Phiên họp thứ Hai mươi tám của UBTVQH:

Thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội

- Thứ Hai, 15/10/2018, 12:37 - Chia sẻ
Sáng 15.10, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển, UBTVQH tiếp tục nghe và cho ý kiến về các Báo cáo đánh giá giữa kỳ thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020, tình hình kinh tế - xã hội năm 2018 và dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019; đánh giá giữa kỳ thực hiện Nghị quyết số 24/2016/QH14 về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020; giữa kỳ thực hiện Nghị quyết số 100/2015/QH13 phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 – 2020; kết quả 3 năm thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều khiển phiên họp
Ảnh: Lâm Hiển

Còn tình trạng chính sách chồng chéo, chưa hiệu quả

Đối với việc thực hiện Nghị quyết số 100/2015/QH13 phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 - 2020, Ủy ban Tài chính - Ngân sách đã có Báo cáo thẩm tra, đồng thời Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải cũng nêu rõ, Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 - 2020 tập trung cho hai chương trình xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững. Đây là chủ trương đúng đắn nhằm giải quyết những vấn đề, nhiệm vụ hết sức cấp bách, cần thiết, có ý nghĩa quan trọng, mang tầm quốc gia. Việc lựa chọn này đã tập trung được nguồn lực, khắc phục được sự dàn trải và tạo điều kiện để tổ chức có hiệu quả các chương trình. Việc triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia trong thời gian qua đã đạt được một số kết quả tích cực, một số mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ đã cơ bản hoàn thành, góp phần thực hiện tốt chủ trương của Đảng về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, đẩy mạnh giảm nghèo, nâng cao chất lượng đời sống tinh thần, chăm sóc sức khỏe nhân dân, đặc biệt ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia nguồn lực xã hội từ các tổ chức doanh nghiệp, cộng đồng dân cư đã được huy động vào việc thực hiện các mục tiêu của chương trình, góp phần giải quyết các vấn đề bức xúc của đời sống xã hội.

 Tuy nhiên, đối với với yêu cầu đặt ra, Báo cáo của Chính phủ cần tiếp tục hoàn thiện theo hướng bám sát Nghị quyết 100 để đánh giá, đối chiếu với thực tế thực hiện, từ đó làm rõ những mục tiêu còn dở dang, những mục tiêu còn nhiều khó khăn, thách thức để hoàn thành, cần làm rõ nguồn vốn phân bổ cho từng mục tiêu, đánh giá tính hợp lý của các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới; tiến độ hoàn thành dứt điểm các nhiệm vụ, tính ổn định, bền vững và thực chất của các chương trình, những vướng mắc về cơ chế, chính sách, nguồn lực thực hiện, có các số liệu thuyết minh cụ thể hơn.

Bên cạnh đó, Chính phủ vẫn chưa có báo cáo cụ thể về việc rà soát, đánh giá, tổng kết việc thực hiện 21 chương trình mục tiêu để tránh trùng lặp với các danh mục của hai chương trình mục tiêu quốc gia nông thôn mới và giảm nghèo bền vững theo quy định tại Nghị quyết 100. Trên thực tế, việc lồng ghép các chương trình giảm nghèo với các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình, dự án khác còn nhiều hạn chế, chưa thực hiện quyết liệt; còn tình trạng chính sách chồng chéo, chưa hiệu quả; việc tích hợp chính sách còn hạn chế, chưa thu gom đầu mối quản lý và tập trung nguồn lực.

Chưa tách bạch ngân sách đầu tư cho vùng dân tộc thiểu số, miền núi

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến trình bày Báo cáo đánh giá 3 năm thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2016 - 2018.

Trình bày Báo cáo thẩm tra 3 năm thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2016 - 2018, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến nhấn mạnh, Báo cáo của Chính phủ đã phản ánh được những nét cơ bản về kết quả đạt được trên các lĩnh vực cũng như hạn chế, vướng mắc, nguyên nhân trong thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi, giai đoạn 2016 - 2018; đồng thời, đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp chủ yếu thực hiện chính sách dân tộc đến năm 2020 và đề xuất, kiến nghị về công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc thời gian tới.

Trong 3 năm qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương đã có nhiều nỗ lực để triển khai các Nghị quyết của Đảng, các Nghị quyết của QH trong việc xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện các chính sách nhằm hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội đối với vùng dân tộc thiểu số, miền núi. Theo báo cáo của Chính phủ, đã ban hành được 41 chính sách, trong đó có 15 chính sách trực tiếp, 26 chính sách chung gián tiếp cho đồng bào dân tộc và vùng dân tộc thiểu số, miền núi. Thống kê cho đến nay có tổng cộng 118 chính sách, trong đó có 54 chính sách trực tiếp và 64 chính sách gián tiếp. Song, Hội đồng Dân tộc lưu ý, con số thống kê 118 chính sách dân tộc là chưa chính xác do chưa thống nhất khái niệm, chưa làm rõ phạm vi, đối tượng tác động của chính sách. Kết quả phân tích cho thấy, trong số 54 chính sách dân tộc trực tiếp đang có hiệu lực, chỉ có 16 chính sách quy định cho vùng dân tộc thiểu số, vùng miền núi, vùng đặc biệt khó khăn; 18 chính sách quy định cho người dân tộc thiểu số, người công tác tại vùng dân tộc thiểu số, đặc biệt khó khăn; 9 chính sách quy định trực tiếp cho người dân tộc thiểu số; còn 11 chính sách chung cho mọi đối tượng trong cả nước. 64 chính sách chung là áp dụng cho toàn quốc, hoặc phạm vi vùng, rất nhiều chính sách không liên quan trực tiếp đến đối tượng dân tộc thiểu số. Vì vậy, Chính phủ cần rà soát, làm rõ về số lượng chính sách dân tộc hiện nay trên cơ sở tiêu chí thống nhất về đối tượng, phạm vi; lược bỏ sự trùng lắp, không đồng nhất số lượng văn bản với số lượng chính sách; lược bỏ văn bản chính sách đã hết hiệu lực.


Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải phát biểu tại phiên họp
Ảnh: Lâm Hiển

Đáng lưu ý, xuất phát từ việc không xác định, tách bạch được phạm vi, đối tượng nên Chính phủ không báo cáo được nguồn lực ngân sách đã đầu tư cho vùng dân tộc thiểu số, miền núi. Chính phủ, các bộ ngành đều đưa số liệu vốn đầu tư chung cho 51 địa phương là đầu tư cho vùng dân tộc thiểu số, miền núi. Từ đó, vùng dân tộc thiểu số, miềm núi nhận được sự đầu tư rất lớn và tăng dần lên hằng năm, nhưng thực chất, người dân tộc thiểu số không được thụ hưởng.

Tạo khí thế mới, tiếp tục thực hiện thắng lợi chỉ tiêu kinh tế - xã hội

Thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, Phó Chủ tịch Thường trực QH Tòng Thị Phóng chỉ rõ, trong bối cảnh, chúng ta đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, vừa làm, vừa gỡ; vừa làm, vừa tạo sự đồng thuận, đồng lòng; vừa khắc phục hạn chế yếu kém vừa khắc phục thiên tai, bão lũ, biến đổi khí hậu…, nhưng với quyết tâm chính trị cao của Đảng, Nhà nước, với các chương trình hành động của Chính phủ, chúng ta đã góp phần hoàn thiện được nhiều thể chế, chính sách như: công khai, minh bạch công tác giao vốn đầu tư trung hạn, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi. Thủ tướng Chính phủ cũng thường xuyên gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp về tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt công tác phòng, chống tham nhũng đã có tác động tích cực, nâng cao kỷ cương, kỷ luật trong hệ thống chính trị, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật.

“Chúng ta cũng lắng nghe nhiều hơn ý kiến của nhân dân, doanh nghiệp; giữ vững được trật tự an toàn xã hội. QH cũng tăng cường giải trình, giám sát, từ đó góp phần thúc đẩy công tác quản lý, điều hành đất nước…”, Phó Chủ tịch Thường trực QH nêu rõ.

Thống nhất với Báo cáo của Chính phủ, nhất là việc đã ổn định được kinh tế vĩ mô, lạm phát được kiểm soát, thu ngân sách vượt chỉ tiêu, nợ công được kiểm, xã hội đồng thuận về chủ trương của Đảng, Nhà nước, củng cố niềm tin của nhân dân, Phó Chủ tịch Thường trực QH khẳng định, nhờ đó, chúng ta có khí thế mới để tiếp tục thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội cho những năm tiếp theo.

Cùng quan điểm, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết thêm, đúng là bắt đầu vào nhiệm kỳ XIV, sự cố môi trường biển, thiên tai, bão lũ, tình hình quốc tế biến động rất phức tạp… Song chúng ta đã vượt qua khó khăn, đạt được kết quả tốt. Thủ tướng Chính phủ luôn đi sâu, đi sát cơ sở, giải quyết kịp thời vướng mắc đặt ra, động viên, khuyến khích các nhà đầu tư đầu tư vào Việt Nam. Thời gian tới, Chính phủ cần phát huy phong cách làm việc cầu thị, kịp thời và tôn trọng ý kiến của dư luận, cử tri, ĐBQH. Phát huy mô hình tổ công tác của Thủ tướng trong công tác kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện nhiệm vụ ở địa phương, các bộ.

Phó Chủ tịch Thường trực QH Tòng Thị Phóng cũng đề nghị, Chính phủ nên đánh giá thêm về tính tự chủ của nền kinh tế; làm sao để đẩy nhanh hơn việc giải ngân vốn đầu tư, đánh giá thêm tình hình sản xuất ở một số ngành, một số lĩnh vực; bổ sung đánh giá công tác cải cách tư pháp, cải cách hành chính, tinh gọn bộ máy có tác động thế nào đối với đời sống kinh tế - xã hội… Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề xuất Chính phủ làm đậm nét thêm về công tác phòng, chống tham nhũng, đây là giai đoạn phòng, chống tham nhũng được đẩy mạnh, nói đi đôi với làm, không có vùng cấm và không có ngoại lệ.

Hoàng Ngọc