Doanh nghiệp - Trường nghề

Thành tố quan trọng của thị trường lao động

- Thứ Tư, 18/09/2019, 08:20 - Chia sẻ
Có người ví mối quan hệ giữa trường nghề với doanh nghiệp (DN) là như răng với môi, hai thành tố không thể thiếu trong thị trường lao động. Môi hở thì răng lạnh. Song trên thực tế không phải trường nghề hay DN nào cũng nhận thức đầy đủ tầm quan trọng đó. Đại diện một số DN cho rằng, phải lượng hóa cụ thể những lợi ích tài chính cho DN hay tạo cơ chế làm việc nhằm tăng sự tham gia của cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) và DN…

Giám đốc Nghiệp vụ Công ty Toyota Biên Hòa (TBH) HUỲNH TẤN THUYẾT: Cho doanh nghiệp thấy lợi ích tài chính

Từ năm 1994, với việc tham gia Dự án phân tích nghề DACUM, ở TP Hồ Chí Minh, cùng với một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN), chúng tôi đã nhìn thấy những lợi ích vô cùng to lớn từ việc TBH bắt tay với các cơ sở GDNN.

Kể từ đó, TBH bắt đầu mạnh dạn phối hợp với các cơ sở GDNN ở khu vực Đồng Nai và TP Hồ Chí Minh, từ việc góp ý với nhà trường trong xây dựng chuẩn đầu ra (ELO). Nhà trường điều chỉnh chương trình đào tạo để có đầu ra phù hợp với yêu cầu của DN; cải tiến một số môn học (module) theo hướng tập trung phát triển năng lực cơ bản, kỹ năng nghề cơ bản (basic skills)… Doanh nghiệp tham gia các hội đồng thi đánh giá năng lực nghề của giáo viên; dạy thỉnh giảng và nhận học sinh về thực tập, làm việc tại công ty. Thông qua sự hợp tác này, trường nghề xây dựng chuẩn đầu ra phù hợp với yêu cầu của DN, sát với thực tế; sinh viên có nhiều cơ hội tiếp cận và trải nghiệm thực tế tại DN; giảng viên cập nhật tiến bộ công nghệ; và DN tuyển dụng được nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của công việc.

Mặc dù, lợi ích từ sự gắn kết giữa DN và các trường nghề nói chung đã rất rõ ràng nhưng hiện nhiều DN hay trường nghề chưa thực sự mặn mà kết nối với nhau. Lý do có nhiều và đến từ cả hai phía. Một số doanh nghiệp nhỏ, còn mới, chưa có đội ngũ nhân sự tốt thì không nói, nhiều DN có điều kiện, năng lực để đóng góp cho các cơ sở GDNN cũng thờ ơ, đơn giản chỉ vì DN thấy đóng góp của mình không được lắng nghe và thay đổi một cách tích cực, dần dần không còn mặn mà nữa; hoặc có lãnh đạo DN chưa nhận thức đầy đủ lợi ích mối quan hệ này mang lại. Trong một số trường hợp lý do đến từ nhà trường, nhà trường chưa thật sự quan tâm để có những kết nối thực chất, có lợi cho 2 bên.

Để tăng cường kết nối mối quan hệ này, tôi cho rằng, cần làm cho DN thấy những lợi ích cụ thể khi tham gia quá trình đào tạo cùng cơ sở GDNN; lượng hóa những đóng góp của DN cho đào tạo nghề. Mạnh dạn giao nội dung đánh giá cấp chứng chỉ năng lực nghề nghiệp về cho Hiệp hội DN, hiệp hội nghề nghiệp, hạn chế sự tham gia của quản lý nhà nước. Tạo cơ chế làm việc nhằm tăng sự gắn kết của cơ sở GDNN và DN, cụ thể: Với cơ sở GDNN, yêu cầu một số hoạt động có sự tham gia của DN; và ngược lại với DN cũng vậy.

Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) LÊ MINH CHUẨN: Nghiêm túc đánh giá kỹ năng nghề quốc gia

Là đơn vị hoạt động trong lĩnh vực nghề nghiệp nặng nhọc độc hại và nguy hiểm, nên hơn ai hết, chúng tôi hiểu rõ giá trị của những người thợ được đào tạo bài bản, có kỹ năng, kỷ luật lao động. Bởi thế, việc gắn bó với các cơ sở GDNN chuyên đào tạo về chuyên ngành than - khoáng sản, như Trường CĐ Than - Khoáng sản Việt Nam, là điều không thể thiếu.

Đối với Trường CĐ Than - Khoáng sản Việt Nam, ngoài việc đặt hàng đào tạo, chúng tôi còn chỉ đạo các đơn vị thành viên phối hợp với nhà trường trong xây dựng chương trình, giáo trình đào tạo các nghề mỏ; đồng thời, nhà trường phải xin ý kiến của các DN và báo cáo Tập đoàn phê duyệt. Ngoài ra, các DN trong Tập đoàn phải phối hợp với nhà trường để tuyển sinh theo cơ chế DN tự tuyển ít nhất 20%, còn lại 80% ủy thác cho nhà trường tuyển thông qua mạng lưới tuyển sinh của trường; tham gia cộng quản với trường trong suốt thời gian đào tạo và bố trí cho học sinh thực tập sản xuất, thực tập tốt nghiệp; tạo điều kiện cho giáo viên dạy nghề tham gia hoạt động tại hiện trường sản xuất của DN nhằm giúp họ nắm bắt được các tình huống thực tế trong quản lý, tổ chức sản xuất; cập nhật công nghệ, kỹ thuật mới. Chính nhờ sự gắn bó, kết hợp chặt chẽ này, nên hàng năm các DN của TKV được bổ sung từ 3.000 - 4.000 lao động mỏ hầm lò, kịp thời thay thế cho lao động nghỉ chế độ, chuyển việc hoặc chấm dứt hợp đồng.

Tuy nhiên, cũng phải nói thẳng với nhau, các cơ sở GDNN vẫn còn nhiều khiếm khuyết như: Cơ sở vật chất, trang thiết bị giảng dạy chưa đúng với thực tế công nghệ cũng như thiết bị mà các doanh nghiệp đang sử dụng; đội ngũ giáo viên thực hành đa phần chưa trải qua công việc thực tế nên khi truyền đạt kỹ năng nghề cho học sinh hạn chế. Cùng với đó, chương trình đào tạo chưa hoàn toàn phù hợp với tiêu chuẩn kỹ năng nghề mà DN cần. Đặc biệt, kinh phí đào tạo theo tiêu chuẩn của Nhà nước còn thấp nên việc thực tập sản xuất bị hạn chế, bởi không có đủ vật tư. Ngoài ra, một số doanh nghiệp chưa muốn chi đầu tư cho công tác đào tạo nghề; chỉ tuyển lao động đã qua đào tạo trên thị trường. Tất cả những điều này dẫn đến tình trạng học sinh ra trường chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu nhân lực của DN.

Để khắc phục những hạn chế này, theo tôi, phải thực hiện nghiêm túc việc đánh giá kỹ năng nghề quốc gia đối với tất cả ngành nghề để bảo đảm chất lượng lao động qua đào tạo. Làm nghiêm túc và đầy đủ việc này thì các trường phải tự tìm cách nâng cao chất lượng đào tạo và đương nhiên người lao động sẽ có ý thức học tập, rèn luyện kỹ năng nghề để đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng.

Thái Bình ghi