Thảo luận tại Kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh Thanh Hóa

Nghiên cứu chiến lược phát triển nông nghiệp

- Thứ Ba, 23/06/2020, 05:37 - Chia sẻ
Đồng tình và đánh giá cao công tác chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, tại phiên thảo luận của kỳ họp, các đại biểu cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế. Đặc biệt, những vấn đề liên quan đến thu ngân sách Nhà nước giảm so với cùng kỳ, khu vực dịch vụ tăng trưởng âm; sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn… được thảo luận sôi nổi.

Quản lý chặt việc sử dụng ngân sách các cấp

Tại phiên thảo luận, các đại biểu đánh giá cao kết quả thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đạt được 6 tháng đầu năm. Tuy nhiên, chỉ tiêu thu ngân sách còn thấp là vấn đề khiến không ít đại biểu trăn trở. Theo Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Lại Thế Nguyên, một số nguồn thu ngân sách giảm so với cùng kỳ. Trong đó, thu từ khu vực doanh nghiệp Nhà nước giảm 25%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài giảm 25%; thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh giảm 12%; thuế bảo vệ môi trường giảm 8%... Do đó, đề nghị triển khai quyết liệt công tác thu ngân sách. Theo dõi sát tình hình thu ngân sách của từng đơn vị để có các giải pháp phù hợp chống thất thu, phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất dự toán thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn năm 2020. Thu hồi các khoản tạm ứng theo quy định, nhất là các khoản ứng đã lâu, kéo dài.

Các đại biểu biểu quyết thông qua nghị quyết tại Kỳ họp

Cho rằng, nợ đọng thuế còn diễn ra, nhất là nợ đọng tiền sử dụng đất, Giám đốc Sở Tài chính Đinh Thị Cẩm Vân kiến nghị tỉnh thực hiện có hiệu quả các giải pháp khai thác nguồn thu ngân sách trên, tập trung vào thu từ công tác xuất nhập khẩu, từ quyền sử dụng đất. Triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp quản lý thuế, tăng cường kiểm tra chống thất thu thuế. “Bên cạnh đó, cần quản lý chặt việc sử dụng ngân sách các cấp; rà soát, cắt giảm chi thường xuyên ở các cấp ngân sách đối với một số nhiệm vụ chi chưa thực sự cần thiết trong dự toán năm 2020”, bà Vân đề xuất.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Đức Quyền cho biết, UBND tỉnh sẽ thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp điều hành tài chính - ngân sách địa phương những tháng cuối năm; kiên quyết thu hồi các khoản nợ đọng thuế, nhất là nợ đọng tiền sử dụng đất, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản; thực hiện các chính sách hỗ trợ về thuế cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng của dịch Covid-19. Đồng thời, tăng cường nắm bắt hoạt động của doanh nghiệp, nhất là nhóm doanh nghiệp sản xuất sản phẩm chủ lực đóng góp lớn vào tăng trưởng và thu ngân sách của tỉnh để chủ động hỗ trợ, tạo điều kiện đẩy mạnh sản xuất, khuyến khích các doanh nghiệp có thuận lợi về thị trường tiêu thị tiếp tục tăng cường sản lượng để bù đắp cho các sản phẩm không đạt kế hoạch do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Liên quan đến lĩnh vực dịch vụ, các đại biểu cho rằng, do ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch Covid-19 nên dịch vụ có tốc độ tăng trưởng âm so với cùng kỳ (-1,66%). Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Trịnh Văn Chiến đề nghị, những tháng cuối năm, cần tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, kích cầu du lịch, gắn với nâng cao chất lượng các tua tuyến, các sản phẩm du lịch và dịch vụ. “Tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để tuyến Công-ten-nơ quốc tế tại cảng Nghi Sơn hoạt động hiệu quả; đồng thời vận động, kêu gọi và tạo điều kiện thuận lợi để các hãng vận tải lớn trong và ngoài nước, các doanh nghiệp logistics thành lập trụ sở, mở chi nhánh tại Thanh Hóa. Vận động, hỗ trợ các hãng hàng không mở lại, mở thêm các đường bay mới và tăng số lượng chuyến bay qua Cảng hàng không Thọ Xuân để đẩy mạnh phát triển du lịch, dịch vụ và thu hút đầu tư;...”, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh.

Tạo điều kiện để doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp

Nông nghiệp, nông thôn cũng là một trong những nội dung được các đại biểu đặc biệt quan tâm. Nhiều ý kiến cho rằng: Thời gian qua, việc chuyển đổi cơ cấu trong sản xuất nông nghiệp còn chậm, năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của nông sản còn thấp; việc tổ chức sản xuất sản phẩm chủ lực còn thiếu giải pháp đồng bộ, hiệu quả chưa cao; thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp miền núi còn hạn chế… Theo đại biểu Lê Văn Tuấn (huyện Ngọc Lặc), tỉnh cần cơ chế, chính sách ưu tiên đầu tư hạ tầng nông thôn; quan tâm nghiên cứu chiến lược phát triển nông nghiệp, bảo đảm giải quyết vấn đề về đầu ra cho các nông sản.

Đại biểu Đinh Xuân Hướng (huyện Như Thanh) đề nghị tỉnh đẩy mạnh tích tụ, tập trung đất đai để phát triển nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao; thúc đẩy tổ chức sản xuất theo hình thức cánh đồng mẫu lớn, ứng dụng công nghệ cao. Đồng thời, kiểm soát chặt dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm; có chính sách tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp… Đại biểu Mai Nhữ Thắng (huyện Nông Cống) cũng cho rằng, tỉnh cần chỉ đạo nhanh việc tích tụ đất đai; kiểm soát chặt chất lượng con giống, thực hiện việc chăn nuôi an toàn. Bên cạnh đó, sớm có các giải pháp tích cực, đồng bộ về cơ chế, chính sách hỗ trợ các địa phương cấu trúc lại ngành chăn nuôi, đầu tư xây dựng các cơ sở giết mổ tập trung bảo đảm an toàn vệ sinh môi trường, an toàn sinh học nhằm góp phần phòng, chống ngăn chặn dịch bệnh trong thời gian tới.

Tiếp thu ý kiến các đại biểu, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đình Xứng đề nghị các cấp ủy, chính quyền và các sở, ngành, các địa phương tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. “Đồng thời, tăng cường bảo vệ thành quả phát triển nông nghiệp và bảo vệ gia súc, gia cầm không để tái phát dịch tả lợn châu Phi, dịch cúm gia cầm A/H5N6; tiếp tục thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, tích tụ ruộng đất; tăng cường rà soát phương án phòng chống lụt bão; đẩy nhanh tiến độ các công trình hồ đập, đê điều phục vụ phòng chống lụt bão...”, ông Xứng nhấn mạnh.

Diệp Anh - Bách Hợp