Tản mạn

Thầy giáo cũ

- Chủ Nhật, 17/11/2019, 08:11 - Chia sẻ
Ông ngồi đấy, bên bàn làm việc tận phía cuối phòng. Ông ngạc nhiên ngỡ ngàng và bảo: “Ô, chuyện gì thế này, cô từ đâu ra vậy?”. Hệt như hơn 3 năm trước, khi tôi đến chia tay ông sau một tháng hè day dứt, ông cũng nói vậy: “Cô từ đâu ra vậy?”...

1.  Năm ấy, tôi vừa học xong DEA toán, chuyên ngành Hình học và đại số. Tôi rất muốn được tiếp tục làm tiến sĩ với thầy giáo của tôi, nhưng rất lo không được nhận vì lúc đó ông là Viện trưởng Viện Toán Đại học Paris 6 + Paris 7. Vậy mà, ông đã vui vẻ nhận tôi, còn làm giấy tờ xin học bổng cho tôi nữa. Nhưng những tháng cuối hè, tôi đã suy nghĩ, tôi đã quyết định chuyển sang học tin học, một thứ gần như mới mẻ đối với tôi. Từ bỏ điều gì mà không buồn, nhất là khi điều đó gắn với tuổi thơ. Lúc ấy, tôi băn khoăn lắm, biết nói gì đây với thầy giáo tôi, ông sẽ nghĩ như thế nào đây về tôi? Ông là một người rất hài hước nhưng cũng rất nghiêm khắc, ông vẫn thường bảo tôi rằng ông là một “casse-pied” (kẻ chọc phá) mà.

Sau mấy tuần như vậy, tôi đến phòng làm việc của ông vào một buổi chiều. Tôi vẫn nhớ cái ánh sáng rực rỡ cuối hành lang, khi tôi nghĩ rằng chỉ lát nữa thôi mình sẽ quay về với nỗi lòng nặng trĩu.

Nhìn thấy tôi, ông nói: “Ô, thế là cuối cùng cô cũng đã xuất hiện, cô biến mất đi đâu vậy?”. Nghe giọng nói hài hước của ông, tôi càng lúng túng, nhưng chẳng còn cách nào khác hơn là nói thật luôn sự việc. “Thưa thầy, tôi quyết định không học toán nữa mà học tin học”. Sau lúc ngỡ ngàng rất nhanh, ông cười bảo tôi: “Tin học rất hay, rất thú vị, chắc rằng cô sẽ thích nó đấy!”. Tôi nghẹn lời không biết nói gì, và khi ông nhắc lại “phải vậy không?” thì tôi bỗng kể, không ngừng lời, về những ngày còn ở Việt Nam, về những suy nghĩ của tôi về toán và về quyết định của tôi, tự mình tôi thôi, không có ai khuyên bảo, bắt ép gì. Ông nói sẽ viết cho tôi một thư giới thiệu. “Cái đó sẽ cần cho cô đấy! A, mà cô viết lại cho tôi tên của cô đi, đấy, đến bây giờ tôi vẫn không nhớ hết được nó”. 

Trong lúc ông viết, tôi ngồi nhìn lại phòng làm việc của ông, nơi cùng với bạn bè, chúng tôi đã học bao lần, và hiểu rằng sẽ chẳng bao giờ mình còn học như thế nữa, chẳng bao giờ mình còn học toán như thế nữa. Những ý nghĩ dâng lên trong đầu tôi, và tôi cắn chặt môi, cố hết sức để không chảy nước mắt. Viết xong thư, ông nhìn tôi và bảo: “Cô hãy vui lên chứ, cô sẽ thành công, nhất định là thế. Và cô biết phòng làm việc của tôi đây rồi, vậy thì hãy thỉnh thoảng đến đây để kể cho tôi nghe cô học tin học như thế nào nhé!”. Tôi cố gắng nói, thật rõ ràng: “Cám ơn thầy!”. “Ô, không có gì đâu!”. Tôi vội nói: “Không, không phải vì bức thư”. Ông bảo tôi: “Tôi hiểu”. Đến cửa phòng, lần đầu tiên, ông đưa tay bắt tay tôi và bảo: “Cô hãy cố gắng học tin học giỏi nhé! Còn giả sử, chỉ giả sử thôi, nếu có lúc nào cô không muốn học tin học nữa, thì hãy quay về đây, làm toán với tôi”.

2. Ba năm tiếp sau đó, tôi làm tiến sĩ với một thầy giáo khác. Dạo ấy tôi rất ngây ngô, tôi chưa biết mình sẽ làm gì sau tiến sĩ, tôi cũng không biết thầy hướng dẫn có thể giúp mình định hướng. Thế nên tôi đã ngạc nhiên biết bao khi thầy tôi hỏi: “Sau tiến sĩ, cô sẽ làm gì?”. Tôi vui quá vì được quan tâm, tôi nói tôi muốn sang Mỹ vì bạn trai tôi ở đó. Và thầy giáo tôi sau mấy ngày tìm hiểu đã khuyên tôi xin postdoc ở ĐH Michigan, cùng bang với bạn tôi. Thế rồi tôi đã xin được và chỉ còn chờ năm học mới để sang thôi.

