Nâng cao chất lượng ban hành nghị quyết chuyên đề của HĐND

Thảo luận kỹ nội dung còn ý kiến khác nhau

- Thứ Bảy, 23/05/2020, 07:39 - Chia sẻ
Ngay sau khi xác định được chương trình ban hành nghị quyết trong năm tiếp theo, Thường trực HĐND tỉnh cần phân công sớm Ban theo dõi và tiến hành thẩm tra nghị quyết để có thể tiếp cận ngay với vấn đề ngay từ đầu. Tiếp tục rút ngắn thời gian trình bày các báo cáo tại hội trường, dành nhiều thời gian cho việc thảo luận tại tổ và trên hội trường, định hướng để các đại biểu thảo luận về những nội dung còn có ý kiến khác nhau, chưa đạt được sự thống nhất cao, những vấn đề mà cử tri và nhân dân quan tâm, dư luận xã hội còn nhiều bức xúc.

Bàn thảo đến khi thống nhất

Quy trình ban hành nghị quyết chuyên đề của HĐND tỉnh Lai Châu từ đầu nhiệm kỳ đến nay được tiến hành chặt chẽ. Các nội dung được lựa chọn đưa vào chương trình xây dựng nghị quyết bức thiết, phù hợp với điều kiện thực tế, khả năng nguồn lực của địa phương; chủ trương, định hướng của Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Tỉnh ủy. Bên cạnh đó, HĐND tỉnh luôn phát huy trí tuệ và tinh thần trách nhiệm của đại biểu trong thảo luận để thống nhất cao trước khi quyết định. Tại kỳ họp, đại biểu đã xem xét kỹ lưỡng, thận trọng từng nghị quyết chuyên đề, những nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau được tách ra để bàn thảo đến khi thống nhất. Mặt khác, HĐND tỉnh cũng kiên quyết không thông qua những đề án, dự thảo nghị quyết hoặc một số nội dung của đề án, dự thảo nghị quyết chưa bảo đảm chất lượng, thiếu tính khả thi, hoặc không phù hợp vì không mang tính phát triển toàn diện.

Nhìn chung, các nghị quyết được ban hành bảo đảm đúng pháp luật, sát thực tiễn, có tính khả thi cao, huy động nguồn lực, phát huy tiềm năng lợi thế, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh của địa phương. Điển hình như các nghị quyết: Về phát triển nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Lai Châu, giai đoạn 2017 - 2021; phát triển hạ tầng thiết yếu các khu sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tỉnh Lai Châu giai đoạn 2016 - 2020… Với các quyết định đúng đắn và tính pháp lý cao về những vấn đề quan trọng ở địa phương, HĐND tỉnh Lai Châu đã và đang thể hiện được vai trò là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, thể hiện trách nhiệm trước cử tri trong việc quyết định những chủ trương, biện pháp quan trọng để thúc đẩy phát triển mạnh mẽ, toàn diện và bền vững.


Họp liên tịch thống nhất nội dung, chương trình Kỳ họp thứ 13, HĐND tỉnh Lai Châu  
Ảnh: T. Thạch

Điều hành phát huy dân chủ, trí tuệ

Mặc dù có nhiều cố gắng nhưng do thời gian tổ chức kỳ họp ngắn, có nhiều dự thảo nghị quyết cần thông qua. Chất lượng các báo cáo, đề án, dự thảo nghị quyết do UBND tỉnh và các đơn vị chức năng trình kỳ họp đã được nâng lên, nhưng vẫn còn bộc lộ những hạn chế. Trong khi đó, do hoạt động kiêm nhiệm nhiều nên một số đại biểu HĐND tỉnh hạn chế về trình độ chuyên môn, năng lực; nhiều đại biểu cư trú tại các xã vùng sâu, vùng xa, giao thông đi lại khó khăn, điều kiện tiếp cận thông tin hạn chế; một số đại biểu có năng lực, nắm rõ thông tin nhưng lại có tư tưởng nể nang, ngại va chạm… tác động không nhỏ đến chất lượng ban hành các nghị quyết của HĐND tỉnh.

Thực tế hoạt động cho thấy, để các quyết định quan trọng của HĐND tỉnh sát với yêu cầu cuộc sống, có tính khả thi cao, chất lượng các báo cáo thẩm tra có ý nghĩa rất quan trọng, đòi hỏi phải đánh giá, phân tích thấu đáo những vấn đề đặt ra, mặt được và chưa được; khẳng định chính kiến của Ban và đề xuất cụ thể để HĐND xem xét, quyết định. Để làm được điều này, ngay sau khi xác định được chương trình ban hành nghị quyết trong năm tiếp theo, Thường trực HĐND tỉnh cần phân công sớm Ban theo dõi và tiến hành thẩm tra nghị quyết. Trên cơ sở đó, Ban được phân công thẩm tra có thể tiếp cận ngay với vấn đề ngay từ đầu, lường trước được các tình huống phát sinh, nhất là khi phải thẩm tra nhiều văn bản tại mỗi kỳ họp.

Bên cạnh đó, Thường trực HĐND tỉnh phải thường xuyên đôn đốc, đồng thời có sự phối hợp chặt chẽ với UBND tỉnh trong công tác chỉ đạo các cơ quan soạn thảo hoàn thành nội dung tờ trình, dự thảo nghị quyết đúng thời gian và bảo đảm chất lượng. Đối với những văn bản không thực hiện đầy đủ các điều kiện về thời gian, trình tự, thủ tục theo Luật định, cần kiên quyết chưa trình kỳ họp.

Tiếp tục đổi mới cách thức điều hành để phát huy dân chủ và trí tuệ tập thể trong các kỳ họp theo hướng rút ngắn thời gian trình bày các báo cáo tại hội trường, dành nhiều thời gian cho việc thảo luận tại tổ và trên hội trường trước khi tiến hành hoạt động chất vấn. Thường trực HĐND tỉnh nên chú trọng công tác định hướng để các đại biểu thảo luận về những vấn đề còn có ý kiến khác nhau, chưa đạt được sự thống nhất cao, những vấn đề cử tri và nhân dân quan tâm, dư luận xã hội còn nhiều bức xúc. Thường trực HĐND tỉnh nên chủ động hội ý với UBND tỉnh và các cơ quan liên quan về những vấn đề chưa đồng thuận để thống nhất trước khi trình HĐND tỉnh biểu quyết thông qua, tạo không khí dân chủ, phát huy trí tuệ tập thể khi thảo luận và biểu quyết.

Cùng với đó, cần giám sát thường xuyên, chặt chẽ việc triển khai thực hiện nghị quyết; sớm phát hiện và chấn chỉnh những trường hợp triển khai chậm, triển khai không đầy đủ hoặc không đúng với tinh thần của nghị quyết; sớm củng cố, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động cho các cơ quan chấp hành, thực thi pháp luật, bảo đảm để các đơn vị đủ năng lực tổ chức triển khai thực hiện tốt các chủ trương, chính sách mà nghị quyết HĐND tỉnh đã thông qua.

LÒ VĂN THẠCH