Chất vấn tại Hạ viện Australia

Thể hiện rõ trách nhiệm giải trình

- Thứ Sáu, 28/10/2011, 07:45 - Chia sẻ
Các phiên chất vấn trực tiếp ngay tại phiên họp được tiến hành từ những ngày đầu tiên của Hạ viện Australia, mặc dù khi đó không có những quy định trực tiếp trong bản Quy chế hoạt động của Hạ viện. Sau đó có thêm loại câu hỏi bằng văn bản. Chất vấn trở thành công cụ giám sát để làm rõ trách nhiệm của Chính phủ.

Để hiểu rõ bản chất của phiên chất vấn, cần nhìn rộng ra hệ thống chính quyền của Australia. Theo đó, nguyên tắc phân chia quyền lực không được áp dụng một cách cứng nhắc. Mối quan hệ giữa Nghị viện và Chính phủ có sự chồng lấn nhất định, Chính phủ được thành lập trong Nghị viện: Thủ tướng và các bộ trưởng phải là thành viên Nghị viện (Hạ nghị sỹ hoặc Thượng nghị sỹ).

Tuy nhiên, theo nguyên tắc “Chính phủ có trách nhiệm”, Chính phủ phải chịu trách nhiệm giải trình trước Nghị viện. Chính phủ phải liên tục nhận được sự ủng hộ của đa số các Hạ nghị sỹ. Không những thế, họ cố gắng duy trì sự tín nhiệm của các cử tri Australia – những người đến kỳ bầu cử sẽ quyết định liệu có bầu lại Chính phủ hiện hành hay không, hay là lựa chọn phe đối lập để thành lập Chính phủ.

Hoạt động của các bộ trưởng chịu sự giám sát của các nghị sỹ khác. Phe đối lập chính thức sẽ chủ trì việc giám sát. Vai trò của phe đối lập là không thể thiếu đối với hệ thống chính quyền Australia và có tác động quan trọng đến hoạt động của Hạ viện, mà đáng chú ý nhất chính là phiên chất vấn. Đây là khi Thủ tướng và các Bộ trưởng thể hiện trách nhiệm trước Nghị viện thông qua việc tham dự và trả lời các câu hỏi thuộc trách nhiệm của họ. Đây cũng là thời gian mà thủ lĩnh phe đối lập, “thủ tướng thay thế’ và các bộ trưởng trong “chính phủ bóng” cố gắng làm sáng tỏ và phê phán những thiếu sót của Chính phủ, đồng thời chỉ ra khả năng sẵn sàng của họ trong việc đứng ra quản lý nhà nước. Nhưng năng lực của Hạ viện trong việc yêu cầu Chính phủ chịu trách nhiệm phụ thuộc chủ yếu vào tri thức và hiểu biết của Viện về các chính sách và hoạt động của Chính phủ. Phiên chất vấn là một kênh quan trọng để thu nhận các thông tin đó.

Chính vì vậy, trách nhiệm giải trình của Chính phủ được thể hiện rõ ràng và công khai nhất tại phiên chất vấn, tại đó trong khoảng thời gian thường là hơn một giờ trong hầu hết các ngày họp. Không có khoảng thời gian nào khác trong phiên họp thông thường của Hạ viện lại có nhiều người tham dự đến như vậy. Phiên chất vấn là sự quan tâm đặc biệt không chỉ đối với các bộ trưởng mà còn đối với các cơ quan thông tấn, khán giả của đài phát thanh và truyền hình và khách đến thăm quan. Đây cũng là khoảng thời gian mà mức độ căng thẳng chính trị giữa các đảng được thể hiện rõ ràng.

Ông Ian Harris, từng làm Tổng thư ký Hạ viện Australia nhiều năm, nhận xét về ý nghĩa của chất vấn là yếu tố không thể thiếu của chức năng giám sát hoạt động của Chính phủ, làm sáng tỏ những thiếu sót và vấn đề tồn tại, giải quyết những khúc mắc, ngăn ngừa khả năng Chính phủ sử dụng quyền lực một cách tùy tiện và thúc giục Chính phủ đưa ra biện pháp khắc phục.

Mục đích của các câu hỏi chất vấn ở Australia là để làm rõ thông tin hoặc thúc giục hành động. Nhưng vì công chúng rất chú ý tới phiên chất vấn nên đây thường là thời gian của cơ hội chính trị. Các thành viên đối lập thường xoáy vào những vấn đề nhằm làm bẽ mặt Chính phủ. Vì vậy, để phiên chất vấn nằm trong giới hạn cho phép, không chỉ cần những quy trình, thủ tục chặt chẽ, mà còn là nền tảng văn hóa vững chắc trong toàn bộ Hạ viện.

Lê Anh