Thúc đẩy thanh toán điện tử

Thanh toán bằng tài khoản viễn thông là xu thế

- Thứ Năm, 17/10/2019, 08:26 - Chia sẻ
Tại tọa đàm Thúc đẩy thanh toán điện tử trên toàn quốc, do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức chiều qua, các đại biểu cho rằng, bên cạnh việc giúp khách hàng trải nghiệm tính an toàn, tiện dụng, việc cho phép thanh toán bằng tài khoản viễn thông sẽ là một trong những hướng đi hiệu quả.

Giao dịch điện tử chủ yếu ở loại hình đơn giản

Theo Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) Đặng Hoàng Hải, trong 6 tháng đầu năm, số lượng giao dịch thanh toán điện tử của cả nước tăng 30%, giá trị giao dịch tăng 18% so với cùng kỳ năm ngoái. Mặc dù có tăng trưởng song ông Hải thừa nhận “không có sự đồng đều”. Đơn cử, ngay trong lĩnh vực thương mại điện tử, giao dịch bằng tiền mặt vẫn là chủ yếu (giao hàng rồi nhận tiền - COD).

Tổng giám đốc Tổng công ty Dịch vụ số Viettel Phạm Trung Kiên thừa nhận, dù năm nay Việt Nam có tốc độ tăng trưởng thanh toán điện tử số 1 thế giới song “chưa nói lên nhiều điều” khi 90% giao dịch trong thương mại điện tử vẫn dùng tiền mặt. Việc phát triển tới hàng trăm công ty công nghệ tài chính (fintech), hàng chục công ty thanh toán trên thị trường chứng tỏ tiềm năng phát triển thanh toán điện tử nhưng tính năng, ứng dụng cho người sử dụng không nhiều. “Hầu hết số lượng và giá trị giao dịch ở loại hình đơn giản như chuyển tiền, thanh toán tiền điện thoại, tiền điện, tiền  nước...”, ông Kiên nói.

Lý giải nguyên nhân người dân còn chưa mặn mà với thanh toán điện tử, Tổng thư ký Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) Phùng Anh Tuấn cho rằng do thiếu khung pháp lý để “bật đèn xanh” cho doanh nghiệp tham gia những ngành mới và còn dư địa rất lớn như cho vay ngang hàng (P2P), huy động vốn từ các cộng đồng lớn qua mạng internet hay ngân hàng điện tử… Bên cạnh đó, người dân vẫn thiếu niềm tin vào tính an toàn của thanh toán điện tử, nhất là chưa thực sự thuận lợi, dễ dàng sử dụng.


Các đại biểu tại tọa đàm

Phải trả lời câu hỏi “tiền của tôi có bị mất không?”

Trên thực tế, để thúc đẩy thanh toán điện tử, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2545/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020. Tuy nhiên, để Đề án thực sự đi vào cuộc sống, ngoài việc đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân, điều rất quan trọng là phải tạo cho người dân được trải nghiệm để họ thấy lợi ích của việc không dùng tiền mặt. Đó là sự tiện lợi, dễ sử dụng. Bởi nói như Tổng thư ký VAFI, nếu không tạo điều kiện dễ dàng cho người sử dụng thì dù có đẩy đến tận tay, người ta cũng không “mặn mà” với thanh toán điện tử.

 Đồng thời, phải để người tiêu dùng thấy tất cả tranh chấp thương mại điện tử được giải quyết nhanh chóng; các giao dịch được bảo đảm có độ tin cậy cao, an toàn. Điều này đồng nghĩa, doanh nghiệp phải trả lời được câu hỏi của khách hàng “tiền của tôi có bao giờ bị mất không?”

Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, việc cho phép triển khai thanh toán thông qua tài khoản viễn thông (Mobile Money) cũng là cách để thúc đẩy thanh toán điện tử. Hiện, sử dụng tài khoản viễn thông để thanh toán đã có sự phát triển với quy mô lớn trên toàn thế giới (khoảng gần 900 triệu tài khoản đăng ký tại 90 nước, giá trị giao dịch mỗi ngày là 1,3 tỷ USD).

Trên thực tế, Chính phủ đã đồng ý cho sử dụng tài khoản viễn thông để thanh toán hàng hóa có giá trị nhỏ. Tổng giám đốc Tổng công ty Dịch vụ số Viettel Phạm Trung Kiên cho rằng việc phát triển hình thức thanh toán này không những không cạnh tranh với các ngân hàng mà còn là cơ hội rất lớn cho ngành ngân hàng. Bởi lẽ, “việc thanh toán thông qua tài khoản viễn thông áp dụng với các đơn hàng có giá trị nhỏ, từ cốc cà phê, bánh xà phòng, bữa ăn sáng… Đây là những món hàng rất ít người sử dụng tài khoản ngân hàng để thanh toán. Khi tạo cho người dân thói quen rút điện thoại ra trả tiền cho những món hàng giá trị nhỏ thì dần dần, đối với những món hàng có giá trị lớn như mua chiếc xe máy, ô tô…, người dân sẽ điện tử hóa và khi đó, cách duy nhất là ngân hàng”, ông Kiên tin tưởng.

Cũng theo ông Kiên, với việc đầu tư công nghệ, phủ sóng rộng khắp đất nước, hiện các nhà mạng đã sẵn sàng để triển khai thanh toán bằng tài khoản viễn thông, với mục tiêu bảo đảm tiện lợi nhất cho người sử dụng. Riêng với Viettel, do đã có 8 năm triển khai tranh toán điện tử với các dịch vụ được Ngân hàng Nhà nước cấp phép, thẩm định chặt chẽ, nhằm bảo đảm an toàn hệ thống, an toàn cho người dùng, “chúng tôi đã làm chủ công nghệ viễn thông để chủ động bảo vệ người tiêu dùng khi triển khai thanh toán bằng tài khoản viễn thông”, ông Kiên khẳng định.

Đan Thanh