Đầu tháng 1 tôi bảo vệ thì tôi thấy hai cô bạn làm giấy tờ để xin Qualification làm MCF (việc xin Maitre de Conferences cũng gần tương tự xin Professeur, đây là các chân giảng dạy và nghiên cứu biên chế vĩnh viễn của nhà nước, ở Pháp). Dạo ấy, tôi cứ nghĩ cái này chẳng bao giờ đến lượt mình, nhất là lại là người nước ngoài (sau tôi mới biết những vị trí này bình đẳng cho mọi người) nên rất thờ ơ. Đi phỏng vấn MCF ở Paris 7, vì không nghĩ là mình được nên tâm lý cũng thoải mái, may mắn nên mọi việc cũng suôn sẻ.

Một tuần sau, đúng vào hôm tôi ốm nằm bẹp nhà, mãi đến khuya mới bật máy tính lên, thì đập ngay vào mắt tôi email của thầy giáo: “Ha Duong, félicitations, tu es classée première à Paris 7” (Hà Dương, chúc mừng, cô được xếp thứ nhất ở Paris 7!).

Trời ơi, trời ơi, tôi không thể tin vào mắt mình nữa! Đúng thật là tôi dụi mắt, tôi dí mắt vào sát màn hình đọc đi đọc lại chữ “première”. Tôi run lên bần bật. Tôi cứ ngẩn ra, người tôi rời ra rã rời, không thể cảm nhận được cảm giác gì nữa. Mãi một lúc tôi vơ lấy điện thoại, gọi về nhà, tôi hét lên: “Bố ơi, con được xếp thứ nhất rồi, ở Paris 7, mẹ ơi, trời ơi là sung sướng...”.

Sáng hôm sau, tôi đến trường. Hè rồi, sân trường vắng tanh. Tôi nghĩ nhất định mình phải nói với ai, phải nói với ai niềm vui kinh khủng này. Và tôi chạy đến phòng làm việc của thầy giáo cũ của tôi, đã hơn ba năm rồi tôi không gặp ông, ông sẽ ngạc nhiên thế nào đây. 

Ôi phòng ông đóng cửa, cả hành lang tầng 3 trống trải! May sao tôi gặp bà thư ký, bà vẫn nhận ra tôi, bà nói phòng ông đã chuyển lên tầng 5 rồi. Tôi đi lên tầng 5, vừa đi vừa hồi hộp vô cùng, không biết ông có nghỉ không, hè rồi, và ông sẽ nói gì nhỉ. Tôi gõ của phòng. “Mời vào”. Tôi mở cửa và bước vào phòng. Ông đang ngồi đấy, bên bàn làm việc tận phía cuối phòng. Ông ngạc nhiên ngỡ ngàng và bảo: “Ô, chuyện gì thế này, cô từ đâu ra vậy?”. Hệt như hơn 3 năm trước, khi tôi đến chia tay ông sau một tháng hè day dứt, ông cũng nói vậy: “Cô từ đâu ra vậy?”.

Và cũng như ba năm trước, tôi không thể giữ được ý nghĩ trong lòng mà bật ra luôn: “Tôi vừa được xếp thứ nhất kỳ thi MCF vào Paris 7”. Ông đứng ngay dậy tiến tới bắt tay tôi và bảo: “Thật là tuyệt vời, tôi đã nói mà, tôi đã luôn tin là cô sẽ thành công mà!”. Tôi cười rạng rỡ: “Vâng, tôi cảm thấy vui kinh khủng!”. Và rồi tôi kể chuyện cho ông, kể về 3 năm học vừa qua, tôi thích vô cùng, tôi có bao nhiêu chuyện để kể. Ông chăm chú lắng nghe, thỉnh thoảng ông lại hơi giễu cợt tôi một chút với vẻ hài hước xưa nay của ông. Tôi vui quá, rồi tôi tạm biệt ông ra về. Nhưng ra đến cửa phòng rồi, không nén được, tôi quay lại và nói:  “Tôi còn một chuyện nữa chưa kể cơ!”. “Ô la la, lại còn gì nữa đây?”. “Tôi sắp về hè rồi, và tôi sẽ lấy chồng”. “Ồ thật là một chuyện vui kinh khủng!”. Và ông nhìn tôi cười: “Và là một tình yêu đẹp kinh khủng phải không?”. “Tất nhiên rồi!”, tôi bật cười. Ông nheo mắt nhìn tôi chăm chú, có nét cười hài hước nhưng thật ấm áp, và nói:  “Tất nhiên là như vậy, làm sao cô có thể có một tình yêu không đẹp kinh khủng cho được! Cô xứng đáng với những điều kinh khủng!”. Rồi ông cười to “C’est le diable !”.  Ông lại nói như khi trên lớp học ngày xưa, lúc tôi hỏi một câu thật khó “c’est le diable” (Thật là quỷ quái).

Tôi đi về và cảm thấy như muốn bay lên với niềm vui trong lòng. Những ngày hè ấy, tôi cảm thấy mình là người hạnh phúc nhất trần gian. Mà không chỉ thế, niềm hạnh phúc này quá lớn. Tôi cảm thấy như hạnh phúc rơi ụp từ trên trời xuống đầu mình, tôi chưa sẵn sàng để đón nhận. Và tôi như được chắp cánh khi nhớ lời thầy giáo tôi: “Cô xứng đáng với những điều kinh khủng”.

Phan Thị Hà Dương