Thay đổi tư duy

- Chủ Nhật, 28/06/2020, 17:03 - Chia sẻ
12 quả vải thiều tươi đóng gói trong hộp giấy có lót vải lụa vàng đang được bán ở các siêu thị Nhật Bản với giá hơn 3.000 yên, tương đương 650 nghìn đồng. Một loại khác đựng trong hộp nhựa 200gr có giá 540 yên, tính ra 1kg trị giá khoảng 585 nghìn đồng. Trong khi đó, giá vải thiều tươi trong nước dao động 35 - 50 nghìn đồng/kg tùy loại.

Mọi sự so sánh tất nhiên đều khập khiễng. Để được “lên máy bay” sang Nhật, những quả vải kia đã trải qua một hành trình kiểm dịch đầy khắt khe của thị trường khó tính “có tiếng”. Đầu tiên, vải phải được trồng tại các vườn được Cục Bảo vệ thực vật kiểm tra, giám sát và cấp mã số vùng trồng, đáp ứng quy định về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm của Nhật Bản. Trước khi xuất khẩu, vải phải được đóng gói và xử lý xông hơi khử trùng bằng Methyl Bromide tại các cơ sở được Cục Bảo vệ thực vật và Bộ Nông lâm ngư nghiệp Nhật công nhận, liều lượng tối thiểu là 32g/m3 trong thời gian 2 giờ, dưới sự giám sát của cán bộ kiểm dịch thực vật Việt Nam và Nhật Bản. Ngoài ra, các lô hàng phải kèm theo Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật do Cục Bảo vệ thực vật cấp.

Vải thiều sang Nhật; xoài, thanh long, chôm chôm, nhãn, vải, vú sữa sang Mỹ; xoài, nhãn, vải, thanh long sang Australia… - những câu chuyện thành công ấy chứng tỏ trái cây nói riêng, nông sản Việt nói chung có đủ chất lượng để hướng đến các thị trường cao cấp và ổn định. Chỉ tiếc rằng các “điển hình” còn quá ít. Những căn bệnh cố hữu như chất lượng bấp bênh; hệ thống thu gom, bảo quản và vận chuyển chưa hoàn thiện; công nghệ chế biến yếu; hay quên những “tiểu tiết” quan trọng... khiến cho cánh cửa vào thị trường cứ mở rồi lại đóng.

Theo ước tính, chỉ có 5% nông sản xuất khẩu Việt Nam đạt tiêu chuẩn kỹ thuật quốc tế và xuất khẩu chính ngạch vào các thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc… Số còn lại phần lớn xuất khẩu tiểu ngạch vào thị trường Trung Quốc. Cách đây vài ngày, Hải quan Campuchia cũng ra thông báo quyết định cấm nhập khẩu 6 loại rau quả (bắp cải, bông cải xanh, đậu bắp, chanh, bí ngô và hẹ) từ Việt Nam do có dấu hiệu nhiễm thuốc trừ sâu, gây hại sức khỏe người tiêu dùng. Không phải nước ta thiếu tiêu chuẩn chất lượng nông sản hoặc những tiêu chuẩn ấy chưa “đủ độ”. Trong một hội thảo chia sẻ kinh nghiệm đưa hàng vào Nhật Bản, đại diện của Aeon Topvalu Việt Nam cho rằng ở Việt Nam có những quy định còn khắt khe hơn Nhật nhưng hàng hóa vẫn bị phát hiện không đạt yêu cầu và câu chuyện thực ra nằm ở việc thực thi.

Chỉ còn ít ngày nữa, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) chính thức có hiệu lực và điều này sẽ góp phần quan trọng tạo cú hích lớn để thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vào EU, trong đó có nông sản. Thuế nhập khẩu giảm sẽ giúp trái cây, rau củ Việt Nam có cơ hội cạnh tranh về giá so với hàng Thái Lan, Trung Quốc vào châu Âu. Nhưng giảm thuế không phải là tất cả. Câu chuyện quan trọng hơn vẫn là đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe để tận dụng được hiệp định. Các nước châu Âu quy định khắt khe về dư lượng hóa chất trong sản phẩm, thậm chí, có nước còn quy định về số lượng hóa chất sử dụng trong trồng trọt. Nếu vượt số lượng hóa chất mà chưa vượt ngưỡng dư lượng cũng không được nhập vào.

EVFTA có hiệu lực và diễn biến xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc trong dịch Covid-19 một lần nữa đòi hỏi từ người nông dân đến doanh nghiệp kinh doanh nông sản, trái cây của Việt Nam phải nhanh chóng thay đổi tư duy sản xuất. Tiếp tục nuôi trồng theo cách truyền thống, đắt - rẻ nhờ vào sự may rủi của biến động thị trường, bị động chờ thương lái thu mua, bán tiểu ngạch sang Trung Quốc; hay chủ động tuân thủ các tiêu chuẩn như VietGAP, GlobalGAP để hướng đến các thị trường phân khúc cao hơn, ổn định hơn - đó hoàn toàn là lựa chọn của các hộ nông dân và doanh nghiệp.  

Hà Lan