Thể hiện đúng tinh thần của Hiến pháp

- Thứ Năm, 13/02/2020, 10:04 - Chia sẻ
Các đại biểu Quốc hội đã đóng góp rất nhiều ý kiến tâm huyết, có lập luận, cơ sở rõ ràng đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội với mong muốn đây phải là một đạo luật thể hiện được tính mẫu mực về tổ chức, hoạt động của Quốc hội. Trong đó, có những đề xuất liên quan trực tiếp đến các quy định của Hiến pháp năm 2013 và quy định của nhiều đạo luật khác. Do vậy, tại Phiên họp ngày 11.2, nhiều Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhấn mạnh, cần tiếp tục rà soát các nội dung của dự án Luật theo đúng tinh thần của Hiến pháp năm 2013 và tính tới tầm nhìn dài hạn hơn.

Hiến pháp quy định mở

Tại Kỳ họp thứ Tám, nhiều ĐBQH cũng cho rằng phạm vi sửa đổi, bổ sung như dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội còn hẹp, chủ yếu tập trung vào cụ thể hóa các nội dung trong Nghị quyết số 18/NQ-TW mà chưa khắc phục được những hạn chế, vướng mắc trong việc tổ chức thực hiện Luật thời gian qua. Theo các đại biểu này, cần đổi mới một cách căn bản việc thực hiện cả 3 chức năng lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và cách thức tổ chức, hoạt động của Quốc hội, đổi mới việc tổ chức bầu cử và xác định nhiệm kỳ của Quốc hội...


Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ Phan Thanh Bình phát biểu tại phiên họp.
Ảnh: Quang Khánh

Khẳng định đây đều là những ý kiến tâm huyết, có cơ sở, lập luận rõ ràng, song báo cáo dự kiến một số nội dung tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cũng nêu rõ, Quốc hội đã quyết định sẽ xem xét, thông qua dự án Luật tại Kỳ họp thứ Chín sắp tới, thời gian chuẩn bị không còn nhiều, nếu nghiên cứu để sửa đổi một cách căn bản Luật như các đề xuất nêu trên sẽ không bảo đảm tiến độ trình thông qua. Mặt khác, nhiều nội dung đề xuất lại liên quan trực tiếp đến các quy định của Hiến pháp năm 2013 và quy định của nhiều đạo luật khác. Do đó, Ủy ban Pháp luật đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép chỉ nghiên cứu, đề xuất các nội dung sửa đổi, bổ sung trong Luật Tổ chức Quốc hội trong phạm vi khuôn khổ quy định của Hiến pháp, có tính khả thi cao, có thể thực hiện được ngay. Các nội dung khác sẽ được tiếp tục nghiên cứu để báo cáo vào thời điểm thích hợp hơn.

Nêu quan điểm tại Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhiều lần nhấn mạnh yêu cầu phải tiếp tục rà soát lại dự thảo Luật theo tinh thần của Hiến pháp. “Tôi cảm giác như hoạt động Quốc hội có những điểm mang tính chất hành chính”, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhận xét và cho rằng, nếu không cẩn thận, chúng ta sẽ làm cho hoạt động của một số cơ quan của Quốc hội, các đồng chí lãnh đạo các Ủy ban của Quốc hội chuyển từ nguyên tắc làm việc tập thể, quyết định theo đa số sang nguyên tắc “thủ trưởng chế” như Chính phủ. Thủ trưởng chế thì sai hoàn toàn với nguyên tắc hoạt động của Quốc hội. Đây là vấn đề khoa học quản lý chứ không phải câu chuyện chúng ta muốn gắn trách nhiệm của người đứng đầu. Trước đây, chỉ có câu chuyện Ủy ban Thường vụ Quốc hội là lãnh đạo hay chỉ đạo các Ủy ban của Quốc hội đã tranh luận với nhau rất quyết liệt. Không có câu nào của Hiến pháp ghi là Ủy ban Thường vụ Quốc hội lãnh đạo các Ủy ban, chỉ có chỉ đạo, không có lãnh đạo, các Ủy ban có quyền độc lập của mình.

Một nội dung quan trọng theo Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cũng phải rà soát lại để thể hiện đúng tinh thần của Hiến pháp là số lượng, chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội. Hiến pháp quy định Quốc hội quyết định tổ chức và hoạt động của Quốc hội và chỉ đề cập đến Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban, khi cần thiết Quốc hội thành lập Ủy ban lâm thời để nghiên cứu, thẩm tra một dự án hoặc điều tra một vấn đề nhất định, tức là quy định rất mở. Luật Tổ chức Quốc hội cũng phải thể hiện được tinh thần này chứ không nên “đóng sống” có bao nhiêu Ủy ban. “Bây giờ cứ tranh luận một Ủy ban mà phải vừa theo dõi, thẩm tra và giám sát các lĩnh vực thuộc 3 - 4 bộ liền. Báo cáo các đồng chí, nhiều nước cứ một Ủy ban của Quốc hội thì đồng thời đi theo là một bộ. Như thế thì mới đủ sức”, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nói.

