, tít báo đương đại, kết hợp các câu chuyện đời sống con người. Theo nhà phê bình Phan Cẩm Thượng, có lẽ những “biến hóa” trong sử dụng chất liệu của các họa sĩ trẻ là một điểm cộng tại Festival lần này.

Hương Sen