Thảo luận dân chủ để quyết đáp chính xác

- Thứ Năm, 04/04/2013, 08:40 - Chia sẻ
Luật Tổ chức HĐND và UBND quy định: HĐND quyết định những chủ trương, biện pháp quan trọng để phát huy tiềm năng, xây dựng và phát triển địa phương, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Tuy nhiên, để quyết đáp chính xác, việc thảo luận tại kỳ họp phải thực sự dân chủ, khoa học, phát huy trí tuệ của đại biểu.

Để thảo luận tại kỳ họp đạt kết quả, cần bảo đảm một số yêu cầu cơ bản sau.

Thông tin đầy đủ: trước hết, đại biểu HĐND phải có được các thông tin đầy đủ, chính xác, khách quan về vấn đề thảo luận. Yêu cầu này phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nhưng chủ yếu là sự chủ động thu thập thông tin của đại biểu; sự phối hợp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan và chất lượng báo cáo thẩm tra của của các ban HĐND tỉnh.

Việc đại biểu chủ động thu thập thông tin phục vụ thảo luận tại kỳ họp giữ vai trò quyết định, vì chỉ có bản thân đại biểu mới biết rõ lĩnh vực và vấn đề mình quan tâm, từ đó xác định đúng nội dung thông tin cần thu thập. Nhưng để làm được điều đó phụ thuộc một phần vào sự phối hợp của các tổ chức, cá nhân giữ thông tin, tài liệu. Bất cập hiện nay của pháp luật là: chỉ có quy định mang tính nguyên tắc về trách nhiệm cung cấp thông tin cho đại biểu, nhưng thiếu hướng dẫn cụ thể (loại thông tin, tài liệu phải cung cấp, cách thức cung cấp...) và thiếu quy định chế tài xử lý đối với những trường hợp cố tình không thực hiện yêu cầu cung cấp thông tin, tài liệu cho đại biểu. Vì vậy, nhiều trường hợp đơn vị đưa ra những lý do khác nhau để từ chối hoặc trì hoãn việc cung cấp thông tin cho đại biểu (như Tài liệu mật hoặc Tài liệu chưa được công bố...).

Báo cáo thẩm tra của các ban HĐND là một nguồn thông tin rất quan trọng phục vụ việc thảo luận của đại biểu. Những kỳ họp gần đây, chất lượng báo cáo thẩm tra của các ban HĐND tỉnh được nâng lên đáng kể. Thời gian tới, Thường trực, các ban HĐND tỉnh tiếp tục nâng cao chất lượng báo cáo thẩm tra, trong đó đặc biệt lưu ý việc tổ chức tham vấn ý kiến nhân dân về những vấn đề HĐND sẽ xem xét, quyết định tại kỳ họp.

Thảo luận có trọng tâm, trọng điểm: ý kiến thảo luận của đại biểu phải tập trung vào những vấn đề quan trọng, có tính cấp thiết đối với sự phát triển KT-XH của địa phương; hoặc những vấn đề được đông đảo cử tri quan tâm, tránh lan man, sa đà vào những vụ việc cụ thể, vụn vặt.

Để đạt được yêu cầu đó những kỳ họp gần đây, Thường trực HĐND tỉnh Bắc Giang chú trọng việc gợi ý thảo luận. Căn cứ kết quả giám sát thường xuyên, giám sát chuyên đề; kết quả TXCT trước kỳ họp, kết hợp với đề xuất của các ban HĐND tỉnh và các nguồn thông tin khác, Thường trực HĐND tỉnh lựa chọn những vấn đề nổi cộm để gợi ý đại biểu thảo luận từ trước ngày khai mạc kỳ họp. Trên cơ sở gợi ý của Thường trực HĐND, đại biểu có điều kiện nghiên cứu vấn đề, thu thập thêm thông tin, chuẩn bị nội dung và chủ động tham gia thảo luận nên chất lượng ý kiến bảo đảm.

Các phiên thảo luận toàn thể tại hội trường đều được truyền hình trực tiếp để cử tri theo dõi, giám sát, do đó vấn đề được đông đảo cử tri quan tâm, phản ánh cũng được Thường trực HĐND tỉnh ưu tiên lựa chọn, đưa vào gợi ý và nêu ra để đại biểu thảo luận tại hội trường. Việc các ý kiến của cử tri được HĐND tỉnh quan tâm xem xét, thảo luận tại kỳ họp và truyền hình trực tiếp để cử tri theo dõi có ý nghĩa rất tích cực trong việc tạo sự gắn bó giữa đại biểu với cử tri, củng cố lòng tin của cử tri và nhân dân với nhà nước, đặc biệt là với cơ quan dân cử.

Điều hành khoa học: đây là yêu cầu đặt ra đối với người chủ trì phiên thảo luận. Phương pháp điều hành khoa học một mặt có thể động viên, khuyến khích đại biểu tích cực tham gia thảo luận, phát huy tinh thần dân chủ, mặt khác định hướng để đại biểu thảo luận đúng trọng tâm, trọng điểm.