ĐBQH là nhân tố giữ vị trí trung tâm trong hoạt động của Quốc hội

Một nội dung quan trọng khác, được nhiều ĐBQH tha thiết đề nghị tại Kỳ họp thứ Tám là xác định rõ Đoàn ĐBQH là cơ quan của Quốc hội, là “cánh tay nối dài” của Quốc hội ở địa phương và có tính độc lập tương đối với địa phương. Tuy nhiên, nhiều ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội chưa tán thành đề xuất này.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu rõ, Hiến pháp không có khái niệm Đoàn ĐBQH nhưng chúng ta có bộ phận này nhằm tạo điều kiện tập hợp, bố trí để các ĐBQH trong cùng một tỉnh hoạt động nhịp nhàng, ăn khớp. Chúng ta có thể thành lập các Đoàn ĐBQH, đó là quyền của Quốc hội nhưng giao cho Đoàn ĐBQH những nhiệm vụ và địa vị pháp lý như thế nào lại phải cân nhắc.

Theo Ủy ban Pháp luật, xét về tính chất hoạt động cũng như từ kinh nghiệm hoạt động nghị viện của các nước, Đoàn ĐBQH không phải và cũng không nên được xác định là một cơ quan với các thẩm quyền độc lập, hoạt động theo nguyên tắc quản lý hành chính, mà đây là một hình thức tổ chức có tính đặc thù trong Quốc hội nước ta, phù hợp với điều kiện phần lớn các ĐBQH hoạt động kiêm nhiệm. Vai trò của Đoàn ĐBQH vừa là tổ chức, hỗ trợ, tạo điều kiện cho các ĐBQH thực hiện nhiệm vụ đại biểu tại địa phương (và một số nội dung hoạt động trong kỳ họp Quốc hội), vừa đồng thời giúp duy trì mối quan hệ gắn kết giữa Quốc hội với thực tiễn ở địa phương, là nơi tập hợp kiến nghị, phản ánh tâm tư, nguyện vọng của cả chính quyền và cử tri địa phương đến với Quốc hội. Do đó, Đoàn ĐBQH cần gắn bó chặt chẽ với chính quyền địa phương nhưng không độc lập hoàn toàn cũng như không tham gia trực tiếp vào các công việc của chính quyền địa phương vì mỗi cấp chính quyền có nhiệm vụ, quyền hạn và phạm vi hoạt động khác nhau. Nếu quá nhấn mạnh vào vị thế, vai trò của Đoàn ĐBQH thì vô hình trung sẽ thu hẹp vai trò, phạm vi hoạt động của ĐBQH trong khi đây mới là nhân tố giữ vị trí trung tâm trong hoạt động của Quốc hội.

Thực tế vừa qua, Đoàn ĐBQH đã được tăng cường chức năng, nhiệm vụ như một cơ quan gồm có Trưởng đoàn, Phó Trưởng đoàn, cơ quan giúp việc, có con dấu, có tài khoản, thậm chí được quyền giám sát. Tuy nhiên, theo Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, điều này tác động rất nhiều đến quyền của ĐBQH, cụ thể là quyền giám sát, quyền độc lập phát biểu ý kiến. ĐBQH phát biểu mà Trưởng đoàn ngồi bên cạnh bảo yêu cầu anh phải xem lại, chấn chỉnh đại biểu thì làm sao có thể phát huy được vai trò của ĐBQH? “Chất lượng của Quốc hội có được nâng lên hay không chính là nhờ chất lượng của ĐBQH và việc thực hiện quyền của ĐBQH. ĐBQH của toàn quốc chứ đâu phải là của địa phương để dưới sự chỉ đạo của Trưởng đoàn, của Đoàn ĐBQH ở địa phương? Luật Tổ chức Quốc hội đã quy định rất rõ Đoàn ĐBQH là tập hợp các ĐBQH bầu ở Trung ương và địa phương nhưng chúng ta lại phân quá nhiều quyền như hiện nay thì cũng phải rà soát lại”, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nhấn mạnh.

Luật Tổ chức Quốc hội hiện hành được Quốc hội thông qua năm 2015 nhằm cụ thể hóa Hiến pháp 2013. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định, thực tiễn hoạt động của Quốc hội thời gian qua về cơ bản không có gì vướng mắc. Hoạt động của Quốc hội ngày càng được nhân dân, cử tri đánh giá cao, mang lại niềm tin cho nhân dân. Sau phiên họp này, các nội dung của dự thảo Luật sẽ tiếp tục được rà soát lại. Cùng với yêu cầu bảo đảm đúng tinh thần của Hiến pháp, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu cũng cho rằng, cần làm căn cơ, phân tích, tiếp thu, nghiên cứu mang tính chất dài hạn hơn, nhất là trong bối cảnh hiện nay, khi chúng ta đang chuẩn bị cho Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng với tầm nhìn khá xa, hướng đến 100 năm thành lập nước, 100 năm thành lập Đảng. Và như vậy, trong khuôn khổ của Hiến pháp, bất kỳ đề xuất nào có thể nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội nhân dịp sửa đổi, bổ sung lần này cũng cần được xem xét thấu đáo.

Nguyễn Bình