Đức công bố chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương

Thay đổi tư duy đối ngoại chiến lược

- Thứ Ba, 15/09/2020, 06:39 - Chia sẻ
Mối quan tâm trước kia của Berlin với thế giới, đặc biệt với châu Á là kinh tế và thương mại. Nhưng giờ đây gã khổng lồ châu Âu quan tâm nhiều hơn đến vấn đề địa chính trị. Điều này được thể hiện qua việc công bố Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, được đánh giá là một bước ngoặt trong chính sách đối ngoại của quốc gia này.

Cường quốc thức tỉnh

Theo The Diplomat, chiến lược của Đức có tên gọi "Định hướng đối với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương" (dài 40 trang), biến Đức trở thành quốc gia thứ hai ở châu Âu (sau Pháp) thông qua chính sách này.

Chính phủ Đức cho rằng trong thế kỷ XXI, các lực lượng kinh tế và chính trị ngày càng chuyển dịch về phía Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Trung Quốc, Nhật Bản và Mỹ - ba nền kinh tế lớn nhất thế giới - là các quốc gia Thái Bình Dương, trong khi 20/33 siêu đô thị trên thế giới cũng nằm trong khu vực và có vai trò quan trọng trong việc định hình trật tự quốc tế.

Nguồn Reuters

Với chiến lược cho khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, Chính phủ Đức muốn định hình các chính sách thông qua việc nêu bật lợi ích, nguyên tắc, sáng kiến trong các lĩnh vực hành động chính cũng như những đề xuất với các đối tác trong khu vực.

Chính phủ Đức coi định hướng nêu trên là cơ sở nền tảng cho một chiến lược của Liên minh châu Âu (EU) trong tương lai. Berlin chủ trương đa dạng hóa mối quan hệ của mình cả về mặt địa lý cũng như trong các lĩnh vực; đẩy mạnh quan hệ với các nước ASEAN, Australia và Ấn Độ, như ký kết thêm các thỏa thuận thương mại tự do (FTA).

Theo người đứng đầu ngành ngoại giao Đức, sự ổn định trong khu vực rất quan trọng về mặt kinh tế đối với nước này. Do thương mại quốc tế chiếm tỷ trọng lớn trong tổng nền kinh tế, nên sự thịnh vượng của Đức phụ thuộc trực tiếp vào tự do thương mại và tự do các tuyến hàng hải mà phần lớn dẫn qua Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Việc Đức công bố chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương có thể coi là một cột mốc cực lớn về chính sách đối ngoại của nước Đức nói riêng và châu Âu nói chung. Điều này khẳng định thực tế đã được định hình từ 2 năm qua tại châu Âu, đó là Đức đang thức tỉnh trong vai trò của một cường quốc địa chính trị, chứ không còn đơn thuần là một cường quốc kinh tế.

Trong suốt một thập kỷ qua, Đức thường giữ đường lối đối ngoại quốc phòng khá kín tiếng, ít khi chủ động can dự và gánh vác trách nhiệm trong các vấn đề quốc tế. Ưu tiên lớn nhất của các đời Chính phủ Đức nhiều năm qua là ngoại giao kinh tế, mở rộng giao thương để phục vụ nhu cầu xuất khẩu của Đức. Đức là cường quốc kinh tế số 1 châu Âu, thứ 4 thế giới và là cường quốc xuất khẩu hàng đầu thế giới. Nói cách khác, trong nhiều năm, Đức không nuôi dưỡng tham vọng chính trị lớn tương xứng với sức mạnh kinh tế của mình.

Tuy nhiên, trong 2 - 3 năm gần đây, tư duy đối ngoại của Đức đã thay đổi rõ rệt. Điều này một phần bắt nguồn từ sự rạn nứt nghiêm trọng trong mối quan hệ đồng minh truyền thống giữa Mỹ với các nước châu Âu, đặc biệt là Đức. Chính quyền của Tổng thống Donald Trump trong mấy năm qua rất nhiều lần chỉ trích Đức đóng góp ít ngân sách quốc phòng cho NATO, đe dọa chiến tranh thương mại với Đức do thặng dư thương mại của Đức với Mỹ quá lớn, mới nhất là việc Mỹ rút hơn 10.000 quân đồn trú khỏi Đức…

Tất cả những điều này khiến các chính trị gia Đức nhận ra rằng, trật tự cũ đang rạn nứt, nước Đức không còn có thể dựa dẫm quá nhiều vào Mỹ và đã đến lúc Đức phải đứng lên gánh vác các nghĩa vụ chính trị lớn hơn, vì lợi ích của châu Âu và của chính mình. Điều này giải thích cho việc Chính phủ Đức đã sát cánh cùng Pháp tiến hành các dự án quốc phòng chung như phát triển máy bay chiến đấu và xe tăng thế hệ mới, đẩy mạnh độc lập về an ninh của châu Âu, giảm phụ thuộc vào Mỹ.

