Thế giới người lớn qua góc nhìn trẻ thơ

- Thứ Hai, 10/12/2018, 09:24 - Chia sẻ
Trẻ con chẳng mơ ước gì cao xa, nhờ vậy chúng không có nhiều khổ não, thất vọng hay bất đắc chí như người lớn, còn người lớn luôn cảm thấy thiếu thốn và đau khổ. Quả thực, làm người lớn cũng thật chẳng dễ dàng gì, vẫn cứ “ngốc nghếch” tự đặt ra các câu danh ngôn để tự răn mình nhưng sau khi gật gù khen hay, thì làm ngược lại... Đó là những “phát hiện” của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh khi bằng con mắt trẻ thơ nhìn về thế giới người lớn.

“Bao dung” với người lớn

 Từng học sư phạm, có những năm dạy học và là chủ nhiệm câu lạc bộ thiếu nhi, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đã có thời gian sống gần gũi với các em nhỏ. Ông cho biết: “Khi đó, tôi không có ý định quan sát trẻ em để viết sách, nhưng những kỷ niệm, cảm xúc cứ ngấm vào tâm hồn của mình nên khi viết về các em, tôi cảm thấy rất tự nhiên. Một điều nữa là thiên hướng của từng người, có những nhà văn sống rất sâu với hiện thực tuổi 30, 40, 50, nhưng tôi lại sống rất sâu với hiện thực của tuổi thơ, nhớ chi tiết và nhớ một cách rất cảm động về thời thơ ấu của mình, do đó tự nhiên tôi thành nhà văn viết cho tuổi thơ”.

Sáng 9.12, trong tiết trời mưa lạnh buốt của mùa đông Hà Nội, hàng trăm độc giả nhiều lứa tuổi vẫn kiên nhẫn xếp hàng dài xung quanh Thư viện Hà Nội, dự chương trình ký tặng và giao lưu cùng nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, nhân dịp ông ra mắt cuốn sách “Cảm ơn người lớn”. Hơn 8 giờ chương trình mới bắt đầu, nhưng nhiều bạn trẻ đã đến từ 5giờ sáng để nhận những chữ ký đầu tiên, cho thấy sức hút không hề giảm của tác giả ăn khách này. Bằng lao động nghiêm túc và tài năng, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh mấy chục năm nay đã từng bước khẳng định vị trí của mình trong lòng bạn đọc. Hầu như năm nào ông cũng có tác phẩm mới ra mắt, nỗ lực tìm kiếm đề tài, cách viết mới, để phục vụ độc giả, do đó, dần dần đã nhận được sự yêu mến, đồng cảm, chờ đón của không chỉ thế hệ trẻ mà của cả những người không còn trẻ.

Năm nay là “Cảm ơn người lớn” - một áng văn lãng mạn trong giọng hài hước đặc biệt “dành cho trẻ em, và những ai từng là trẻ em” như lời đề từ của cuốn sách. Điều đặc biệt là tác phẩm được nhà văn đặt bút viết đúng sau 10 năm ra đời “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ”  - tác phẩm bán chạy với 400.000 bản in tính đến nay. Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh cho biết: “Cũng hoàn toàn tình cờ, khi viết cuốn “Cảm ơn người lớn” tôi mới biết là đã cách cuốn “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ” 10 năm, các nhân vật Mùi, Tủn, Hải cò, Tí sún... lại xuất hiện trong tác phẩm”.


Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh ký tặng sách “Cảm ơn người lớn”   Ảnh: Thảo Nguyên

Bạn đọc sẽ có cơ hội gặp lại các nhân vật đã để lại ấn tượng trong “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ”, cùng chơi những trò chơi quen thuộc, và được đắm mình vào những ước mơ điên rồ, ngốc nghếch nhưng trong veo của tuổi mới lớn hồn nhiên và đầy ắp dự định; và cả khi họ đã trưởng thành, “bạo chúa” thời gian đã vùng vẫy trong cuộc đời của những nhân vật ấy… Theo nhà văn, có thể xem cuốn sách này nối tiếp “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ”, hay có thể cho đây là cuốn sách độc lập, vì chủ đề của hai cuốn sách có phần khác nhau. Nếu như “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ” nhấn mạnh tới phần khác biệt giữa thế giới trẻ em và người lớn, để người lớn nhớ về lúc mình còn thơ bé và nhìn trẻ em bằng con mắt bao dung, thông cảm; thì với “Cảm ơn người lớn”, có lẽ trẻ em cũng nên nhìn người lớn bằng một thái độ bao dung như vậy, vì người lớn cũng có những rắc rối, nỗi niềm riêng như một gánh nặng mà đôi khi trẻ em không nhìn thấy.

Cần lắm sự hiểu nhau

“Khi viết cuốn sách “Cảm ơn người lớn”, tôi đã lớn hơn chính mình khi viết cuốn sách trước là 10 tuổi, trải nghiệm cuộc sống nhiều hơn, nên trong tác phẩm mới, ngoài nhấn mạnh sự khác biệt thế giới trẻ em và thế giới người lớn, thì còn có các chủ đề khác, mở rộng nội dung mà các cuốn sách trước chưa kịp nói đến, như nói về thời gian, cái chết, tiền bạc, tình yêu, hôn nhân... và đặc biệt là nỗi ám ảnh về tuổi thơ” - nhà văn Nguyễn Nhật Ánh chia sẻ.

Những vấn đề ấy, các em nhỏ gặp trong đời sống hàng ngày, nhưng cái nhìn trẻ thơ hoàn toàn khác biệt, đã được nhà văn so sánh, đối chiếu khi “cỗ máy thời gian” đưa những đứa trẻ tới tương lai, khi chúng đã trở thành người lớn. Cuộc đời vẫn cứ lạ lùng như thế, trẻ con rất khó hiểu về thế giới của người lớn, nhưng người lớn, từng là trẻ con, cũng quên tuổi thơ cùa mình rất nhanh. Do vậy, giữa trẻ con và người lớn cần lắm sự hiểu nhau, thông cảm cho nhau để lòng nhân ái được chắp cánh.

Tham dự chương trình ký tặng và đọc “Cảm ơn người lớn” khi sách vừa được phát hành vào giữa tháng 11, nhà thơ Nguyễn Thụy Anh, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Đọc sách cùng con cho biết: “Cảm ơn người lớn” vẫn rất Nguyễn Nhật Ánh, đó là sự hài hước, dí dỏm, cái nhìn nhân hậu với cuộc đời. Ban đầu tôi cứ nghĩ chắc hẳn sẽ có một cái gì đó khác lạ, kể về cuộc sống của các nhân vật trong “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ” sau này, nhưng không phải... Theo cảm nhận của tôi đây vẫn là một câu chuyện dành cho trẻ con, và dành cho cả người lớn. Trẻ con trong câu chuyện này rất thú vị, chúng hướng dẫn người lớn cách sống bằng góc nhìn của mình. Tưởng rằng chúng ngây ngô, nhưng thực ra nếu người lớn sống với những triết lý và cách nhìn ấy thì sẽ rất hạnh phúc”.

Thảo Nguyên