TP Hà Nội

Tháo gỡ vướng mắc đối với thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm

- Thứ Tư, 04/12/2019, 18:58 - Chia sẻ
Qua hơn 4 tháng triển khai, với mạng lưới được phủ khắp tại 30 quận, huyện, thị xã và 584 xã, phường, thị trấn, dù còn không ít khó khăn, song lực lượng thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm tại Hà Nội đã góp phần tăng hiệu lực quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người sản xuất, kinh doanh.

Từ năm 2016, thành phố triển khai thí điểm thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm tại 5 quận, huyện và 10 phường, xã. Với những kết quả tích cực sau thí điểm, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, từ ngày 10.7.2019, Hà Nội mở rộng thí điểm thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm tại 30 quận, huyện, thị xã và 584 xã, phường, thị trấn. Đây là lực lượng có chuyên môn, được đào tạo, triển khai bài bản, có chức năng nhiệm vụ thực hiện thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm theo kế hoạch và đột xuất được huy động để giải quyết vấn đề nóng về an toàn thực phẩm trên địa bàn.


Đoàn kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm tại một trường mầm non trên địa bàn huyện Đông. (Anh. Nguồn: ITN)

Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung cho biết, để đáp ứng đầy đủ nguồn nhân lực tham gia công tác thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm tuyến cơ sở, Sở đã phối hợp Trường Cán bộ thanh tra Chính phủ triển khai 35 lớp đào tạo, cấp chứng chỉ thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm cho gần 4.000 công chức, viên chức, chủ tịch, phó chủ tịch UBND xã, phường trên địa bàn thành phố thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành. Đồng thời, phối hợp Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia khai giảng 25 lớp đào tạo cấp chứng chỉ lấy mẫu thực phẩm cho 1.240 người.

Trong 9 tháng năm 2019, thành phố đã tổ chức 651 đoàn thanh tra, kiểm tra, trong đó có 618 đoàn liên ngành. Kết quả, kiểm tra được 83.240 lượt cơ sở, trong đó tuyến quận, huyện, tuyến xã, phường kiểm tra được 82.651 lượt cơ sở, tuyến thành phố kiểm tra được 589 lượt cơ sở. Đã có 323 trong tổng số 584 xã, phường, thị trấn triển khai thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm, với tổng số 1.516 cơ sở được thanh tra, qua đó xử phạt 327 cơ sở với hơn 519 triệu đồng. Các cơ quan chức năng đã lấy 3.829 mẫu thực phẩm gửi làm xét nghiệm chỉ tiêu lý hóa và vi sinh tại la-bô xét nghiệm. Kết quả, có 3.586 mẫu đạt chỉ tiêu...

Dù kết quả bước đầu khá tích cực, song tại nhiều quận, huyện, xã, phường của Hà Nội hiện đang gặp khó khăn trong việc tổ chức lực lượng, tiến hành thanh tra an toàn thực phẩm. Trưởng phòng Y tế quận Hoàn Kiếm Phạm Thị Thanh Nhàn cho biết, hiện quận đang thiếu phương tiện bảo hộ, nhiệt kế để đo nhiệt độ các tủ bảo quản, tủ bảo ôn; thiếu túi trữ lạnh, đá khô khi vận chuyển mẫu xét nghiệm. Quận đề xuất UBND thành phố đưa các phương tiện này vào danh mục trang bị bắt buộc để cơ sở có thể mua được.

Tại tuyến huyện, nhiều đơn vị đang gặp khó khăn khi triển khai tới xã do thiếu hụt nhân lực và cơ sở vật chất. Phần lớn người được giao thực hiện thí điểm thanh tra chuyên ngành tại cơ sở đều kiêm nhiệm. Bên cạnh đó, phần lớn các quận, huyện và xã, phường triển khai thí điểm thanh tra lần đầu, công chức, viên chức được giao nhiệm vụ thanh tra mới được tập huấn thời gian ngắn, kiến thức và kinh nghiệm thanh tra còn hạn chế; quy trình thanh tra chặt chẽ, phức tạp, cho nên gặp khó khăn khi thực hiện.

Mặt khác, cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm do cấp xã quản lý thường là các cơ sở nhỏ lẻ, sản xuất, kinh doanh tính thời vụ, doanh số thu hàng ngày rất thấp, chủ cơ sở thường là người quen, có tình làng nghĩa xóm, anh em họ hàng nên còn dè dặt trong xử lý ở giai đoạn đầu triển khai. Một bất cập nữa cũng cần được kể tới đó là quy định của ba ngành công thương, y tế, nông nghiệp và phát triển nông thôn có một số nội dung còn khác nhau, không đồng nhất, dẫn đến lực lượng chức năng khi tổ chức thanh tra gặp lúng túng.

Trước nguy cơ ô nhiễm thực phẩm, ngộ độc thực phẩm và dịch bệnh diễn biến có chiều hướng phức tạp, việc triển khai thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm rất cần thiết, nhất là tại tuyến cơ sở. Để làm tốt công tác này trong thời gian tới, TP Hà Nội sẽ tiếp tục tổ chức đào tạo bổ sung, nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng cho lực lượng thanh tra chuyên ngành.

Tiến hành thí điểm hình thức thanh tra độc lập, chú trọng ở cấp cơ sở. Trước mắt, khi Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Canh Tý đang đến gần, thành phố chỉ đạo các lực lượng chức năng thành lập bốn đội liên ngành, tăng cường kiểm tra các hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu, bia, bánh, mứt kẹo, rau, củ, quả, nhất là các nhà hàng ăn uống, các cơ sở cung cấp suất ăn, bếp ăn tập thể ở trường học, cơ quan doanh nghiệp, hộ kinh doanh, tại các chợ dân sinh, trong các dịp lễ hội… những nơi có nguy cơ cao xảy ra mất an toàn thực phẩm.

Vân Phi