Ngày làm việc thứ mười bốn, Kỳ họp thứ Sáu, Quốc hội Khóa XIV

Thảo luận về dự thảo Luật Đặc xá (sửa đổi)

- Thứ Tư, 07/11/2018, 14:54 - Chia sẻ
Sáng 7.11, tiếp tục chương trình làm việc tại Kỳ họp thứ Sáu, QH Khóa XIV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu, QH đã thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Đặc xá (sửa đổi).

Đề nghị giữ 3 thời điểm đặc xá

Trình bày Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, UBTVQH nhận thấy, dự thảo Luật đã kế thừa Luật Đặc xá hiện hành, quy định 3 thời điểm đặc xá gồm: nhân sự kiện trọng đại của đất nước, nhân ngày lễ lớn của đất nước và trong trường hợp đặc biệt. Thực tiễn thi hành Luật Đặc xá hiện hành cho thấy, Chủ tịch Nước đã quyết định đặc xá ở cả 3 thời điểm nêu trên và không phát sinh vướng mắc về thời điểm đặc xá. Về ý kiến của ĐBQH đề nghị quy định rõ trong dự thảo Luật “sự kiện trọng đại của đất nước gồm những sự kiện nào”, UBTVQH nhận thấy, các sự kiện trọng đại của đất nước diễn ra trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, rất đa dạng, do đó, nếu quy định cụ thể trong dự thảo Luật có thể sẽ không bao quát hết. Vì vậy, UBTVQH đề nghị cho giữ 3 thời điểm đặc xá như Luật hiện hành.

Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga trình bày Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đặc xá (sửa đổi)
Ảnh: Quang Khánh

Về vấn đề này, ĐBQH Vũ Trọng Kim (Hải Dương), ĐBQH Trần Văn Quý (Hưng Yên) cho rằng, đặc xá là sự khoan hồng đặc biệt của Nhà nước do Chủ tịch Nước quyết định dành cho người bị kết án tù có thời hạn, tù chung thân nhân sự kiện trọng đại, ngày lễ lớn và trong trường hợp đặc biệt. Trong Bộ luật Hình sự có quy định về tha tù trước thời hạn, để tránh trùng lặp với chế định này, đại biểu đề nghị, dự thảo Luật không nên quy định cụ thể thời điểm đặc xá, không quy định tần suất và số lượng đặc xá mà nên để Chủ tịch Nước quyết định, tùy theo tình hình đất nước, phù hợp với phương pháp đấu tranh phòng, chống tội phạm nói chung.  

ĐBQH Vũ Trọng Kim (Hải Dương) phát biểu tại hội trường  Ảnh: Quang Khánh

Ở góc nhìn khác, ĐBQH Phạm Thị Thu Trang (Quảng Ngãi) cho rằng, từ thực tế thi hành Luật Đặc xá cho thấy, thời điểm đặc xá thường vào các ngày lễ lớn với số lượng người được đặc xá rất lớn. Ngoài ra, theo quy định của Điều 66, Bộ luật Hình sự thì Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao xem xét tha tù trước thời hạn. Việc thực hiện đặc xá 3 lần trong một năm nhân các ngày lễ lớn như Ngày Quốc khánh 2.9, ngày giải phóng đất nước 30.4, và trong trường hợp đặc biệt thì sẽ trùng đối tượng tha thù trước thời hạn của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao. Trên cơ sở đó, đại biểu đề nghị không quy định thời điểm đặc xá nhân các ngày lễ lớn mà chỉ nên đặc xá nhân sự kiện trọng đại của đất nước. Đồng thời, nên quy định có khoảng cách thời gian cho các lần đặc xá.

Rõ trách nhiệm hỗ trợ người đặc xá tái hòa nhập cộng đồng

Về chính sách của Nhà nước tạo điều kiện cho người được đặc xá tái hòa nhập cộng đồng, ĐBQH Nguyễn Thị Hồng Hà (Ninh Thuận) cho rằng, quy định về chính sách này còn rất chung chung. Theo đại biểu, trên thực tế, người chấp hành xong án phạt tù nói chung, người được đặc xá tha tù trước thời hạn nói riêng gặp nhiều khó khăn trong quá trình tái hòa nhập cộng đồng. Đây cũng là nhiệm vụ khó khăn đối với chính quyền và các cơ quan đoàn thể của địa phương. Công tác tái hòa nhập cộng đồng không thuộc trách nhiệm của riêng một cơ quan, đơn vị nào mà đòi hỏi có sự chung tay vào cuộc của toàn xã hội mới đem lại hiệu quả thiết thực. Trên cơ sở đó, đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hà đề nghị, dự thảo Luật cần bổ sung, quy định rõ các điều kiện, cơ chế đảm bảo cho người được đặc xá tái hòa nhập cộng đồng; nghiên cứu, bổ sung quy định Nhà nước cần có chính sách cụ thể hoặc khuyến khích các doanh nghiệp, cá nhân tham gia hoạt động giúp đỡ người được đặc xá với mô hình phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của từng đối tượng, từng địa phương. Có như vậy, mới huy động được nguồn lực xã hội cùng với Nhà nước thực hiện tái hòa nhập cộng đồng cho người được đặc xá. 

Toàn cảnh Phiên họp sáng 7.11   Ảnh: Quang Khánh

Đồng quan điểm này, đại biểu Phạm Thị Thu Trang cho rằng, mục đích của chính sách đặc xá là thể hiện sự khoan hồng của Đảng và Nhà nước, xây dựng con người có ích để những người được hưởng chính sách không tái phạm. Dù dự thảo Luật quy định Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi cho người được đặc xá tái hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống, phòng ngừa tình trạng tái phạm, vi phạm pháp luật và phấn đấu trở thành người có ích cho xã hội. Nhưng, dự thảo Luật chưa quy định các điều kiện đảm bảo thực hiện trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức thực hiện chính sách này.

Hiện nay, mới chỉ có một số quy định về hỗ trợ giúp đỡ người chấp hành xong hình phạt tù được quy định tại Nghị định 145 năm 2013 của Chính phủ còn Luật Thi hành án hình sự cũng chưa quy định rõ vấn đề này. Do đó, để bảo đảm thực hiện tốt chính sách đối với người được đặc xá, bảo đảm tính đồng bộ với các quy định của các luật có liên quan, cần nghiên cứu quy định về chính sách sau đặc xá. Trong đó, làm rõ trách nhiệm của các cơ quan có liên quan trong việc giúp người được đặc xá tái hòa nhập cộng đồng, trở thành người có ích cho xã hội, đại biểu Phạm Thị Thu Trang đề nghị. 

Hà An