Thay đổi tư duy về vốn đầu tư nước ngoài

- Thứ Tư, 30/01/2019, 08:15 - Chia sẻ
Tại cuộc làm việc với TP Hà Nội về việc thu hút và sử dụng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) sáng 29.1, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu Hà Nội phải thay đổi tư duy về FDI. Theo đó, chuyển từ giai đoạn tăng cường thu hút, sử dụng nguồn vốn này, sang hợp tác đầu tư, phát triển.

Có tình trạng đầu tư “chui”

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cho biết, thu hút FDI của Hà Nội 3 năm qua có nhiều khởi sắc do thành phố đã xác định rõ các dự án còn vướng mắc để cùng nhà đầu tư tháo gỡ, tạo điều kiện cho các dự án có thể mở rộng. Về kêu gọi đầu tư vào các dự án mới, thành phố chủ động trao đổi sớm với các nhà đầu tư qua nhiều kênh khác nhau, tiếp xúc trực tiếp với lãnh đạo cấp cao của đối tác; nắm bắt xu thế phát triển của các ngành nghề để định hướng thu hút; tập trung giải quyết thủ tục hành chính qua mô hình “một cửa”... Hàng năm, Hà Nội đều tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư. Tại đây, thành phố thể hiện mong muốn hợp tác với các nhà đầu tư như một đối tác tin cậy và sẵn sàng tạo điều kiện tốt nhất để hai bên hợp tác bình đẳng, hiệu quả.

Theo Báo cáo của UBND TP Hà Nội, tính đến hết ngày 31.12.2018, Hà Nội có gần 4.500 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký 36,6 tỷ USD. Riêng năm 2018, thu hút FDI đạt 7,5 tỷ USD, lần đầu tiên đứng đầu cả nước sau hơn 30 năm mở cửa và hội nhập; vốn thực hiện đã giải ngân lũy kế đạt khoảng 18,9 tỷ USD, chiếm 52,5% tổng vốn đăng ký. Lĩnh vực thu hút FDI lớn nhất là bất động sản và công nghiệp chế biến chế tạo. Nhật Bản là quốc gia đứng đầu về quy mô vốn đầu tư với khoảng 10,2 tỷ USD; tiếp đến là Singapore với khoảng 6 tỷ USD. Quy mô vốn đầu tư đăng ký trung bình một dự án là 7,6 triệu USD.

Trong giai đoạn đầu (1989 - 2005), khi nguồn vốn đầu tư trong nước hạn chế thì FDI là kênh thu hút vốn quan trọng trong tổng vốn đầu tư xã hội, trung bình chiếm đến 25,3%; giai đoạn 2006 - 2015 là 12,3% và hiện nay khoảng 9,9% (trung bình toàn quốc là 20%), góp phần duy trì mức tăng trưởng GRDP cao, tăng trung bình trên 10% nguồn thu cho ngân sách nhà nước của thành phố. Các doanh nghiệp FDI cũng đã thực hiện chuyển giao công nghệ ở một số ngành, lĩnh vực như ô tô, hóa chất, quản lý khách sạn, y tế, giáo dục.

Tuy nhiên, Hà Nội vẫn gặp nhiều vướng mắc trong thu hút và sử dụng nguồn vốn này khi thiếu chiến lược/quy hoạch từ phía các bộ, ngành, Trung ương. Quy mô vốn đầu tư các dự án FDI còn nhỏ, nguồn vốn chủ sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài thấp. Hiện tượng giao dịch liên kết, chuyển giá, người nước ngoài đầu tư “chui”, đầu tư “núp bóng” vẫn tồn tại. Dự án công nghệ cao và hoạt động chuyển giao công nghệ chưa nhiều, chưa thể hiện các hiệu ứng, kết quả rõ nét. Tỷ lệ doanh nghiệp đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (R&D) còn ít.

