Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có trách nhiệm

Thay đổi từ nhận thức đến thói quen

- Thứ Bảy, 13/04/2019, 09:37 - Chia sẻ
“Cách đây 2 năm, nếu đi dọc những con đường của các trang trại, vườn đồi, các anh chị sẽ thấy rất nhiều vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) vứt bỏ ngay tại nơi pha thuốc hoặc nơi phun thuốc. Nhưng giờ đã khác rồi”. Ông Trần Như Kiên, Giám đốc HTX Phương Nam, đồng thời là nông dân sở hữu 7ha trồng nhãn tại bản Tà Và, xã Lóng Phiêng, huyện Yên Châu, Sơn La cho biết. Đó có lẽ là thành quả lớn nhất sau 2 năm triển khai mô hình sử dụng thuốc BVTV trách nhiệm, an toàn, hiệu quả.

Làm chủ cách sử dụng

Những ngày này nếu về các xã trọng điểm trồng cây ăn quả của huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La như Tú Nang, Chiềng Hặc, Lóng Phiêng… sẽ thấy các thùng chứa vỏ bao bì thuốc BVTV có nắp đậy nằm gọn gàng ở mỗi góc vườn. Toàn bộ rác thải, vỏ gói thuốc BVTV… đều được chuyển đến các thùng thu gom và được xử lý bảo đảm vệ sinh môi trường. Thói quen tưởng chừng đơn giản này đã đem lại lợi ích rất lớn so với việc vứt bừa bãi như trước.

2 năm qua, Croplife Việt Nam phối hợp với Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN - PTNT), UBND tỉnh Sơn La triển khai Chương trình sử dụng thuốc BVTV an toàn, trách nhiệm, hiệu quả tại huyện Yên Châu. Chương trình hỗ trợ các hộ dân xây dựng và lắp đặt 75 bể chứa bao thuốc BVTV sau khi sử dụng, tổng lượng vỏ bao thu gom đạt hơn 200kg mỗi năm. Các lớp tập huấn được tổ chức cho 30 cán bộ và 600 nông dân để nắm rõ quy trình quản lý thuốc BVTV. Qua đó nâng cao năng lực quản lý, phương thức tuyên truyền, hướng dẫn, vận động nhân dân thực hiện đúng nguyên tắc “4 đúng” trong sử dụng thuốc; có trách nhiệm thu gom bao thuốc BVTV.

Ông Trần Như Kiên, Giám đốc HTX Phương Nam cho biết, vài tháng đầu chỉ được 3 - 5% anh em đồng tình, thực hiện với mình “vì người ta thấy quá rườm rà”. Trước đây, pha thuốc xong, chỉ đội mũ, đeo khẩu trang là phun thuốc. Bây giờ, người dân đã thay đổi được thói quen, sử dụng đồ bảo hộ, găng tay, khẩu trang. Trước đây, rất ít người tham gia tập huấn vì “mất thời gian” và nghĩ mình có đủ kinh nghiệm sử dụng thuốc BVTV sau mấy chục năm làm nông. Nhưng khi được tập huấn mới biết, không phải ai cũng biết sử dụng thuốc BVTV đúng cách. “Hai năm nay thì tôi tự tin mình đã làm chủ được cách sử dụng các loại thuốc BVTV rồi”, ông Kiên cho biết.

Có tham gia các hoạt động hướng dẫn sử dụng thuốc BVTV an toàn và hiệu quả, nông dân Nguyễn Văn Hừa (sở hữu 17ha trồng nhãn và xoài tại bản Pha Cúng, xã Lóng Phiêng) mới biết có những kiến thức, kỹ năng về nông nghiệp tưởng chừng “trăm hay không bằng tay quen” thì thực tế, “tay quen” lại không bằng nhận thức đúng, hành động đủ. Việc sử dụng thuốc BVTV, thu gom vỏ bao bì thuốc BVTV sau sử dụng cũng thế. Ông khẳng định, không chỉ ông mà nhiều người dân khác đã bắt đầu biết “chịu trách nhiệm” về chính sức khỏe của mình, vì sao cần mặc quần áo bảo hộ khi phun thuốc. Đặc biệt, biết chịu trách nhiệm với cộng đồng, làng bản khi học cách sử dụng thuốc BTVT đúng liều lượng, làm chủ cách sử dụng, không vứt vỏ thuốc bừa bãi.


