Chương trình phối hợp với Cục Quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản:

Thay đổi thói quen sử dụng thực phẩm

- Thứ Năm, 15/11/2018, 08:09 - Chia sẻ
Tại Hội thảo “Từ ăn sạch đến sống xanh” do Hội Liên hiệp Phụ nữ TP Hồ Chí Minh vừa tổ chức mới đây, không ít chuyên gia cho rằng, việc lựa chọn thực phẩm sạch ngày nay đã và đang là điều tất yếu để bảo vệ sức khỏe của mỗi gia đình, đặc biệt là khi hệ thống phân phối hiện đại như siêu thị, cửa hàng tiện lợi đang dần có mặt ở khắp mọi nơi. Điều quan trọng là không phải ai cũng có thể dễ dàng tiếp cận và chịu thay đổi thói quen sử dụng thực phẩm sạch.

Tăng độ phủ sóng các siêu thị

Nhằm bảo đảm ATTP dịp Tết Nguyên đán 2019, Ban quản lý ATTP TP Hồ Chí Minh cho biết, sẽ thành lập 12 đoàn để kiểm tra việc thực hiện các quy định về ATTP với các cơ sở sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh thực phẩm, phụ gia thực phẩm, cơ sở chế biến, kinh doanh dịch vụ ăn uống. Trong đó, các đoàn sẽ chú trọng kiểm tra nơi cung cấp thực phẩm quy mô lớn, các cơ sở nhập khẩu thực phẩm, các chợ đầu mối, trung tâm thương mại...

Phó Giám đốc Sở Công thương TP Hồ Chí Minh Nguyễn Huỳnh Trang cho biết, là trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước, TP Hồ Chí Minh không chỉ tiêu thụ hàng hóa sản xuất trên địa bàn mà còn tiêu thụ và là trạm trung chuyển một lượng rất lớn hàng hóa sản xuất từ các tỉnh, thành phố khác, đặc biệt là phía Nam. Cũng vì thế, thành phố đang sở hữu hệ thống phân phối lớn nhất nước với 204 siêu thị, 44 trung tâm thương mại, 2.300 cửa hàng tiện lợi, 3 chợ đầu mối, 239 chợ truyền thống và gần 250 chợ tự phát.

Khẳng định hệ thống phân phối hiện đại mới là kênh định hướng và giải quyết tốt nhất việc đưa hàng hóa sạch, đầy đủ thông tin về xuất xứ, nhãn mác, bảo đảm tiêu chuẩn chung của Nhà nước đến tay người tiêu dùng, đại diện Sở Công thương cho biết thêm, từ nay đến năm 2025, sẽ phát triển hơn 2.000 cửa hàng tiện lợi, gần 50 siêu thị trên địa bàn thành phố. Sở sẽ hỗ trợ các nhà phân phối bán lẻ trong và ngoài nước, đẩy mạnh phát triển các kênh phân phối hiện đại, đưa sản phẩm sạch, sản phẩm tươi sống đến từng gia đình.

Phó Tổng Giám đốc phụ trách chuỗi cửa hàng VinMart+ và VinMart Nguyễn Thị Hồng cho rằng, để mang đến khách hàng sản phẩm thực sự sạch và an toàn, chuỗi bán lẻ đóng vai trò hết sức quan trọng. Phải có điểm bán gần, tiện lợi, chất lượng thì người tiêu dùng mới dễ dàng thay đổi thói quen, mua được thực phẩm an toàn. Hiện đã có hơn 1.600 cửa hàng VinMart+ bao phủ toàn thành phố, là chuỗi bán lẻ lớn nhất Việt Nam. Thực phẩm bày bán trong VinMart và VinMart+ đều được thử nghiệm khách quan và kiểm soát nghiêm ngặt về chất lượng. 

Trưởng ban Quản lý An toàn thực phẩm (ATTP) TP Hồ Chí Minh Phạm Khánh Phong Lan phân tích, thị trường là cuộc cạnh tranh khốc liệt, để tồn tại, các doanh nghiệp bán lẻ đã mở cửa hàng tiện ích gần ngay khu dân cư, chấp nhận cạnh tranh với chợ truyền thống. Trong bối cảnh này, chợ truyền thống buộc phải cạnh tranh bằng chất lượng để giữ được khách. Bản thân cửa hàng tiện lợi cũng chấp nhận mạo hiểm vì đối tượng chủ yếu của chợ truyền thống là khách quen nên buộc phải thu hút khách bằng sự đa dạng và chất lượng của sản phẩm.

