Thể hiện rõ sự cam kết, trách nhiệm trước Quốc hội và cử tri

- Thứ Bảy, 09/11/2019, 08:23 - Chia sẻ
Sau ba ngày chất vấn và trả lời chất vấn, các ĐBQH nhận thấy, phần trả lời chất vấn của các Bộ trưởng thể hiện sự am hiểu các lĩnh vực được giao phụ trách, thẳng thắn nhận trách nhiệm, có tinh thần cầu thị, song cũng có trả lời chưa thuyết phục, chưa đưa ra được giải pháp căn cơ. Trả lời chất vấn của Thủ tướng Chính phủ thể hiện rõ sự cam kết, trách nhiệm trước Quốc hội và đồng bào cử tri cả nước.

ĐBQH NGUYỄN THANH HẢI (Hòa Bình): Điềm đạm, thận trọng

Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại QH luôn có mối quan hệ hai chiều, đối với các Bộ trưởng thì yêu cầu là cần chỉ đạo quyết liệt, sâu sắc hơn các vấn đề mà cử tri đã nêu. Bên cạnh đó, cử tri, các ĐBQH cũng nắm bắt được vấn đề mình đặt ra đối với các Bộ trưởng còn đang khó khăn, vướng mắc ở đâu, chưa có đủ nguồn lực hay do vướng về hành lang pháp lý, tổ chức thực hiện, sự phối hợp giữa các bộ, ngành… Từ đó, các “tư lệnh” ngành có sự điều chỉnh lại chính hoạt động của ngành, lĩnh vực mình, giải quyết những vấn đề cử tri nêu. Ngược lại, cử tri cũng có sự chia sẻ, thông cảm, thấu hiểu để thực hiện tốt hơn chức năng, vai trò giám sát trong thời gian tới.


Ảnh: Quang Khánh

Tôi đánh giá cao phần trả lời chất vấn của các Bộ trưởng, mỗi Bộ trưởng có điểm mạnh và điểm yếu riêng, nhưng đều rất am hiểu lĩnh vực được giao phụ trách. Đối với Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng có phong thái trả lời chất vấn rất điềm đạm. Trước đây, chúng ta nhìn lĩnh vực thông tin và truyền thông ở góc độ quản lý thông tin báo chí, đạo đức phóng viên, mạng xã hội… thì qua phần trả lời của Bộ trưởng cho thấy, lĩnh vực này còn có nhiều mảng công tác khác như công nghệ, kinh tế. Đơn cử, doanh nghiệp IT đóng góp trong năm 2019 lên đến hàng trăm tỷ USD, hay việc phát triển các nền tảng công nghệ thông tin, qua đó kiềm chế mặt trái, mặt tiêu cực của mạng xã hội, khuếch trương những mặt tích cực mà nhiều ĐBQH đã nêu.

Đáng lưu ý, khi một ĐBQH hỏi mạng xã hội Lotus mới được ra đời và đầu tư lên đến 1.200 tỷ đồng thì chất lượng hoạt động của mạng xã hội này như thế nào, Bộ trưởng đã trả lời rất ngắn gọn, dễ hiểu, cho thấy, mạng này hiện đang có khoảng 1 triệu người hoạt động, tuy nhiên nó vẫn là một sản phẩm trong phòng thí nghiệm. Để làm bước tiếp theo là quảng cáo và thu hút nhiều người dùng thì phải thận trọng, phải cập nhật và hoàn thiện, bảo đảm công tác quản lý tốt, tránh phát triển quá nóng, e rằng sẽ không quản lý nổi. Với trả lời này, tôi tin tưởng rằng, mạng xã hội Lotus trong thời gian tới sẽ được nhiều người dùng và có tiềm năng phát triển hơn.

Đối với phần trả lời của Thủ tướng Chính phủ - người đứng đầu Chính phủ và là người “cầm quân” ở tất cả các mảng, lĩnh vực, tôi nhận thấy, những trả lời của Thủ tướng chính là sự cam kết, thể hiện trách nhiệm cao trước Quốc hội, các ĐBQH và cử tri. Với sự quyết tâm, nỗ lực, sự chỉ đạo sát sao, tạo sự đồng thuận, phối hợp giữa các bộ, ngành, tin rằng các vấn đề Thủ tướng cam kết và giải trình trước QH đều sẽ đạt được kết quả tốt.

