Tháo gỡ bất cập trong phát triển giao thông

- Thứ Sáu, 20/09/2019, 08:38 - Chia sẻ
Do khó khăn về cơ chế, chính sách cũng như nguồn lực của thành phố còn eo hẹp, chính vì thế, một số chỉ tiêu về giao thông trong Nghị quyết của HĐND thành phố về phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020 vẫn còn thấp so với yêu cầu đặt ra.

Tỷ lệ vận chuyển hành khách công cộng vẫn còn thấp

Báo cáo đoàn giám sát, Phó Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải (GT - VT) Nguyễn Xuân Thanh thẳng thắn nhìn nhận việc thực hiện chỉ tiêu về vận chuyển hành khách công cộng (VCHKCC) và chỉ tiêu đất dành cho giao thông trong giai đoạn 2016 - 2020 vẫn còn thấp. Cụ thể, chỉ tiêu về tỷ lệ VCHKCC mới đạt 16,08% (theo yêu cầu đến hết năm 2020 cần đạt 20 - 25%); chỉ tiêu về diện tích đất dành cho giao thông/diện tích đất đô thị mới chỉ đạt 9,55% (theo yêu cầu đến hất năm 2020 cần đạt 10 - 13%). “Nguồn vốn dành cho đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng GT - VT còn hạn chế, nhiều công trình có trong kế hoạch nhưng không được bố trí vốn kịp thời nên triển khai chậm; mạng lưới đường giao thông chưa hoàn thiện, nhiều tuyến vành đai chưa hoàn chỉnh và khép kín; tình trạng ùn tắc giao thông diễn biến phức tạp, tai nạn giao thông ở mức cao; đường sắt đô thị vẫn trong quá trình xây dựng, chưa hoàn thành đưa vào khai thác, sử dụng” - Phó Giám đốc Sở GT - VT chỉ rõ những hạn chế, bất cập. 

Nguyên nhân chủ yếu dẫn tới thực trạng nêu trên một phần được xác định do một số công trình hạ tầng giao thông trong giai đoạn đầu tư trung hạn 2016 - 2020 mặc dù cần phải đầu tư sớm nhưng buộc phải thực hiện vào cuối kỳ để bảo đảm kế hoạch cân đối nguồn vốn. Trong khi đó, cơ chế chính sách trong công tác đầu tư có nhiều thay đổi nên ảnh hưởng không nhỏ đến các dự án đầu tư. “Đặc biệt, công tác GPMB, chuẩn bị quỹ nhà tái định cư cho một số dự án giao thông chưa đáp ứng được tiến độ. Trong khi năng lực quản lý, chỉ đạo điều hành, thực hiện dự án của một số chủ đầu tư, nhà đầu tư vẫn còn hạn chế” - ông Nguyễn Xuân Thanh chia sẻ.

Để có thể giải được “bài toán” nêu trên, Sở GT - VT đã đề ra 8 giải pháp để phát triển chỉ tiêu VCHKCC và 10 giải pháp để tăng diện tích đất dành cho giao thông/diện tích đất đô thị. Theo đó, Hà Nội sẽ mở rộng tối đa mạng lưới xe buýt để tăng tỉ lệ VCHKCC, đầu tư xe buýt nhỏ để kết nối, trung chuyển; mở mới các tuyến buýt dọc theo hành lang của các tuyến đường sắt đô thị; đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các dự án công trình trọng điểm về giao thông của thành phố giai đoạn 2016 - 2020...


Thời gian tới, Hà Nội sẽ mở rộng tối đa mạng lưới xe buýt để tăng tỷ lệ vận chuyển hành khách công cộng
Ảnh: P. Long

Phát huy tối đa năng lực vận chuyển của hệ thống xe buýt

Lắng nghe các ý kiến tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn kết luận: Một trong những tiêu chí để đánh giá một thành phố có phát triển hay không chính là vấn đề giao thông đô thị, vì thế, HĐND thành phố đã lựa chọn nội dung hết sức quan trọng này để tiến hành giám sát. Trong điều kiện Thủ đô hiện còn nhiều khó khăn thì việc chỉ tiêu tỷ lệ đảm nhiệm của VCHKCC và tổng diện tích đất dành cho giao thông/diện tích đất đô thị đạt được những con số nêu trên đã thể hiện sự cố gắng lớn của Sở GT - VT. “Sở GT - VT đã thể hiện sự quyết tâm trong việc thực hiện triển khai các kế hoạch trong lĩnh vực giao thông, mặc dù đây là lĩnh vực “nóng”, nhạy cảm, ảnh hưởng và liên quan trực tiếp đến mọi đối tượng. Đồng thời, Sở đã ban hành nhiều cơ chế chính sách, kế hoạch tham mưu cho Thành uỷ, UBND thành phố, qua đó, nhiều Nghị quyết, chính sách đã được ban hành và đi ngay vào cuộc sống” - ông Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh. 

Tuy nhiên, Trưởng đoàn giám sát đề nghị Sở GT - VT cần lưu ý đảm bảo đồng bộ các giải pháp liên quan đến đảm bảo hệ thống giao thông của thành phố, trong đó bao gồm cả cơ sở hạ tầng, quy hoạch bố trí quản lý giao thông, văn hóa giao thông, xử lý vi phạm… Theo đó, để thực hiện tốt chỉ tiêu liên quan VCHKCC đòi hỏi các cấp các ngành có quyết tâm cố gắng cao hơn nữa. Vì vật, Sở GT - VT cần đánh giá lại đề án xe buýt để tính toán phát triển hợp lý, cách thức để hệ thống BRT đạt hiệu quả cao hơn... Đồng thời, cần rà soát đôn đốc phối hợp với các chủ đầu tư, Tổng Công ty Vận tải, quận, huyện thực hiện tốt về VCHKCC, an toàn giao thông…

“Đặc biệt, đối với một số khó khăn, vướng mắc trong giai đoạn hiện nay về nguồn lực đầu tư, các sở, ngành cần cùng Sở GT - VT tính toán tham mưu thành phố để báo cáo Thủ tướng nhằm tìm cách tháo gỡ” - Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố đề xuất. 

LONG HUỲNH