Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm; Luật Sở hữu trí tuệ

Thể hiện tính tích cực của nước thành viên CPTPP

- Thứ Năm, 11/04/2019, 08:26 - Chia sẻ
Ngoại trừ Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 và Luật Tố cáo đã chủ động đáp ứng điều kiện của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) trước khi được ký kết thì Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ là những đạo luật đầu tiên được tiến hành sửa đổi nhằm nội luật hóa cam kết quốc tế. Nỗ lực hoàn thiện hồ sơ dự án Luật này của các cơ quan chức năng đã thể hiện tính tích cực của Việt Nam trong thực thi CPTPP.

Nỗ lực nội luật hóa các cam kết quốc tế

Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm; Luật Sở hữu trí tuệ được xây dựng trên thực tế cũng là sử dụng quyền nội luật hóa cam kết, vừa giúp nước ta mở cửa thị trường một cách chủ động, vừa thể hiện tinh thần thực hiện cam kết một cách chặt chẽ và hiệu quả. Nhưng có thể thấy, để xây dựng dự án Luật này đòi hỏi sự tích cực vào cuộc, tinh thần trách nhiệm cao của các cơ quan chức năng.


Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định  phát biểu tại phiên họp
Ảnh: Quang Khánh

Thực tế, ngày 24.1.2019, Thủ tướng Chính phủ mới ban hành Quyết định số 121/QĐ-TTg phê duyệt kế hoạch thực hiện CPTPP. Thực hiện sự phân công của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương, Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ đã phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức có liên quan thực hiện các công việc theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015. Kết quả là đến 31.1.2019, Bộ Tư pháp đã có Báo cáo thẩm định số 22/BC-BTP về thẩm định đề nghị xây dựng dự án Luật. Và Chính phủ đã xem xét và thông qua dự án Luật theo trình tự, thủ tục rút gọn tại Phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 3.  

Ở phía cơ quan thẩm tra, Thường trực Ủy ban Pháp luật đã bám sát quá trình soạn thảo dự thảo Luật, cũng như thực hiện các quy trình, thủ tục được Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định. Đầu tháng 4.2019, Thường trực Ủy ban Pháp luật đã tổ chức phiên họp mở rộng để thẩm tra dự án Luật, kịp thời trình UBTVQH cho ý kiến, dù phạm vi rà soát rộng, phức tạp, mang tính chuyên môn sâu. Nhiều vấn đề chưa phù hợp với điều kiện áp dụng, quy định pháp luật hiện hành, cũng như chưa tương thích với cam kết trong CPTPP liên quan đến kinh doanh bảo hiểm, sở hữu trí tuệ được Thường trực Ủy ban Pháp luật chỉ ra cụ thể và thuyết phục.

Đánh giá cao nỗ lực của các cơ quan chức năng, song các Ủy viên UBTVQH quan tâm đến tính pháp lý cho quá trình sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ. Bởi như vấn đề được Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu đưa ra, đó là Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Sở hữu trí tuệ được sửa đổi để thực hiện các cam kết của CPTPP đối với 11 nước thành viên, song cần đánh giá tác động của các sửa đổi để nội luật hóa cam kết CPTPP đối với các quốc gia khác đang tiến hành đầu tư và hợp tác ở nước ta. “Chúng ta phải đánh giá tác động, cái gì tạo thuận lợi, chưa tạo thuận lợi cho các quốc gia thành viên, cho Việt Nam, và ngược lại là cho các quốc gia khác”. Không chỉ nhìn vào tác động đối với CPTPP, Phó Chủ tịch QH cũng lưu ý, khi sửa đổi hai luật này có tính tới các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới Việt Nam đang đàm phán, ký kết, hoặc sắp tiến hành đàm phán trong thời gian tới.

Nói cách khác, các ý kiến tại Phiên họp của UBTVQH cho thấy, không chỉ quan tâm đến việc nội luật hóa các cam kết trong CPTPP, mà đòi hỏi các cơ quan chức năng phải có cái nhìn toàn diện, soi chiếu với các cam kết quốc tế khác nước ta đã và sẽ tham gia. Bởi có như vậy quá trình ký kết và nội luật hóa cam kết quốc tế mới có sự thống nhất, tạo thuận lợi cho Việt Nam trong quá trình triển khai áp dụng.

Giải trình về những vấn đề UBTVQH nêu ra, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh khẳng định, các cam kết trong CPTPP tương đồng với cam kết liên quan của Việt Nam đối với Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Và những cam kết này cũng đang được áp dụng cho tất cả quốc gia thành viên WTO.

Bảo đảm phù hợp với cam kết

Có thể thấy, trong thời gian qua, cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan chủ trì soạn thảo đã nỗ lực rất nhiều trong việc hoàn thiện một dự án luật có tính chuyên sâu, phức tạp, và sẽ ảnh hưởng mạnh mẽ đến hoạt động của các tổ chức, cá nhân ở nước ta. Nhưng với tinh thần cẩn trọng, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân yêu cầu, cần tiến hành rà soát tất cả các nội dung được sửa đổi trong hai luật, để bảo đảm phù hợp với các cam kết quốc tế Việt Nam đã ký. Vì rằng, quy định pháp luật đã được sửa đổi không thể để có ý kiến phản hồi về sự không tương thích với quy định tại hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

Trên thực tế, về điều kiện cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm (Điểm c, Khoản 1 và Điểm b, Khoản 2, Điều 94b của Luật Kinh doanh bảo hiểm), Thường trực Ủy ban Pháp luật nhận thấy “có những điểm chưa phù hợp với tính chất là điều kiện kinh doanh của tổ chức, cá nhân”. Hay như sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ giúp nội luật hóa các quy định của CPTPP về ngoại lệ đối với tính mới của sáng chế, chưa sửa đổi liên quan đến trình độ sáng tạo của sáng chế. Hoặc, CPTPP (Điều 18.32) quy định quốc gia thành viên phải quy định thủ tục cho phép người thứ ba phản đối việc bảo hộ chỉ dẫn địa lý này trên cơ sở việc bảo hộ chỉ dẫn địa lý đó có khả năng gây nhầm lẫn với nhãn hiệu đang được bảo hộ/đơn đang được xem xét. Song, dự thảo Luật chỉ quy định trường hợp từ chối bảo hộ là đối tượng đang được bảo hộ.

Thời gian qua, các cơ quan chức năng đã tổ chức làm việc nhiều lần, để tiếp thu, hoàn chỉnh những vấn đề được Thường trực Ủy ban Pháp luật đưa ra, nên bước đầu có thể yên tâm về dự thảo Luật. Khẳng định điều này, song Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu một lần nữa đề nghị, cần tiếp tục hoàn thiện để bảo đảm chất lượng, tính hợp lý, cũng như sự đồng bộ, khả thi, tránh vênh với cam kết song phương, đa phương nước ta đã tham gia.

Thanh Hải