Cứng rắn hơn với Trung Quốc

Không chỉ là sự thay đổi ưu tiên ngoại giao dựa trên cân nhắc những lợi ích rõ ràng của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, Đức còn hướng đến mục tiêu khác - Trung Quốc. Vì thế, Đức chọn thông báo kế hoạch triển khai chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương chỉ một ngày sau khi Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị kết thúc chuyến thăm châu Âu vào tuần trước. Điều này báo hiệu rằng, mối quan hệ Berlin - Bắc Kinh từ lâu vốn tập trung vào kinh tế và thương mại, thời gian tới nhiều khả năng sẽ bao gồm cả địa chính trị.

Mỹ là quốc gia đầu tiên triển khai chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vào năm 2017, thúc đẩy khái niệm "vì một khu vực tự do và cởi mở" để kiểm soát ảnh hưởng quân sự và kinh tế gia tăng của Trung Quốc. Pháp là quốc gia châu Âu đầu tiên tiến hành nước đi tương tự vào tháng 5.2019, với mục tiêu trở thành một cường quốc hòa giải trong khu vực. Hiện tại, Đức - đối tác kinh tế lớn nhất của Trung Quốc ở châu Âu, đã trở thành quốc gia thứ hai tại lục địa này phát tín hiệu về mối quan tâm đặc biệt của họ đối với Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Giới chính trị Đức cho rằng, Trung Quốc dù là đối tác kinh tế quan trọng nhất với Đức nhưng lại là đối thủ khác biệt về bản chất, mô hình phát triển và Trung Quốc cũng đe dọa phá vỡ sự ổn định của châu Âu. Do đó, để không bị kẹt lại trong cuộc chiến giữa Mỹ và Trung Quốc, Đức cũng như nhiều nước châu Âu ý thức được rằng châu Âu phải trưởng thành về địa chính trị, phải đứng ra đương đầu với thách thức để giữ vững vai trò của mình. Tất cả tạo nên sự thay đổi trong tư duy đối ngoại của Đức và việc Đức ra hướng dẫn chính sách về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nằm trong lộ trình đó.

Mô tả Trung Quốc là một cường quốc khu vực và thế giới đang trỗi dậy khiến các quy tắc về trật tự thế giới bị thách thức, chiến lược của Đức nhấn mạnh tầm quan trọng của nỗ lực tăng cường hợp tác an ninh và đa dạng hóa quan hệ kinh tế với các nước trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương để tránh tình trạng "phụ thuộc đơn phương".

Chiến lược mới cũng cho biết Đức sẽ tìm kiếm hợp tác quốc phòng, an ninh mạng, kỹ thuật số 5G với Singapore, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, và với "các quốc gia đối tác".

Chuyên gia Cui Hongjian, Viện Nghiên cứu Quốc tế của Trung Quốc (CIIS) cũng đồng ý rằng, Đức đang nhìn xa hơn lợi ích thương mại của mình. “Về kinh tế và thương mại, Đức đã hướng tới việc "tránh để tất cả trứng vào một giỏ". Điều mới là sau quãng thời gian quan sát và do dự, Đức triển khai chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương để lên tiếng về các điểm nóng an ninh trong khu vực, đặc biệt là biển Đông. Động thái này được tiến hành sau quá trình “cân nhắc chính trị và an ninh”, đặc biệt là căng thẳng Mỹ - Trung và Ấn - Trung.

Chiến lược nêu rõ Đức ủng hộ bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông mang tính ràng buộc giữa Trung Quốc và các nước ASEAN. Giới phân tích cho rằng, lập trường này có thể được tiếp thêm động lực thời gian tới, bởi Berlin đang tìm cách hợp tác với Paris để xây dựng chiến lược của châu Âu ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Đạt Quốc