Yêu cầu này phụ thuộc chủ yếu vào năng lực của người chủ trì, tuy nhiên cũng có thể được hỗ trợ bởi một số biện pháp cụ thể như: chuẩn bị trước kịch bản thảo luận. Trong đó, sắp xếp các vấn đề được đưa ra thảo luận theo một trật tự khoa học, phù hợp với mối quan hệ tác động qua lại giữa các vấn đề đó, hoặc lựa chọn trước một số nội dung, đề nghị các đại biểu thuộc ngành, lĩnh vực, địa phương liên quan đến vấn đề đó phát biểu thảo luận, tạo không khí sôi nổi, khuyến khích các đại biểu khác tham gia ý kiến. Việc chuẩn bị kịch bản hoặc đặt bài phát biểu trước hoàn toàn không mâu thuẫn với nguyên tắc dân chủ trong điều hành, ngược lại nó có tác dụng để dân chủ được phát huy thực chất và đầy đủ hơn.

Đại biểu tích cực tham gia ý kiến: Có thể coi đây là yếu tố quan trọng hàng đầu. Vì cho dù có đủ 3 yếu tố trên mà đại biểu không tham gia ý kiến, hoặc chỉ phát biểu qua loa, chiếu lệ, thì phiên thảo luận cũng không thể đạt kết quả tốt.

Quá trình thảo luận, người chủ trì không thể nói thay đại biểu, mà chỉ có thể động viên, khuyến khích, gợi mở... Tuy nhiên, các biện pháp đó đôi khi cũng không phát huy hiệu quả. Một phần do ý thức trách nhiệm của đại biểu, một phần do sự thiếu tự tin hoặc tâm lý nể nang, ngại va chạm, ngại đề cập các vấn đề gai góc. Để góp phần khắc phục thực trạng đó, trong Đề án Nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND tỉnh vừa được thông qua, Thường trực HĐND tỉnh Bắc Giang đã đề xuất xây dựng các phiếu theo dõi, đánh giá hoạt động của đại biểu, trong đó có nội dung theo dõi việc tham gia ý kiến thảo luận của đại biểu tại các kỳ họp HĐND tỉnh. Hàng năm và cuối nhiệm kỳ, các phiếu theo dõi này sẽ được gửi đến cơ quan, đơn vị và tổ chức Đảng nơi đại biểu công tác, sinh hoạt. Đây được coi là giải pháp nhằm quản lý, theo dõi, đánh giá hoạt động của đại biểu, đồng thời tạo động lực giúp đại biểu vượt qua những trở ngại tâm lý để tích cực tham gia các hoạt động của HĐND, từng bước tạo thành thói quen và rèn luyện bản lĩnh người đại biểu.

Xử lý tình huống kịp thời: qua thảo luận, khi phát hiện những nội dung có nhiều ý kiến trái chiều hoặc phát sinh những vấn đề mới, Thường trực HĐND cần có biện pháp xử lý tình huống phù hợp, ngay tại kỳ họp. Việc căn cứ vào kết quả thảo luận của đại biểu để đưa ra những quyết đáp kịp thời chính là biểu hiện tinh thần dân chủ cao trong hoạt động kỳ họp, phát huy trí tuệ tập thể. Làm như vậy không những giúp HĐND tránh đi đến những quyết định thiếu chính xác, mà còn thể hiện sự tôn trọng đối với các ý kiến của đại biểu, có ý nghĩa khích lệ rất lớn, động viên đại biểu nâng cao tinh thần trách nhiệm, tích cực tham gia thảo luận và các hoạt động khác của kỳ họp.

Tại Kỳ họp thứ 4 HĐND tỉnh Bắc Giang Khóa XVII (Tháng 7.2012), kết thúc phiên thảo luận tổ, sau khi nghe các Tổ trưởng Tổ thảo luận báo cáo kết quả, Thường trực HĐND tỉnh nhận thấy có nhiều ý kiến băn khoăn về một dự thảo nghị quyết đã được thẩm tra và đưa vào chương trình chính thức để trình HĐND thông qua. Ngay phiên họp sau, Thường trực HĐND tỉnh đã chỉ đạo bộ phận giúp việc gửi phiếu xin ý kiến của các đại biểu. Kết quả, đa số đại biểu đề nghị tạm dừng việc xem xét, thông qua dự thảo nghị quyết này. Trên cơ sở đó, Thường trực chính thức đề xuất và được kỳ họp nhất trí tạm dừng việc xem xét, thông qua dự thảo nghị quyết.

Từ kinh nghiệm thực tế nêu trên, Thường trực HĐND tỉnh Bắc Giang dự kiến sẽ tăng cường áp dụng hình thức xin ý đại biểu thông qua Phiếu xin ý kiến tại kỳ họp để lấy thông tin, tạo thống nhất cao trước khi HĐND quyết định những vấn đề quan trọng, nhạy cảm.

Nguyễn Mạnh Cường
Phó chủ tịch HĐND tỉnh Bắc Giang