Chúng ta đã chuẩn bị bước sang năm thứ 4 của nhiệm kỳ QH Khóa XIV, những vấn đề đặt ra từ đầu nhiệm kỳ đều đã được giải quyết rốt ráo, những lời cam kết của Chính phủ trước QH được thực hiện chính là cơ sở để chúng ta đạt được kết quả phát triển KT - XH tốt hơn trong năm tới và là thành tích thiết thực chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng sắp tới.

ĐBQH HOÀNG VĂN CƯỜNG (Hà Nội): Cần giải pháp căn cơ hơn

Trong phần chất vấn Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, nhiều ĐBQH đặt vấn đề về hàng hóa nước ngoài “đội lốt” xuất xứ hàng Việt. Vấn đề này không phải mới mà đã được cảnh báo từ lâu. Vừa qua, chúng ta phát hiện rất nhiều vụ lớn chứ không phải nhỏ lẻ nữa; điều này chứng tỏ việc kiểm soát chưa tốt, từ đó dẫn đến hậu quả vô cùng nghiêm trọng, ảnh hưởng ngay đến cơ sở sản xuất trong nước. Nếu không quản lý được xuất xứ hàng hóa, nước ta sẽ trở thành một trung tâm trung chuyển hàng hóa, để cho một nhóm hoặc nhiều nhóm nào đó lợi dụng để kiếm lời. Vì vậy, đưa ra giải pháp xử lý là vấn đề rất cấp bách đối với Bộ Công thương.

Bộ trưởng có viện dẫn các lý do để chỉ ra nguyên nhân của tình trạng này, song các đại biểu chưa thấy thuyết phục và đề nghị cần có giải pháp căn cơ hơn. Các ĐBQH mong muốn, Bộ trưởng phải đưa ra tiêu chí rõ ràng để nhận biết hàng hóa nào xuất xứ Việt Nam, hàng hóa nào là đội lốt? Trách nhiệm của Bộ Công thương là phải xử lý nghiêm minh chuyện hàng hóa đội lốt vào Việt Nam từ rất lâu rồi. Nhưng khi phát hiện ra, chúng ta mới chỉ xử phạt, chưa có doanh nghiệp nào bị đóng cửa về chuyện làm hàng giả, hàng nhái, đặc biệt là chưa có cán bộ quản lý nào bị xử lý.

ĐBQH LÊ CÔNG NHƯỜNG (Bình Định): Sâu sát với thực tế, nắm chắc vấn đề

Trong 3 ngày diễn ra phiên chất vấn và trả lời chất vấn, các vấn đề cần quan tâm, bức xúc của cử tri trong các lĩnh vực nông nghiệp, công thương, nội vụ, thông tin và truyền thông đã được các ĐBQH đặt ra tại nghị trường. Các vấn đề này được đưa ra để mỗi Bộ trưởng thấy rõ tồn tại, hạn chế, xác định cách thức khắc phục, qua đó nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong mỗi ngành, lĩnh vực. Thủ tướng Chính phủ cũng trả lời về nhiều vấn đề, không “nợ” một chất vấn nào được ĐBQH đưa ra trong suốt ba ngày thực hiện hoạt động này. Trong một số vấn đề, Thủ tướng Chính phủ đã “giao việc” trực tiếp cho một số bộ, ngành trong xử lý vướng mắc, khó khăn cho người dân, doanh nghiệp. Thủ tướng cũng đưa hướng giải quyết cơ bản cho một số vấn đề có tầm khái quát cao hơn, mang tính chất liên bộ, giúp cử tri yên tâm hơn.

Các Bộ trưởng đều nắm chắc nhiệm vụ, chức năng của bộ mình và trả lời cơ bản chất vấn của ĐBQH. Các Bộ trưởng đã trả lời thẳng vào vấn đề, nhận trách nhiệm với tinh thần cầu thị, đặc biệt trong một số vấn đề đã đưa ra mốc thời gian thực hiện lời hứa. Khi ĐBQH tranh luận lại về một số vấn đề nhỏ còn bỏ sót trong phần trả lời, các Bộ trưởng Bộ NN - PTNT, Bộ Nội vụ, Bộ Thông tin và Truyền thông đều nhanh chóng làm rõ, đáp ứng nguyện vọng của cử tri. Chắc chắn, các vấn đề được ĐBQH đưa ra cũng không chỉ dừng lại trong 3 ngày chất vấn và trả lời chất vấn. Dự kiến, cuối kỳ họp, QH ban hành nghị quyết về nội dung này, làm rõ các yêu cầu đối với từng bộ trưởng. Đây là cơ sở để các ĐBQH tiếp tục giám sát việc thực hiện lời hứa của bộ trưởng.