Đồng tình với quan điểm đó, Phó Giám đốc Trung tâm dinh dưỡng, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh Phan Thanh Tâm cho rằng, người tiêu dùng nên chọn nhà cung cấp uy tín thông qua các kênh bán hàng hiện đại, có điều kiện bảo quản, vệ sinh tốt; thực phẩm được chứng nhận, có bao bì, nguồn gốc và thông tin nhà sản xuất.


Thay đổi thói quen sử dụng thực phẩm  
Nguồn: ITN

Thấy rõ vai trò của phụ nữ

Cùng với việc phát triển những kênh bán hàng hiện đại, trong cuộc chiến với thực phẩm bẩn, không thể thiếu vai trò của người tiêu dùng, đặc biệt là phụ nữ. Theo Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ TP Hồ Chí Minh Trần Thị Huyền Thanh, phụ nữ là một trong những nhân tố quan trọng trong việc bảo đảm vệ sinh ATTP.

“Các buổi tuyên truyền của hội thường hướng tới đối tượng trọng tâm là phụ nữ để đưa ra những khuyến nghị đúng và chính xác về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm” -  bà Trần Thị Huyền Thanh cho biết.

Đồng tình với quan điểm đó, Trưởng ban Quản lý ATTP TP Hồ Chí Minh Phạm Khánh Phong Lan khẳng định, phụ nữ là người quyết định chính trong phong trào ăn sạch, sống xanh. Do đó, lựa chọn thực phẩm sạch như thế nào tùy thuộc vào bản lĩnh của người phụ nữ. Sắp tới, Ban sẽ đồng hành với Hội Liên hiệp Phụ nữ TP Hồ Chí Minh tiếp tục truyền nâng cao nhận thức của người dân, đặc biệt là phụ nữ về vấn đề ATTP vì sức khỏe của cộng đồng.

Trong tình trạng các chợ truyền thống chiếm đến 70% doanh thu ngành bán lẻ, đại diện Sở Công thương TP Hồ Chí Minh khuyến nghị, chị em nên ưu tiên đến các siêu thị để yên tâm mua hàng chất lượng. Nếu bắt buộc phải đến chợ truyền thống, nên mua thực phẩm được bày bán trong nhà lồng chợ, nơi đã được Ban quản lý chợ bảo đảm nguồn gốc hàng hóa. Tuy nhiên, muốn mua được thực phẩm chất lượng và sạch, phải chấp nhận trả chi phí hợp lý cho các loại thực phẩm đó.

Cần sự tham gia của Nhà nước

Nhiều chuyên gia cho rằng, người tiêu dùng dù thông thái tới đâu cũng không phát hiện hết được thực phẩm kém chất lượng. Để có nguồn thực phẩm sạch, an toàn cho xã hội cần có sự tham gia của Nhà nước.

Đại diện Ban Quản lý ATTP TP Hồ Chí Minh cho biết, đang có kế hoạch, phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, trước mắt yêu cầu toàn bộ trường học trên địa bàn chỉ được lấy nguồn thực phẩm an toàn, những thực phẩm đạt chuẩn, đạt chuỗi và có giám sát. Đối tượng tiếp theo là các nhà hàng, khách sạn hạng sang và tiếp đến sẽ mở rộng đối tượng, để thực phẩm sạch phủ khắp thành phố. Bên cạnh đó, sẽ quyết liệt hơn trong việc thanh tra, kiểm tra ATTP, đặc biệt với sự ra đời của Nghị định 115/2018 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực ATTP, mức xử phạt sẽ tăng nặng hơn trước.

Nhiều chuyên gia cho rằng, cơ quan quản lý nhà nước cần phải đánh giá nguy cơ, kiểm tra đột xuất hoặc định kỳ. Bằng mắt thường chỉ phân biệt trường thịt ôi thiu, còn có những loại nhìn bắt mắt nhưng chứa hóa chất thì cần phải kiểm nghiệm. Nếu doanh nghiệp làm sai sẽ bị xử lý và công khai thông tin trên trang thông tin điện tử.

Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao Vũ Kim Hạnh cho rằng, cùng với vai trò của Nhà nước, các nhà bán lẻ phải kiểm tra nghiêm ngặt chất lượng hàng hóa trước khi đưa vào hệ thống siêu thị. Hội đang chủ trì nhiều chương trình kiểm tra và nâng cao chất lượng thực phẩm trên địa bàn thành phố. Tiêu chí thực hiện sẽ hướng theo nhiều nước trên thế giới, đó là nhà bán lẻ phải chịu trách nhiệm cao nhất trong việc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. 

Trang Lê