Cải thiện ô nhiễm các dòng sông

Thay đổi nhận thức là mấu chốt

- Thứ Bảy, 18/05/2019, 08:03 - Chia sẻ
Tại tọa đàm “Thực trạng ô nhiễm môi trường các dòng sông của Việt Nam và kiến nghị những giải pháp” do Câu lạc bộ cựu Đại biểu Quốc hội vừa tổ chức, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Mão cho rằng, muốn cải thiện môi trường và chất lượng nguồn nước, việc đầu tiên là nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ nhà nước, người dân và doanh nghiệp với các vấn đề môi trường.

Ô nhiễm do thiếu ý thức, trách nhiệm

Theo thông tin từ tọa đàm, nước ta hiện có khoảng hơn 2.000 con sông có chiều dài từ 10km trở lên, mang lại lợi thế rất lớn trong phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, chính việc phát triển kinh tế nóng tại các địa phương lại đang gây ra tác động tiêu cực. Thực tế, nhiều con sông đang bị xâm hại, lấn chiếm, khai thác trái phép tài nguyên, dẫn đến ô nhiễm nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sản xuất của nhân dân.

Ước tính, đến hết năm 2018, cả nước có 326 khu công nghiệp, trong đó có 250 khu đang hoạt động với tổng diện tích đất tự nhiên gần 68 nghìn hecta. Tuy nhiên, phần lớn khu công nghiệp chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Tại các đô thị, chỉ có khoảng 60% - 70% chất thải rắn được thu gom; cơ sở hạ tầng thoát nước và xử lý nước thải, chất thải chưa đáp ứng được các yêu cầu về bảo vệ môi trường. Hầu hết lượng nước thải bị nhiễm dầu mỡ, hóa chất tẩy rửa, hóa phẩm nhuộm... chưa được xử lý đều đổ thẳng ra các sông, hồ tự nhiên. Theo đánh giá của các nhà khoa học, đây là nguyên nhân chính khiến các con sông ngày càng ô nhiễm.

TS. Bùi Ngọc Thanh, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, thời gian qua, Chính phủ có nhiều nỗ lực trong việc xử lý các vấn đề ô nhiễm và bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, do hệ thống pháp lý về môi trường còn nhiều điểm chồng chéo, chưa cụ thể, chế tài xử phạt doanh nghiệp vi phạm quy định về môi trường chưa đủ mạnh... khiến ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng. Đâu đó vẫn còn tình trạng “đá bóng” trách nhiệm của các ban ngành trong việc thực hiện các giải pháp xử lý, bảo vệ môi trường, khắc phục ô nhiễm. Các đại biểu cũng chỉ rõ, yếu kém về chuyên môn, sự buông lỏng quản lý, quan liêu, thiếu chặt chẽ trong công tác quản lý bảo vệ môi trường của của một số cán bộ nhà nước đang tiếp tay cho hành vi phá hoại môi trường.

Bên cạnh đó, chính sự thiếu ý thức nghiêm trọng và thờ ơ của người dân cũng là nguyên nhân làm ô nhiễm các dòng sông. Nguyên Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Trung ương Đảng Hoàng Thanh Khiết cho rằng, nhiều người nghĩ những việc mình làm quá nhỏ bé, không đủ để làm hại môi trường. Trong khi một số người cho rằng việc bảo vệ môi trường là trách nhiệm của Nhà nước, của các cấp chính quyền... số khác lại nghĩ việc môi trường đã bị ô nhiễm thì có làm gì cũng “xôi hỏng, bỏng không”. Mặt khác, do đặt nặng mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận, không ít doanh nghiệp đã sự thiếu trách nhiệm, cố tình vi phạm quy trình khai thác, góp phần gây ô nhiễm môi trường đáng kể.

Sớm thay đổi nhận thức

Muốn cải thiện môi trường và chất lượng nguồn nước, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Mão cho rằng, việc đầu tiên là nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ nhà nước, người dân và doanh nghiệp với các vấn đề về môi trường. Vì chính những suy nghĩ này sẽ tác động không nhỏ đến việc giáo dục cũng như tư duy bảo vệ môi trường của thế hệ sau... Để thực hiện tốt việc này, các bộ, ngành, địa phương cần làm tốt hơn công tác tuyên truyền, giáo dục về bảo vệ môi trường trong xã hội tạo ra sự chuyển biến và nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường của toàn dân.

Cùng với đó, Nhà nước cần tiếp tục sửa đổi, bổ sung, củng cố hoàn thiện hệ thống văn bản, quy định về bảo vệ môi trường. Có chế tài xử phạt đủ mạnh đối với các loại hành vi gây ô nhiễm môi trường. Các cấp chính quyền cũng phải nhận thức đầy đủ và quan tâm đúng mức đến việc bảo vệ môi trường, thắt chặt quản lý, tăng cường việc kiểm tra, giám sát về môi trường. Nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ phụ trách công tác môi trường và trang bị các phương tiện kỹ thuật hiện đại để phục vụ có hiệu quả cho các lực lượng này...

Nguyên Chủ tịch Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam TS. Trần Ngọc Tăng cho rằng, việc quản lý lưu vực sông chưa thực sự theo phương pháp tổng hợp và bền vững mà vẫn theo địa giới hành chính với nhiều bất cập. Vì vậy, Chính phủ và các bộ, ngành cần có quy hoạch phát triển tài nguyên nước toàn diện trên các hệ thống lưu vực sông và tránh quy hoạch riêng rẽ như quy hoạch thủy lợi, quy hoạch thủy điện... Hiện nay nguồn vốn đầu tư cho việc cải thiện và bảo vệ môi trường vẫn còn ít, kém hiệu quả do đó cần tăng cường đầu tư triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để xử lý ô nhiễm nguồn nước và bảo vệ môi trường trong những năm tiếp theo.

Bài và ảnh: Đức Hiệp