Tạo môi trường giữ chân nhà đầu tư

 Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, dư nợ vay nợ nước ngoài vốn FDI của Hà Nội là 1,82 tỷ USD, chiếm 7,4% dư nợ của cả nước. Trong Luật Đầu tư không quy định nhóm, vốn đầu tư nên trong thực tế nhiều dự án được cấp phép không rõ bao nhiêu nguồn vốn của doanh nghiệp, bao nhiêu vốn vay. Điều này gây khó cho Ngân hàng Nhà nước trong xem xét các khoản vay nợ nước ngoài của khu vực FDI. Ngân hàng Nhà nước đang dự thảo thông tư để quản lý nợ nước ngoài tự vay, tự trả của doanh nghiệp, trong đó có FDI, dự tính đưa ra quy định vốn vay trên vốn thực tế ở mức độ nhất định.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đề xuất xây dựng mô hình “thành phố công nghiệp” tích hợp các dịch vụ phụ trợ để phục vụ người lao động, nhất là nhân lực chất lượng cao. Ông cho rằng, việc thu hút đầu tư công nghệ cao phải đi đôi với cơ chế, chính sách về nguồn nhân lực; tiêu chuẩn chất lượng; chính sách chuyển giao công nghệ; hỗ trợ về giá, chính sách ưu đãi về hạ tầng đối với ngành, nghề sử dụng công nghệ cao... Về lâu dài, cần quy hoạch vùng kinh tế để thu hút các nhóm nhà đầu tư nước ngoài khác nhau. Các địa phương cũng cần chủ động hợp tác để tham gia vào các chuỗi hàng hóa toàn cầu; chủ động nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tạo điều kiện hoạt động cho các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài; có chiến lược xây dựng các ngành công nghiệp phụ trợ.

Gom lại các vấn đề thu được sau buổi khảo sát, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ ghi nhận TP Hà Nội đã thành công trong thu hút FDI. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội và tốc độ huy động vốn FDI của Hà Nội tăng về số tuyệt đối nhưng tỷ trọng lại theo xu hướng giảm xuống, ngược chiều với các địa phương khác. Theo Phó Thủ tướng: “Việc giảm này cần phân tích, đánh giá kỹ, đôi khi là tốt, chứng tỏ khu vực kinh tế trong nước mạnh lên, tránh lệ thuộc quá nhiều vào FDI”.

Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, một số quốc gia GDP tăng trưởng cao, tỷ trọng khu vực FDI rất lớn nhưng lợi ích của quốc gia rất thấp, nhất là vấn đề đóng góp cho ngân sách nhà nước. Bên cạnh việc tạo điều kiện cho nhà đầu tư có lợi ích khi vào Việt Nam thì cũng cần phải bảo đảm lợi ích cho đất nước và cho người lao động. “Tổng thể vẫn là lợi ích về kinh tế - xã hội, môi trường, chất lượng cuộc sống và thu nhập của người lao động. Phân tích, đánh giá vấn đề này là quan trọng chứ không phải số vốn bao nhiêu, giải ngân bao nhiêu”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Trong bối cảnh mới, cơ hội lớn và thách thức cũng không nhỏ, Phó Thủ tướng cho rằng Hà Nội cần đổi mới tư duy trong xây dựng và thực hiện các chính sách liên quan đến thu hút, sử dụng vốn FDI. “Nếu vẫn tư duy cũ, thu hút bằng mọi cách là rất khó. Phải chuyển sang từ giai đoạn tăng cường thu hút, sử dụng FDI sang giai đoạn hợp tác đầu tư, phát triển, coi nhà đầu tư như đối tác hợp tác toàn diện, có thái độ cầu thị, trân trọng, văn hóa”. Đề cập đến việc nhiều nhà đầu tư nước ngoài không muốn về nước, muốn ở lại Việt Nam, Phó Thủ tướng cho rằng, để giữ chân nhà đầu tư phải tạo lập môi trường đáng sống, đáng đầu tư, giữ nét văn hóa Việt Nam, con người Việt Nam, hướng tới xây dựng mô hình khu công nghiệp gắn kết với đô thị, nhà đầu tư làm việc và sống tại chỗ. Trong xúc tiến đầu tư phải chú trọng đến yếu tố dài hạn, nắm bắt nhu cầu của thế giới, chuyển từ chiều rộng sang chiều sâu, từ số lượng sang chất lượng, có trọng điểm.

Thành Nam