Nâng cao chất lượng tổng hợp, đôn đốc việc giải quyết kiến nghị của cử tri

Thay đổi nhận thức về trách nhiệm của đại biểu

- Thứ Sáu, 29/05/2020, 06:50 - Chia sẻ
Việc đôn đốc giải quyết kiến nghị của cử tri thông thường và hiện tại do Thường trực HĐND thực hiện; vai trò của Tổ đại biểu và đại biểu HĐND chưa thể hiện rõ nét. Vì vậy, vấn đề đặt ra là phải thay đổi nhận thức về trách nhiệm của đại biểu HĐND. Đại biểu là người đầu tiên tiếp nhận kiến nghị của cử tri thì phải là người đầu tiên chịu trách nhiệm thông tin đến cử tri về kết quả giải quyết các kiến nghị này. Muốn thực hiện tốt nhiệm vụ này, đại biểu phải thông qua Tổ đại biểu HĐND để thực hiện quyền đôn đốc và giám sát của mình.

Thiếu sự gắn kết trách nhiệm

Để giúp Thường trực HĐND thực hiện tốt nhiệm vụ tổng hợp các ý kiến, kiến nghị và giám sát việc giải quyết các kiến nghị của cử tri, việc tổng hợp, đôn đốc giải quyết kiến nghị của cử tri của Tổ đại biểu HĐND hết sức quan trọng. Từ đầu nhiệm kỳ 2016 - 2021 đến nay, Thường trực HĐND tỉnh Bắc Giang cũng như Thường trực HĐND các huyện, thành phố trên địa bàn ngày càng quan tâm chỉ đạo sát sao hơn các hoạt động TXCT, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri, đặc biệt là đôn đốc, giám sát kết quả giải quyết các kiến nghị của cử tri. Hoạt động trên đã tạo nên những thay đổi rất tích cực, tạo được ý thức mới trong tổng hợp, phân loại và tổ chức giải quyết các kiến nghị chính đáng của cử tri.

Tuy nhiên, công tác tập hợp, tổng hợp, phân loại ý kiến, kiến nghị của cử tri ở một số Tổ đại biểu HĐND đôi lúc còn chậm, thiếu chính xác; một số kiến nghị chưa xác định đúng thẩm quyền giải quyết; việc theo dõi, đôn đốc giải quyết chưa thường xuyên, chưa thật khoa học, hoàn toàn phụ thuộc vào hoạt động của Thường trực HĐND, chưa gắn kết được trách nhiệm của Tổ đại biểu và đại biểu HĐND tại địa phương; hoạt động giám sát việc giải quyết các kiến nghị của cử tri được Luật quy định cụ thể cho Thường trực HĐND nhưng chưa có quy định gắn kết với hoạt động giám sát của Tổ đại biểu và đại biểu HĐND nên chưa phát huy được vai trò, trách nhiệm của đại biểu, Tổ đại biểu HĐND với cử tri…


Đại biểu HĐND tỉnh Bắc Giang và huyện Tân Yên tiếp xúc cử tri  huyệnTân Yên
Ảnh: Kim Anh

Nâng chất lượng nguồn “nguyên liệu”

Nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tổng hợp, đôn đốc, theo dõi, giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri, để các kiến nghị chính đáng của cử tri sớm được các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết thỏa đáng, đúng quy định, khắc phục những vấn đề nêu trên. Trước hết, đối với việc tổng hợp các kiến nghị của cử tri: Đây là nội dung quan trọng, thể hiện vai trò, trách nhiệm của đại biểu HĐND và các cơ quan dân cử đối với cử tri và nhân dân. Để nâng cao chất lượng, đầu tiên phải nâng cao chất lượng hoạt động TXCT. Đó là: Bảo đảm số lượng và địa điểm TXCT; tăng cường TXCT chuyên đề… Giải pháp này bảo đảm cho Tổ đại biểu HĐND có đủ “nguyên liệu” để tổng hợp và phản ánh đầy đủ tâm tư, nguyện vọng của cử tri.

Tiếp theo là nâng cao chất lượng nguồn “nguyên liệu” mà thực chất là các kiến nghị có giá trị của cử tri. Để có được điều này, đại biểu cần có sự trao đổi cặn kẽ với cử tri về nội dung cử tri nêu và ghi chép đầy đủ, cụ thể các kiến nghị; trách nhiệm này thuộc về đại biểu HĐND và thư ký của cuộc TXCT. Cuối cùng là tổng hợp, hoạt động này đòi hỏi phải họp Tổ đại biểu với sự tham gia đầy đủ của đại biểu và thư ký các cuộc TXCT. Tại đây, Tổ sẽ thống nhất các kiến nghị của cử tri, phân loại lĩnh vực, xác định thẩm quyền giải quyết của từng cấp chính quyền, từng ngành… và phân công đại biểu xây dựng các văn bản chuyển kiến nghị của cử tri đến các cơ quan có thẩm quyền xử lý, giải quyết. Như vậy, có thể khẳng định, chất lượng tổng hợp kiến nghị của cử tri phụ thuộc hoàn toàn vào hoạt động và chất lượng làm việc của Tổ đại biểu HĐND.

Thông qua Tổ đại biểu thực hiện quyền đôn đốc, giám sát

Về đôn đốc việc giải quyết kiến nghị của cử tri thông thường và hiện tại do Thường trực HĐND thực hiện; vai trò của Tổ đại biểu và đại biểu HĐND chưa thể rõ nét. Để nâng cao chất lượng hoạt động này, trước hết phải thay đổi nhận thức về trách nhiệm của đại biểu HĐND. Đại biểu HĐND là người đầu tiên tiếp nhận kiến nghị của cử tri thì phải là người đầu tiên chịu trách nhiệm thông tin đến cử tri về kết quả giải quyết các kiến nghị này. Muốn thực hiện tốt nhiệm vụ này, đại biểu phải thông qua Tổ đại biểu để thực hiện quyền đôn đốc và giám sát của mình.

Hoạt động đôn đốc thực chất được thực hiện ngay sau khi tổng hợp xong kiến nghị của cử tri. Văn bản “Tổng hợp kiến nghị của cử tri” được gửi đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết là văn bản đôn đốc đầu tiên. Tuy nhiên, hoạt động đôn đốc của Tổ đại biểu sau này như thế nào thì nhiều Tổ đại biểu chưa hình dung ra và chưa tổ chức thực hiện. Thực chất hoạt động đôn đốc tiếp theo chính là giám sát kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri; hoạt động này là yêu cầu cơ quan cơ quan tiếp nhận “kiến nghị của cử tri” báo cáo kết quả giải quyết (Thông thường là báo cáo của UBND địa phương nơi Tổ đại biểu HĐND đứng chân và báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị cử tri của Thường trực HĐND cùng cấp). Để nâng cao chất lượng hoạt động này, quan trọng nhất là sự tham gia của Tổ đại biểu vào hoạt động giám sát việc giải quyết kiến nghị cử tri của Thường trực HĐND cùng cấp như thế nào.

Cuối cùng là thông tin kết quả giải quyết đến cử tri. Đây là hoạt động có ý nghĩa rất quan trọng, vừa thể hiện vai trò, trách nhiệm của đại biểu với cử tri, với nhân dân; vừa ràng buộc trách nhiệm, năng lực, trình độ của đại biểu đối với nhiệm vụ là người đại diện của nhân dân trong cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương.

BÁCH HỢP