Thấu hiểu về đa dạng văn hóa

- Thứ Hai, 27/05/2019, 08:14 - Chia sẻ
“Tôi tin tôi có thể năm 2019” mở ra không gian để cộng đồng các dân tộc thiểu số tự kể câu chuyện của mình. Bằng cách đó đưa tới một hình dung đa thanh, nhiều chiều, giúp thấu hiểu sâu hơn về đa dạng văn hóa dân tộc.

Gặp gỡ những góc nhìn

Sar Dơng Nguyên, dân tộc M’Nông, tỉnh Đăk Nông, mang tới câu chuyện phong tục ma chay của người M’Nông. Khi một người chết đi, người nhà giết một con vật gì đó tùy theo khả năng của gia đình, sau đó cúng người chết một ít thịt, nội tạng và bình rượu. Cũng như thế, một số anh chị em, cô bác và bạn bè các hộ gia đình khác tùy theo mức độ thân thiết mà mang đồ vật đến viếng. Những ngày này, hầu như họ hàng, làng xóm sẽ nghỉ việc để sang giúp đỡ gia đình có người mất, cùng ăn uống. Sar Dơng Nguyên cho biết, quan niệm của xã hội nhìn vào phong tục này thấy lạc hậu, tốn kém, nhưng với người M’Nông, đó thể hiện sự tôn trọng đối với linh hồn người đã khuất, tinh thần tự nguyện, giúp đỡ lẫn nhau.


Lễ cúng thần của người Khmer được tái hiện trên sân khấu “Tôi tin tôi có thể năm 2019”

Anh Đồng Thành Danh, dân tộc Chăm, Ninh Thuận, lại kể câu chuyện khác. Đối với người Chăm Bàlamôn, việc lấy 9 mảnh xương trán của người đã khuất đẽo thành hình tròn nhỏ, rồi bỏ vào hộp kim loại gọi là Klaong có ý nghĩa thiêng liêng mà bằng cảm quan của người dân tộc khác thì coi lạ lùng và tiêu cực. Đấy là cách để lưu giữ một phần ký ức với người thân, để con cháu tưởng nhớ, thờ phụng. Sau đó, số xương giữ lại này được đưa nhập vào “kut” của dòng họ để người đã mất luôn hướng về tổ tiên, ông bà, thể hiện truyền thống đạo lý, mối liên hệ với tổ tiên, gắn liền với truyền thống tộc họ, tập tục thờ cúng ông bà không chỉ của người Chăm mà còn có trong văn hóa Việt.

Ông Kray Sức, dân tộc Pakoh, xã Tà Rụt, huyện Đakrông, Quảng Trị kể lại câu chuyện mà già làng Vốq Đôn nhắc đi nhắc lại rằng: “Người khỏe phải chờ người yếu, người đi trước phải ngoảnh lại nhìn người đi sau”. Người đi trước ở đây không chỉ là người giàu mà còn là người có kinh nghiệm hơn, như ông bà, cha mẹ, truyền đạt lại kiến thức, vật chất. Nhưng từ 5 - 10 năm nay, trong cộng đồng bắt đầu xuất hiện câu “trông chờ, ỷ lại”. “Sách báo cứ nói người dân tộc thiểu số trông chờ ỷ lại, nhưng không hẳn. Nhiều người vẫn bỏ nhà đi làm xa, có người đi làm rẫy cả tháng mới về nhà. Thực tế hỗ trợ bây giờ đang gặp vấn đề, Nhà nước chỉ để ý hỗ trợ những người không đi làm, trong khi không hỗ trợ những người chăm chỉ làm ăn. Nhiều người không trông chờ ỷ lại, họ đi làm tối ngày nhưng vẫn không giàu, trong khi có nhà cứ ở nhà lại được cấp tiền cấp gạo. Vì vậy nhiều người siêng làm lại không muốn đi làm nữa”.

Là một phần văn hóa

Cuộc gặp của những câu chuyện giống như một sự va đập cách hiểu về văn hóa. Để thấy rằng, cùng một hiện tượng đời sống văn hóa, cách lý giải, nhìn nhận của người trong cuộc và người bên ngoài có thể rất khác nhau và cái ý nghĩa, thiêng liêng với cộng đồng này chưa chắc đã có giá trị với người của cộng đồng khác. Trong đó, có những điều phải được nghe, nhìn trực tiếp mới thấy sâu xa, nhiều tầng nhiều lớp, không chỉ là truyền thống thể hiện qua thực hành văn hóa mà còn ở các sinh hoạt hàng ngày và sinh kế như trồng trọt, chăn nuôi...

Như câu chuyện của bà con dân tộc Thái ở Điện Biên về tái định cư. Làm thủy điện, ngoài lợi ích đem lại cũng có những cái chưa phù hợp với đời sống của đồng bào. Ví dụ khi người dân tái định cư, nhà đầu tư thường san những quả đồi để tạo bãi bằng làm khu dân cư, người ta chia lô ngẫu nhiên, nhà san sát nhau như thành phố, khiến cho việc chăn nuôi theo tập quán truyền thống bị hạn chế, đất đai không còn màu mỡ, khó canh tác… Kết quả là bà con phải di cư, lại tìm núi tìm rừng để làm lán ở. Hay câu chuyện một nhóm bà con dân tộc Mường, huyện Bá Thước và huyện Cẩm Thủy, Thanh Hóa về thủy điện, về lũ và những điều đang làm thay đổi cuộc sống của họ... Bằng cách lắng nghe những câu chuyện “tự kể” như vậy, góc nhìn về các vấn đề trong đời sống của bà con dân tộc thiểu số được thể hiện đa chiều hơn.

Được kể câu chuyện của mình và lắng nghe câu chuyện của dân tộc khác, bà con cũng ý thức hơn về giá trị văn hóa, sự khác biệt trong quan niệm về cách thức lao động sản xuất, cũng như tính thiêng trong đời sống tinh thần… của từng dân tộc. Chị Trương Thị Thủy, dân tộc Mường, Bá Thước, Thanh Hóa, cho biết, qua gặp gỡ, nói chuyện, mọi người từ các dân tộc hiểu nhau hơn. “Như địa phương mình cứ nghĩ cát chỉ dùng để xây nhà, khi chia sẻ với người dân tộc Khmer mới biết, với họ cát là linh thiêng. Họ thờ cát, thờ đất, họ sám hối với đất với cát vì chúng chịu nhiều tổn thương, tác động… Mình hiểu rằng sự khác biệt ấy đều đáng được tôn trọng, phát huy, tạo nên đa dạng, làm phong phú cho văn hóa các dân tộc”.

Những gì ta nghe, thấy về dân tộc thiểu số chỉ là một cách nhìn, một cách mô tả và đó mới chỉ là tiếng nói đơn thanh. Sự kiện “Tôi tin tôi có thể năm 2019”, diễn ra trong 3 ngày qua (24 - 26.5) chỉ ra điều đó, đồng thời đưa ra lối tiếp cận khác, thông qua cái nhìn của người trong cuộc để cắt nghĩa về những thực hành văn hóa, những tri thức được tích lũy làm nên giá trị cộng đồng. Chính cái nhìn như vậy cho một hình dung khác, đa thanh, nhiều chiều về cuộc sống của đồng bào các dân tộc thiểu số.

Thái Minh