Tham vấn công chúng qua internet

Thế hệ Web 2.0 và bước ngoặt của truyền thông chính trị

- Thứ Sáu, 21/08/2015, 08:26 - Chia sẻ

Ở nhiều nước, truyền thông xã hội đang nhanh chóng trở thành công cụ giao tiếp chính trị thông dụng của nghị viện, các nghị sĩ và giới chính trị gia nói chung. Sự xuất hiện của các công cụ tương tác thế hệ Web 2.0 như blog, các mạng xã hội, các trang chia sẻ hình ảnh như YouTube đã hồi sinh mối quan tâm đối với sự tham gia vào chính trị qua internet. Chiến dịch tranh cử Tổng thống Hoa Kỳ năm 2004 được coi là bước ngoặt quan trọng của truyền thông chính trị qua internet, “là năm mà chính trị trực tuyến cuối cùng cũng đến được với cử tọa”. Tuy nhiên, phần lớn trong số các công cụ Web 2.0 được sử dụng rộng rãi hiện tại lại chưa xuất hiện vào năm 2004. YouTube ra mắt năm 2005, Facebook năm 2006, Second Life và Tweeter cũng xuất hiện năm 2006.

Trong cuộc bầu cử nghị viện liên bang ở Australia năm 2008, trong khi thông tin và thảo luận trên internet vượt cả báo chí truyền thống, thì việc sử dụng Web 2.0 bởi các chính trị gia còn ở mức khiêm tốn. Chỉ có 26 trong số 226 nghị sĩ đương nhiệm có trang trên MySpace, 15 người có blog, 13 người đưa hình ảnh lên YouTube, 8 người có tài khoản Facebook, và chỉ có 7 người đăng tải các đoạn ghi âm lên mạng. Hơn nữa, mức độ tham gia thảo luận, bình luận của công chúng trên các phương tiện giao tiếp trực tuyến do các đảng và chính trị gia chủ trì chỉ ở mức vừa phải, thậm chí một số người tắt hẳn các phương tiện giao tiếp trên web. Trong khi đó, người dân lại tham gia tích cực trên một số blog và trang mạng tư nhân như GetUp, Election Tracker, You Decide.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, ngày càng có nhiều nước sử dụng nhiều hơn truyền thông xã hội thế hệ Web 2.0 vào tham vấn công chúng. Chẳng hạn như Quốc hội Brazil, Hàn Quốc đã dùng các phương tiện truyền thông xã hội để thu thập được khá nhiều ý kiến công chúng về các dự luật; các Ủy ban của Hạ viện Anh dùng twitter để mời gọi công chúng gửi hàng trăm câu hỏi giúp Ủy ban có thêm chứng cứ “hỏi xoáy” trong phiên điều trần đối với Bộ trưởng; nhiều nghị viện, nghị sĩ của Pháp, Anh, Hoa Kỳ, Mexico, thậm chí Afghanistan có trang Facebook để giao tiếp hiệu quả với công chúng, cử tri.

Kinh nghiệm các nước cho thấy, đối với công chúng, truyền thông xã hội bước đầu cho thấy sự lợi hại của mình trong việc đáp ứng nhu cầu thông tin; tổ chức thảo luận và phản biện về chính sách; liên kết các thành viên và đẩy thành phong trào; dùng để chuyển tải thông điệp, tác động vào nhận thức xã hội và cơ quan làm chính sách, thay đổi một số chính sách. Đối với các cơ quan làm chính sách như nghị viện, các bộ, chính quyền địa phương, cần đến những nơi nào có mặt đông đảo người dân, mà không gian mạng là một nơi như vậy.

Dĩ nhiên, đối với cả hai phía, như mọi hoạt động khác, việc sử dụng truyền thông xã hội cũng cần có kỹ năng, chiến lược, kế hoạch. Hãy nghĩ đến những câu hỏi: cái gì, ai, như thế nào, ở đâu, bao giờ, tại sao; xác định rõ ràng mục tiêu của việc sử dụng truyền thông xã hội; hướng tới những ai, ai là trọng tâm; thông điệp gửi tới họ là gì; bằng cách nào; trông đợi gì từ họ; những rủi ro có thể gặp phải… Ví dụ tập huấn, hướng dẫn, hỗ trợ các quan chức, nghị sĩ dùng các công cụ này. Những vấn đề pháp lý cũng cần được lưu ý khi sử dụng truyền thông xã hội trong tham vấn công chúng và thu hút sự tham gia của công chúng. Nghị viện và các cơ quan nhà nước khác có thể chiếm một chỗ đứng chính danh trên internet; đồng thời, xây dựng, ban hành các quy định để tạo điều kiện, cơ sở pháp lý cho công chúng tham gia vào quy trình chính sách bằng hình thức truyền thông mới mẻ, hấp dẫn này.

Nguyên Lâm