Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội Khóa XIV:

Thảo luận về dự thảo Nghị quyết về khoanh tiền nợ thuế

- Thứ Sáu, 01/11/2019, 19:31 - Chia sẻ
Chiều 1.11, tiếp tục thực hiện Chương trình Kỳ họp thứ Tám, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển, QH đã thảo luận tại hội trường dự thảo Nghị quyết của QH về khoanh tiền nợ thuế, xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước.

ĐBQH Phan Văn Tường (Thái Nguyên)
Ảnh: Quang Khánh

Các ĐBQH đều tán thành ban hành Nghị quyết của QH về khoanh tiền nợ thuế, xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước. ĐBQH Phan Văn Tường (Thái Nguyên) cho rằng, Nghị quyết được ban hành sẽ góp phần khắc phục một phần tồn tại trong thu thuế, giúp những con số đưa ra trong báo cáo về tài chính sát thực hơn, tháo gỡ khó khăn cho người nộp thuế, tổ chức  phát sinh nợ thuế. Đồng thời, Nghị quyết này cũng thể hiện tính nhân văn của Nhà nước khi xóa nợ thuế với người đã chết, người bị Tòa án tuyên bố là đã chết, mất tích hoặc mất năng lực hành vi dân sự; hay bị thiệt hại vật chất do gặp thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, hoả hoạn, tai nạn bất ngờ. 


ĐBQH Trần Văn Lâm (Bắc Giang)
Ảnh: Quang Khánh

ĐBQH Trần Văn Lâm (Bắc Giang) cũng nhận thấy, dự thảo Nghị quyết này dù dự kiến thông qua theo quy trình một kỳ họp nhưng đã được chuẩn bị chu đáo, cùng quá trình thông qua Luật Quản lý thuế năm 2019; và được UBTVQH cho ý kiến qua hai phiên họp, rất cẩn trọng.

Về nguyên tắc xử lý nợ, các ĐBQH thống nhất việc xử lý nợ phải đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật, đúng đối tượng, đúng thẩm quyền; công khai, minh bạch; tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn cho người nộp thuế, nhưng phải phòng ngừa và ngăn chặn việc lợi dụng chính sách để trục lợi và cố tình chây ỳ, nợ thuế. Bởi dù dự thảo Nghị quyết đã quy định hủy quyết định xóa nợ, khoanh nợ (nếu có) và nộp vào ngân sách khoản nợ đã được xóa với một số trường hợp, song ĐBQH Bùi Thị Quỳnh Thơ (Hà Tĩnh) đặt ra giả thuyết: Với những người nộp thuế (tổ chức hoặc cá nhân) thành lập cơ sở sản xuất, kinh doanh mới núp dưới tên người khác sẽ xử lý như thế nào?

Ảnh: Quang Khánh

Tuy nhiên, liên quan đến việc khoanh nợ, xóa tiền phạt chậm nộp thuế với người nộp thuế là người đã chết, người bị Tòa án tuyên bố là đã chết, mất tích hoặc mất năng lực hành vi dân sự, thì các ĐBQH có ý kiến khác nhau. Đối với trường hợp này, ĐB Bùi Thị Quỳnh Thơ lưu ý, Điều 615, Bộ luật Dân sự hiện hành quy định thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại, theo đó người thừa kế hợp pháp của họ vẫn có những nghĩa vụ tài sản phải thực hiện như khoản nợ thuế, khoản phải nộp vào ngân sách nhà nước, nộp phạt. Nhấn mạnh “nghĩa vụ tài sản vẫn còn”, ĐB Bùi Thị Quỳnh Thơ đề nghị, cần rà soát phạm vi khoanh nợ, xóa tiền phạt chậm nộp thuế đối với trường hợp này. Và để bảo đảm khoanh nợ, xóa tiền phạt chậm nộp thuế đúng đối tượng, ĐBQH cũng đề nghị, dự thảo Nghị quyết cần quy định việc cần thành lập hội đồng xét duyệt nợ thuế ở mỗi địa phương, với đầy đủ thành phần tham gia như đại diện cơ quan thuế, UBND, HĐND, các cơ quan đoàn thể…


 ĐBQH Ngô Trung Thành (Đắk Lắk)
Ảnh: Quang Khánh

Ở góc nhìn khác, ĐB Phan Văn Tường đề nghị, thay vì khoanh nợ, dự thảo Nghị quyết cần quy định xóa số tiền nợ thuế đối với người đã chết, người bị Tòa án tuyên bố là đã chết hoặc mất tích (có giá trị khoảng 200 tỷ đồng), thay vì chỉ xóa tiền phạt chậm nộp thuế có giá trị khoảng 100 tỷ đồng. “Số tiền được khoanh nợ thuế có giá trị 200 tỷ đồng trên thực tế không có khả năng thu hồi. Phải đợi đến 10 năm mới được xóa khoản nợ thuế này e rằng gây lãng phí thời gian, công sức quản lý của cơ quan quản lý và người nộp thuế”, ĐB Phan Văn Tường nói. 

Để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết, các ĐBQH Ngô Trung Thành (Đắk Lắk), Trần Văn Lâm (Bắc Giang)… cho rằng, cần xem xét lại thời điểm có hiệu lực thực hiện của Nghị quyết này. Tại Điều 8, dự thảo Nghị quyết quy định, Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 1.7.2020 và được tổ chức thực hiện trong thời hạn 3 năm kể từ ngày có hiệu lực thi hành. Nhưng ĐB Trần Văn Lâm phân tích, việc truy thu khoản nợ thuế, phạt chậm nộp thuế với các trường hợp chủ thể kinh tế quay lại sản xuất, kinh doanh hoặc được xóa nợ không đúng quy định cần không có thời hạn, không có hạn định. “Sau này, bất cứ khi nào phát hiện quyết định xóa nợ thuế không đúng quy định, hoặc quay trở lại sản xuất, kinh doanh, thành lập cơ sở sản xuất, kinh doanh mới thì đều bãi bỏ quy định trước đó, thu tiền về cho ngân sách”, ĐB Trần Văn Lâm nói.

Phương Thủy