Thắt chặt xử lý chất thải công nghiệp

- Thứ Ba, 13/08/2019, 07:55 - Chia sẻ
Theo các chuyên gia, hơn 4.000 tấn chất thải công nghiệp mỗi ngày và sẽ tăng gấp đôi vào năm 2050, trong khi, hạ tầng tiếp nhận và xử lý loại rác thải này vẫn còn manh mún, tự phát là điều đáng lo ngại đối với trung tâm kinh tế lớn như TP Hồ Chí Minh.

Mới kiểm soát được 11% lượng chất thải công nghiệp phát sinh

Theo số liệu khảo sát của Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh, trong số gần 300.000 doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn thành phố, có đến gần 30.000 doanh nghiệp sản xuất có phát sinh chất thải công nghiệp với tổng lượng chất thải phát sinh hơn 4.000 tấn/ngày và con số này sẽ tăng gấp đôi vào năm 2050. Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Thanh Mỹ cho biết, tính đến tháng 5, đơn vị xử lý chất thải công nghiệp lớn nhất thành phố là Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP Hồ Chí Minh chỉ tiếp nhận và xử lý trên dưới 1.000 tấn/ngày. Còn với chất thải nguy hại, hiện đang tồn tại 13 công ty được cấp phép hành nghề xử lý, với công suất gần 300 tấn/ngày.


Tình trạng chất thải công nghiệp bị đổ bỏ ở khu vực ngoại thành khá phổ biến Nguồn: ITN

Cũng theo các số liệu của Sở Tài nguyên và Môi trường, hiện chỉ có hơn 11% lượng chất thải công nghiệp phát sinh được kiểm soát khá chặt chẽ, do chỉ có hơn 2.000 cơ sở đang hoạt động trong các khu chế xuất, khu công nghiệp và khu công nghệ cao. Số còn lại đóng rải rác ở 24 quận, huyện và rất nhiều cơ sở sản xuất này thường trộn lẫn chất thải công nghiệp vào chất thải sinh hoạt, hoặc lén lút đổ bỏ ra môi trường để giảm chi phí chuyển giao, xử lý.

Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Thị Thanh Mỹ cũng cho hay, tùy theo từng loại hình sản xuất mà chất thải công nghiệp có thành phần chất thải khác nhau, tập trung phổ biến là giấy, carton, bavia kim loại, thủy tinh, giẻ lau, vải vụn, plastic, nilon, bao bì PP, PE, thùng PVC, thùng kim loại, dầu thải, bã thải, bùn bã thải, gỗ, vỏ cây, mùn cưa, rác thực phẩm, cao su, tro, xỉ than, xỉ kim loại…

Tuy nhiên, lượng chất thải công nghiệp có khả năng tái chế chỉ đạt khoảng 6 - 10% trên tổng lượng chất thải công nghiệp phát sinh, chủ yếu là nhựa phế liệu các loại và kim loại, nhựa cứng. Trong khi đó, các công nghệ xử lý tập trung vào đốt, tái chế chuyên biệt như tái chế, súc rửa thùng phuy, bao bì cứng, tái chế sơn, tiền xử lý chất thải điện tử, bóng đèn; ổn định - hóa rắn, xử lý hóa học, tẩy rửa phế liệu kim loại, nhựa… nên chưa đáp ứng nhu cầu xử lý thực tế hiện nay của doanh nghiệp.

Thắt chặt quản lý

Theo các chuyên gia, trong khi lượng chất thải công nghiệp phát sinh ngày càng nhiều, tình trạng đổ trộm rác ở khu vực ngoại thành khá phổ biến, thì hạ tầng tiếp nhận và xử lý loại rác thải này vẫn còn manh mún, tự phát, tồn tại rải rác ở nhiều khu vực quận huyện khác nhau, chưa mang tính tập trung vào một khu vực được quy hoạch. Điều này dẫn đến nhiều nguy cơ xảy ra sự cố trong quá trình xử lý, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của cộng đồng và phải mất thời gian dài mới có khả năng khắc phục tính nguy hại với môi trường.

Mặt khác, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật còn nhiều chồng chéo, chưa nhất quán, dẫn đến khó khăn, chồng lấn về chức năng nhiệm vụ của các cơ quan quản lý địa phương khi thực hiện. Đặc biệt, lực lượng cán bộ quản lý chưa đáp ứng được đòi hỏi của thực tế. Để khắc phục, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh Nguyễn Toàn Thắng cho biết, Sở đang tham mưu thành phố để hoàn thiện quy trình cũng như chủ trương, chính sách cần thiết đủ để bảo đảm thắt chặt quản lý, xử lý chất thải công nghiệp trên toàn địa bàn.

Thành phố cũng có chủ trương cho các đơn vị đầu tư xây dựng khu xử lý rác tập trung ngay trên địa bàn thành phố giảm sự lãng phí khi mang rác qua các tỉnh lân cận xử lý. Theo đó, TP Hồ Chí Minh đã dành ra 2 khu vực khoảng 117ha để quy hoạch xây dựng cơ sở xử lý chất thải nói chung và chất thải công nghiệp nói riêng phát sinh tới năm 2050 là khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc  (huyện Củ Chi) và Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước (huyện Bình Chánh). Thời gian tới, Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố cũng sẽ xây dựng kế hoạch di dời các cơ sở xử lý chất thải công nghiệp trên địa bàn thành phố, nhất là với 13 cơ sở đang xử lý chất thải nguy hại.

Ngoài ra, việc phân loại thu gom rác mỗi ngày sẽ giúp thành phố giảm việc sử dụng ngân sách chi cho 1.000 - 2.000 tấn rác, đồng thời sẽ giảm áp lực trong việc xử lý chất thải rắn như hiện nay. Các ngành chức năng của thành phố cũng cần mạnh tay hơn xử lý nghiêm với những đối tượng đổ trộm chất thải công nghiệp, qua đó, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường cho nhân dân địa phương.

Nhật Phương