Nông dân phun thuốc BVTV cho các diện tích nhãn xuất khẩu ở xã Lóng Phiêng, Yên Châu, Sơn La

Giúp nông sản Việt “có cửa” ra thế giới

“Hẳn nhiều người vẫn nhớ vụ ngộ độc thuốc BVTV khiến hơn 70 người phải nhập viện ở Sơn La năm ngoái. Đó là chuyện đau lòng không ai muốn nhắc lại, nhưng cũng là bài học lớn khiến chúng ta phải nghiêm túc nhìn nhận và “học” cách dùng thuốc BVTV sao cho đúng cách. Chính vì thế, tôi đánh giá cao chương trình sử dụng thuốc BVTV an toàn, trách nhiệm, hiệu quả. Dù thời gian triển khai chưa lâu nhưng đến nay đã có rất nhiều hộ dân nhận thức được sự nguy hại khi lạm dụng hoặc sử dụng không đúng cách thuốc BVTV”.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La Lò Minh Hùng

Ông Hà Văn Hải, trưởng bản Văng Lùng, xã Chiềng Hạc (huyện Yên Châu, Sơn La) cho biết, hiện tại xã có hai hợp tác xã trồng xoài với tổng diện tích gần 40ha được cấp mã số vùng trồng và xuất khẩu sang Australia. Nhờ có chương trình này, ý thức sử dụng và thu gom bao bì thuốc BVTV của nông dân được cải thiện rõ rệt. Đặc biệt, hầu hết nông dân trong bản là người dân tộc thiểu số với trình độ học vấn hạn chế, vì thế việc các cán bộ của Chi cục BVTV cũng như doanh nghiệp đến tận nơi “cầm tay chỉ việc”, hướng dẫn bà con đã mang lại hiệu quả rất cao.

Phó Cục trưởng Cục BVTV Nguyễn Quý Dương khẳng định, việc sử dụng thuốc BVTV có trách nhiệm chỉ là bước đầu cho một dự án dài hơi hơn. Bởi khi các hàng rào thuế quan đang dần được bãi bỏ thì nhiều nước tăng cường lập hàng rào kỹ thuật, trong đó có các yêu cầu về ngưỡng tồn dư tối đa (MRL) đối với nông sản xuất khẩu để bảo vệ sản xuất trong nước. Những yêu cầu này nếu không được hiểu và chấp hành đúng sẽ là cản trở lớn cho nông sản Việt ra thị trường quốc tế. Do vậy, Cục BVTV đang tiến hành cấp mã số vùng trồng nhằm đàm phán mở cửa thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu các trái cây đặc sản của tỉnh Sơn La. Đây mới chính là mục tiêu lâu dài của ngành nông nghiệp mà chúng ta cần hướng tới và nhân rộng ở hầu hết các vùng trồng trái cây trọng điểm của Việt Nam.

Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu I Lê Nhật Thành cho biết, thời gian qua Trung tâm đã tích cực phối hợp với các cơ quan, tỉnh Sơn La cùng với các chuyên gia nước ngoài tiến hành cấp mã số vùng trồng cho quả nhãn, xoài tượng da xanh Đài Loan và các hoạt động xúc tiến thương mại có liên quan phục vụ xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ và Australia. Đồng thời, phối hợp cùng với cơ quan chức năng tuyên truyền, vận động và quán triệt người dân thực hiện theo phương thức canh tác tiên tiến (VietGAP) và xử lý triệt để các yêu cầu của Hoa Kỳ và Australia (đặc biệt là đối với dịch hại và BVTV), nhằm mở rộng diện tích vùng sản xuất đủ tiêu chuẩn để có thể cấp mã số.

Cũng theo Phó Cục trưởng Nguyễn Quý Dương, thời gian tới Cục BVTV tiếp tục khảo sát và đánh giá về các điều kiện để tiến hành cấp mã số vùng trồng khi thị trường địa phương/doanh nghiệp đề nghị. Đẩy mạnh việc phối hợp với các cơ quan chức năng của các địa phương trong tỉnh Sơn La để cấp mới và quản lý các mã số đã cấp. Tiếp tục đề nghị phía Hoa Kỳ xem xét cấp các mã số IRADS từ mã số PUC đã được Cục BVTV cấp cho các vùng trồng nhãn. Có kế hoạch xuất khẩu trái cây từ các vườn đã được cấp mã số vùng trồng, tạo điều kiện cho nông dân yên tâm sản xuất nông nghiệp vươn lên làm giàu ở địa phương. 

Chi An