Thay đổi theo xu thế hội nhập

- Thứ Sáu, 20/09/2019, 08:11 - Chia sẻ
Việt Nam với nguồn lao động trẻ dồi dào sẽ là cơ hội để các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) đào tạo lực lượng lao động chất lượng cao. Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu thị trường lao động trong vào ngoài nước trong bối cảnh cuộc Cách mạng 4.0, đòi hỏi phải có những thay đổi về cơ chế, chính sách, phương pháp đào tạo… và cả đội ngũ giáo viên, theo xu thế hội nhập.

Người lao động phải có giấy phép hành nghề

Chính phủ cần quy định người lao động qua đào tạo ở tất cả các ngành, nghề khi tham gia vào thị trường lao động phải có giấy phép hành nghề do các quan kiểm định chất lượng được Nhà nước cho phép cấp; quy định với tất cả các cơ quan, đơn vị, cơ sở khi tuyển dụng lao động có giấy phép hành nghề phải sử dụng đúng những quy định trong giấy phép và có quyền đề nghị cơ quan có thẩm quyền phạt, hoặc thu giấy phép hoạt động của cơ sở kiểm định chất lượng nếu phát hiện thấy việc xác nhận không đúng với năng lực của người lao động được ghi trong giấy phép, hoặc có tiêu cực trong quá trình thực hiện kiểm định chất lượng.

Việc Chính phủ quy định bắt buộc người lao động qua đào tạo phải có giấy phép hành nghề, nhằm kiểm định chất lượng của các cơ sở đào tạo, đồng thời bảo đảm quyền lợi và nghĩa vụ của người lao động và người sử dụng lao động khi tham gia thị trường lao động. Quyền sử dụng lao động thuộc về các cơ sở sử dụng lao động, nếu cơ quan kiểm định chất lượng mà cơ sở sử dụng lao động không tuyển những lao động có giấy phép hành nghề do mình cấp, chứng tỏ không đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động, mà cao hơn nữa là nếu cơ sở sử dụng lao động tuyển lao động có giấy phép hành nghề phát hiện lao động không có năng lực đúng như ghi trong giấy phép hành nghề thì có quyền đề nghị cơ quan có thẩm quyền phạt, hoặc thu giấy phép của cơ quan kiểm định chất lượng đó. Như vậy cơ quan kiểm định chất lượng cũng phải thực hiện rất nghiêm túc việc kiểm định và cấp giấy phép hành nghề.

TS. Nguyễn Đắc Hưng
Vụ trưởng Vụ Giáo dục và Đào tạo, Dạy nghề,
Ban Tuyên Giáo Trung ương

Tăng tính tự chủ cho cơ sở giáo dục nghề nghiệp

Theo thống kê, dự báo đến năm 2025 Việt Nam có khoảng 78 triệu người lao động từ 15 tuổi trở lên. Đây là nguồn nhân lực dồi dào để các cơ sở GDNN đào tạo ra lực lượng lao động có tay nghề và kỹ thuật cao, sẵn sàng phục vụ nền kinh tế nước nhà trong thời kỳ hội nhập và đáp ứng thời đại công nghệ 4.0. Để đáp ứng thị trường lao động kỹ thuật và sẵn sàng hội nhập thì chất lượng GDNN phải được chú trọng quan tâm hơn nữa. Trong đó, cần thực hiện một số giải pháp như: Tăng cường tính tự chủ cho các cơ sở GDNN, tự chủ thu chi tài chính, tự chủ mua sắm trang thiết bị giảng dạy học tập, tự chủ việc mở ngành đào tạo trong khuôn khổ luật pháp cho phép. Nhà nước cần đầu tư có trọng điểm đối với các cơ sở GDNN uy tín và đào tạo có chất lượng thời gian qua, tiến đến hình thành cơ sở GDNN chất lượng cao theo khu vực và vùng miền.


Thực hành lọc hóa dầu tại Trường Cao đẳng Kỹ nghệ Dung Quất
Ảnh: Thái Bình

Các cơ sở GDNN tăng cường mối quan hệ hợp tác với địa phương, gắn kết đào tạo với thực tế thông qua doanh nghiệp, tăng cường hợp tác với các đối tác nước ngoài nhằm tiếp cận và chuyển giao công nghệ kỹ thuật từ các nước phát triển, qua đó giúp cơ sở GDNN có điều kiện đào tạo nguồn nhân lực cao. Đặc biệt các trường đại học thuộc khối sư phạm kỹ thuật phải nêu cao vai trò trong việc đào tạo đội ngũ nhà giáo GDNN, phải tiên phong đổi mới chương trình đào tạo theo xu thế hội nhập quốc tế.

Đại diện Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long

Đề nghị bổ sung mã ngành đào tạo nhà giáo giáo dục nghề nghiệp

Bảo đảm chất lượng GDNN trong bối cảnh hội nhập quốc tế là một trong những nội dung chiến lược phát triển GDNN trong giai đoạn trước mắt cũng như lâu dài. Mục tiêu của bảo đảm chất lượng là bảo đảm người học có kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp, năng lực tự chủ để khi tốt nghiệp sẵn sàng tham gia và đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động.

Đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành thông tư bổ sung mã ngành đào tạo nhà giáo GDNN. Hiện tại theo Thông tư số 24/2017/TT-BGDĐT về ban hành Danh mục giáo dục, đào tạo cấp IV trình độ đại học chưa có mã ngành đào tạo nhà giáo trình độ đại học cho hệ thống GDNN. Chúng tôi kiến nghị mã ngành đào tạo nhà giáo giáo dục nghề nghiệp trình độ đại học là 7149001: Sư phạm Giáo dục nghề nghiệp. Đề xuất này phù hợp với Quyết định số 01/2017/QĐ-TTg ngày 17.1.2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Danh mục giáo dục, đào tạo của hệ thống giáo dục quốc dân.

Đại diện Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Nam Định

PV lược ghi