Trong ba ngày tiến hành chất vấn, dù số lượng đại biểu đăng ký chất vấn rất nhiều, nhưng với sự bao quát, nắm rõ các vấn đề trong ngành, lĩnh vực, Chủ tịch QH đã điều hành linh hoạt, bảo đảm hài hòa giữa những ĐBQH chất vấn và tranh luận. Với những vấn đề bộ trưởng chưa trả lời thỏa đáng, Chủ tịch QH cũng nhắc nhở ngay, chỉ bằng một hai câu ngắn gọn nhưng đều đưa ra thông điệp, yêu cầu rõ ràng cũng như điểm cốt yếu cần tập trung, hoặc điều chỉnh. Đặc biệt, chủ tọa cũng điều hành linh hoạt, cho phép những ĐBQH chưa chất vấn nhưng có thể đăng ký tranh luận với Bộ trưởng. Vì thế, một số vấn đề được cử tri quan tâm đã có điều kiện được truy vấn đến cùng, làm rõ trách nhiệm của bộ trưởng, quản lý ngành, lĩnh vực.

Khi tiến hành tranh luận lại với Bộ trưởng Bộ NN - PTNT, tôi cũng xuất phát trên tinh thần này, đặc biệt là thấu hiểu khó khăn của những ngư dân đóng tàu theo Nghị định 67. Nghị định 67 được chúng ta làm vội vàng, có ngư dân đã phải vay của “xã hội đen”, khi không trả nợ được đã phải bỏ nhà, bỏ cửa. Bộ trưởng đi khảo sát địa phương nhiều, sát với thực tế, nắm rất chắc vấn đề, không ngại nêu hạn chế của chính sách, thay vào đó thẳng thắn chỉ ra nhiều bất cập của Nghị định 67. Bộ trưởng Bộ NN - PTNT cũng đã đưa ra ngay cách thức khắc phục, và vui mừng là cách làm mới, ghi nhận thành công ở một số địa phương. Sự xông xáo trong điều hành công việc, nắm chắc vấn đề cũng có thể thấy trong nhiều câu trả lời chất vấn khác của bộ trưởng.

ĐBQH PHẠM XUÂN THĂNG (Hải Dương): Thẳng thắn thừa nhận thiếu sót

Phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Nội vụ được các ĐBQH đặc biệt quan tâm. Đã có nhiều ĐBQH đặt câu hỏi chất vấn Bộ trưởng về các vấn đề: sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế, thực hiện chính sách cán bộ... Đây là những vấn đề khó, nhạy cảm, được dư luận xã hội đang rất quan tâm. Bộ trưởng đã trả lời rất sát vấn đề, đi thẳng vào vấn đề, thẳng thắn thừa nhận thiếu sót của Bộ Nội vụ trong chậm trễ ban hành một số văn bản của Chính phủ nhằm triển khai các quy định của Đảng, Nhà nước trong công tác tổ chức cán bộ.

Trong những nhóm vấn đề chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ, tôi rất quan tâm tới vấn đề đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá cán bộ. Thời gian qua, Bộ Nội vụ cũng như các bộ, ngành, địa phương đã rất quan tâm tới công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại. Tuy nhiên, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cũng đã thừa nhận, việc bồi dưỡng cán bộ của chúng ta hiện nay mới chủ yếu chú trọng vào các chứng chỉ nhằm đáp ứng các yêu cầu bổ nhiệm cán bộ, nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức trong khi chưa chú trọng tới bồi dưỡng cán bộ gắn với vị trí việc làm, chức danh đang đảm nhiệm. Bộ trưởng cũng thừa nhận, việc đánh giá công chức hiện nay chưa thực chất vì có tỷ lệ công chức hoàn thành tốt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ rất cao trong khi đó, trên thực tế còn một bộ phận không nhỏ công chức có chất lượng hoàn thành nhiệm vụ không cao, còn có biểu hiện nhũng nhiễu, tiêu cực, chưa thực sự đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi  của tình hình mới.

Thời gian tới, Bộ Nội vụ cần sớm sửa đổi Nghị định số 101/2017/NĐ-CP về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ gắn với vị trí việc làm; đặc biệt cần quan tâm hơn nữa tới công tác đánh giá cán bộ, cần ban hành những quy định mới về công tác đánh giá cán bộ theo hướng đánh giá công việc một cách lượng hóa, cụ thể, tránh việc đánh giá cảm tính. Có như vậy, công tác đánh giá cán bộ mới thực chất.

H. Ngọc - P. Thủy - T. Chi ghi