Đề án Khám, chữa bệnh từ xa

Thay đổi chất lượng khám, chữa bệnh

- Thứ Tư, 01/07/2020, 08:24 - Chia sẻ
Tại cuộc họp phê duyệt Đề án Khám, chữa bệnh từ xa giai đoạn 2020 - 2025, nhiều ý kiến cho rằng, việc triển khai đề án chính là tạo ra mạng lưới y tế không còn giới hạn giữa các tuyến, để các bệnh viện được hỗ trợ về mặt chuyên môn như nhau, giúp thay đổi chất lượng của y tế cơ sở. Tuy nhiên, để bảo đảm tính bền vững của Đề án, cần nhanh chóng xây dựng cơ cấu giá đối với từng hạng mục trong lĩnh vực này.

Người dân được sử dụng dịch vụ y tế chất lượng cao

Thời gian qua, các giải pháp công nghệ thông tin đã chứng minh được vai trò trong khám, chữa bệnh, đặc biệt là trong giai đoạn phòng, chống dịch Covid-19, hoạt động tư vấn điều trị từ xa đã được triển khai hiệu quả. Theo đó, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 đã thành lập Trung tâm quản lý, điều hành hỗ trợ chuyên môn chẩn đoán, điều trị người bệnh Covid-19. Trung tâm thường xuyên tổ chức hội chẩn trực tuyến, mời các giáo sư đầu ngành cả nước cùng hội chẩn các ca bệnh nặng, bàn phương pháp điều trị tối ưu cho người bệnh, cùng chia sẻ kinh nghiệm điều trị, chăm sóc người bệnh.

Theo Thứ trưởng thường trực Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, việc ứng dụng công nghệ thông tin đã giúp tập hợp đội ngũ chuyên gia đầu ngành và các bệnh viện xích lại gần nhau hơn, gần tới mức gần như không có khoảng cách giữa trong Nam, ngoài Bắc, giữa tuyến trên, tuyến dưới. Trung tâm quản lý, điều hành được thành lập đã đánh dấu sự phát triển của hệ thống khám, chữa bệnh trong xu hướng hội nhập, áp dụng thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến trong điều trị bệnh tật, đặc biệt với bệnh dịch nguy hiểm như Covid-19.

Trên cơ sở đó, ngày 22.6, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 2628/QĐ-BYT phê duyệt Đề án Khám bệnh, chữa bệnh từ xa giai đoạn 2020 - 2025, hướng đến mục tiêu mọi người dân đều được quản lý, tư vấn, khám bệnh, chữa bệnh, hỗ trợ chuyên môn của các bác sĩ từ tuyến xã đến tuyến Trung ương; người dân được sử dụng dịch vụ y tế có chất lượng của tuyến trên ngay tại cơ sở y tế tuyến dưới. Các cơ sở y tế được hỗ trợ chuyên môn thường kỳ và đột xuất từ các bệnh viện tuyến cuối dựa trên nền tảng công nghệ thông tin. Từ đó, góp phần phòng, chống dịch bệnh, giảm quá tải bệnh viện tuyến trên, nâng cao chất lượng, hiệu quả khám, chữa bệnh và sự hài lòng của người dân.

Trung tâm điều hành khám bệnh từ xa, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội
Nguồn: ITN

Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh Bộ Y tế Lương Ngọc Khuê cho biết, Đề án Khám, chữa bệnh từ xa được xây dựng với quan điểm chính là chất lượng khám, chữa bệnh vươn cao, vươn xa giúp tăng cường năng lực chuyên môn của các bệnh viện tuyến dưới, vươn lên chất lượng cao hơn, đồng thời để kiến thức chuyên môn của tuyến trên được lan tỏa xa hơn.

“Việc thực hiện Đề án chính là tạo ra mạng lưới y tế không còn giới hạn giữa các tuyến, để các bệnh viện được hỗ trợ về mặt chuyên môn như nhau, nhằm bảo đảm cho người dân khám, chữa bệnh ở tuyến dưới phải được hưởng dịch vụ y tế như ở tuyến trung ương; đồng thời các cơ sở y tế được hỗ trợ thường xuyên, nhất là trong những trường hợp khẩn cấp. Điều này sẽ làm thay đổi chất lượng của y tế cơ sở” - Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.

Nhanh chóng xây dựng cơ cấu giá

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, tình hình khám, chữa bệnh ở nước ta thời gian qua vẫn còn nhiều bất cập. Theo đó, mức độ tiếp cận dịch vụ chất lượng cao của người dân ở vùng sâu, vùng xa còn hạn chế; phần lớn hộ nghèo dù không có điều kiện nhưng vẫn vượt tuyến để khám, chữa bệnh. Do vậy, việc triển khai Đề án Khám, chữa bệnh từ xa cũng như ứng dụng công nghệ thông tin trong khám, chữa bệnh là vô cùng cần thiết.

Theo Đề án Khám, chữa bệnh từ xa giai đoạn 2020 - 2025, sẽ có 24 bệnh viện tuyến trên tham gia vào mạng lưới khám, chữa bệnh từ xa. Các bệnh viện cũng thực hiện hoạt động đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, xây dựng các chương trình hợp tác đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, tạo điều kiện cho người bệnh được tiếp cận những dịch vụ, kỹ thuật tốt của các cơ sở y tế với nhau.

Hiện nay, dù nhiều hoạt động khám, chữa bệnh trong Đề án đã được triển khai ở các bệnh viện, nhưng chỉ ở một quy mô nhất định. Tại cuộc họp phê duyệt Đề án Khám, chữa bệnh từ xa giai đoạn 2020 - 2025 diễn ra mới đây, nhiều ý kiến cho rằng, nguyên nhân là do còn khó khăn trong vấn đề nguồn kinh phí để các bệnh viện khám, chữa bệnh từ xa. Thực tế, hoạt động này đã được ứng dụng hơn 40 năm ở các nước trên thế giới, nhưng nước ta hình thức này mới chỉ được áp dụng thời gian gần đây. Do đó, để các bệnh viện triển khai cần thiết phải có hướng dẫn cụ thể của Bộ Y tế.

Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương Trần Minh Điển cũng cho rằng, để bảo đảm tính bền vững của Đề án, cần nhanh chóng xây dựng cơ cấu giá đối với từng hạng mục với lĩnh vực này. Trong giai đoạn đầu thử nghiệm có thể lấy kinh phí ở bệnh viện tuyến trên nhưng giai đoạn sau phải có kế hoạch rõ ràng để chi trả. Đồng quan điểm, Phó Viện trưởng Viện Huyết học Truyền máu Trung ương Lê Lâm chia sẻ, có những dịch vụ kỹ thuật không thể chuyển giao, nên nếu không có quy định việc chi trả kinh phí rõ ràng sẽ dẫn đến việc thanh toán các chi phí phát sinh cho bệnh nhân gặp khó khăn.

Ngoài ra, nhiều bệnh viện cũng đề nghị Bộ Y tế có thể đầu tư ban đầu các thiết bị về phần cứng, từ đó xây dựng phần mềm chung giúp các bệnh viện thực hiện. Bởi, ở các bệnh viện tuyến dưới vẫn có những vùng, đơn vị gặp khó khăn cần có nguồn ngân sách để hỗ trợ thực hiện. Chưa kể, cơ chế tài chính cũng rất quan trọng để hỗ trợ thù lao cho các bác sĩ, nhân viên y tế trong quá trình khám, chữa bệnh từ xa.

Hiểu Lam