Góc nhìn

Thay đổi là tất yếu

- Thứ Hai, 25/05/2020, 07:57 - Chia sẻ
Thông tin trên một tờ báo điện tử dẫn kết quả khảo sát do Ngân hàng Thế giới và Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam thực hiện tại 5 tỉnh, thành phố là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Bình Dương và Đắk Nông cách đây vài năm cho thấy, ít nhất 5,6 triệu người không có hộ khẩu thường trú ở nơi cư trú. Tại TP Hồ Chí Minh, 36% dân cư không có hộ khẩu; ở Hà Nội, tỷ lệ này là 18%.

70% người dân được khảo sát cho rằng, sổ hộ khẩu làm hạn chế quyền lợi, khiến họ không bình đẳng với người có hộ khẩu thường trú. Người dân không có hộ khẩu phải chi trả nhiều hơn cho các dịch vụ hành chính và dịch vụ xã hội so với người dân sở tại…

Kết quả khảo sát này phần nào đã cho thấy sự "cơ khổ" của người dân và "tầm quan trọng" của sổ hộ khẩu. Không chỉ thời bao cấp mà cho đến nay, vấn đề "sổ hộ khẩu" vẫn còn nguyên tính thời sự, vẫn "trăm dâu đổ đầu sổ hộ khẩu". Người dân kêu, cơ quan quản lý thì có muốn cũng không thể cấm, không thể cản và đương nhiên là cũng không thể quản lý được. Vậy nhưng muốn bỏ cũng không phải là chuyện dễ, phải "nâng lên, đặt xuống" hết sức thận trọng... Dù rằng khi phát biểu tại Phiên họp thứ 44 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra cuối tháng 4 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đã nhắc lại rằng Hiến pháp 2013 quy định công dân Việt Nam có quyền cư trú ở bất cứ đâu nếu có chỗ ở hợp pháp. Khung chung của Luật Cư trú phải bảo đảm đúng theo Hiến pháp, không thể có biện pháp gì ngăn cấm người dân cư trú ở địa bàn này, địa bàn khác.

Thực tế, hàng triệu người chưa đăng ký thường trú vẫn tạm trú ở Hà Nội. Nếu họ không đăng ký thì cũng không quản lý được. TP Hồ Chí Minh không có luật riêng nhưng cũng muốn có những yêu cầu thế này. Nếu muốn hạn chế thì phải bằng biện pháp khác. Còn coi đây là biện pháp để hạn chế thì không hợp lý, không phù hợp với Hiến pháp cũng như thực tiễn - Bộ trưởng thừa nhận.

Quả thực, đã đến lúc cần bãi bỏ các thủ tục về sổ hộ khẩu, giấy chứng minh nhân dân trong quản lý dân cư để thống nhất việc quản lý bằng mã số định danh cá nhân, thông qua việc cập nhật thông tin trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Và tại phiên họp diễn ra ngày 23.5 vừa qua, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Công an thừa ủy quyền của Thủ tướng trình bày tờ trình về dự án Luật Cư trú sửa đổi. Một trong những nội dung cơ bản của dự luật là bãi bỏ quản lý dân cư bằng sổ hộ khẩu, sổ tạm trú và thay thế bằng hình thức quản lý theo số định danh cá nhân cập nhật thông tin trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu về cư trú…

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật cũng tán thành với việc đổi mới phương thức quản lý cư trú của công dân thông qua số định danh cá nhân. Tuy nhiên, để bảo đảm tính khả thi, không gây xáo trộn lớn đối với cuộc sống, sinh hoạt của người dân và hoạt động của các cơ quan nhà nước khi bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú, Ủy ban Pháp luật đề nghị làm rõ một số vấn đề như giải pháp cụ thể để khắc phục khó khăn, bảo đảm hoàn thành việc cấp số định danh cá nhân cho gần 80 triệu công dân còn lại theo tiến độ đề ra; chỉ đạo quyết liệt, bảo đảm đủ vốn cho việc xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư…

Quyền cư trú của công dân đã được pháp luật bảo hộ. Bởi vậy, việc thay đổi phương thức quản lý là tất yếu. Cần tạo điều kiện cho người dân cư trú hợp pháp, vì có cấm cũng không được.

Khánh Ninh