Thái Nguyên: Tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới

Thành tích vượt bậc

- Chủ Nhật, 06/10/2019, 09:17 - Chia sẻ
Sau 10 năm thực hiện xây dựng Chương trình Nông thôn mới (NTM) đã làm thay đổi diện mạo vùng nông thôn Thái Nguyên và đạt được nhiều thành tích vượt bậc trên tất cả các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội.

Xây dựng chính sách riêng


Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Vũ Hồng Bắc

Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Vũ Hồng Bắc phấn khởi với nhiều thành tích đạt được, thực tế, không chỉ đạt và vượt mục tiêu đề ra, các nội dung xây dựng NTM ngày càng đi vào chiều sâu, hướng tới sự bền vững. Giai đoạn 2011 - 2015, tỉnh Thái Nguyên vinh dự đón nhận Huân chương lao động hạng nhất của Chủ tịch Nước tặng. Giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh tiếp tục được ghi nhận là đơn vị dẫn đầu cụm thi đua 14 tỉnh miền núi phía Bắc trong Phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”. Đây là thành quả to lớn của sự đoàn kết, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, sự giám sát chặt chẽ của HĐND tỉnh và sự quan tâm, nỗ lực, cố gắng của của UBND tỉnh cùng các sở, ban, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương và nhân dân trong tỉnh.

Hòa trong không khí tưng bừng, phấn khởi của Đảng bộ, các cấp chính quyền và nhân dân tỉnh Thái Nguyên trong dịp tổng kết và điểm lại những thành tích sau 10 năm thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2010 - 2020. Theo UBND tỉnh Thái Nguyên, sau khi triển khai thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM, tỉnh đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể phù hợp theo từng năm và từng giai đoạn. Với tổng số huy động thực hiện Chương trình lên đến 21.357 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư phát triển sản xuất và các nguồn vốn hợp pháp khác là 6.826,8 tỷ đồng, đặc biệt sự ủng hộ nhiệt tình từ cộng đồng dân cư là 4.893,8 tỷ đồng.

Cụ thể, phong trào xây dựng NTM được chia làm hai giai đoạn, trong giai đoạn 2011 - 2015, tỉnh chủ động đưa ra nhiều giải pháp thiết thực như: hỗ trợ xi măng xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, kinh phí cho các xã đăng ký đạt chuẩn NTM, chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn và kêu gọi các đơn vị đỡ đầu, tài trợ trong xây dựng NTM. Theo đó, hỗ trợ phát triển sản xuất thông qua triển khai các dự án, đề án, phương án gắn với tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng NTM như, Đề án cơ cấu nông nghiệp; nâng cao giá trị phát triển bền vững cây chè; thương hiệu sản phẩm trà; phát triển nông nghiệp ứng dựng công nghệ cao và Đề án Mỗi xã một sản phẩm. Bước tiếp sang giai đoạn 2016 - 2020, Thái Nguyên chú trọng hơn về nội dung có tác động trực tiếp đến cải thiên đời sống vật chất và tinh thần của người dân.

Phát biểu tại hội nghị, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên Trần Quốc Tỏ cho biết, cùng với nhiều giải pháp thúc đẩy kinh tế - xã hội, Thái Nguyên được đánh giá là một trong những tỉnh đầu tiên của cả nước về nghiên cứu, ban hành Bộ tiêu chí về “Xóm NTM kiểu mẫu” (gồm 09 tiêu chí, 32 chỉ tiêu) và “Hộ gia đình NTM” (4 nhóm tiêu chí và 18 chỉ tiêu). Xác định hạt nhân trong xây dựng nông thôn mới là đơn vị cấp xóm, hộ gia đình với hầu hết các tiêu chí đều hướng đến người dân và người dân đều tự thực hiện được. Với quyết tâm chính trị cao, xác định xây dựng NTM là nhiệm vụ trọng tâm, bằng nỗ lực, phấn đấu, điều hành quyết liệt và năng động của Đảng bộ, chính quyền các cấp và sự hưởng ứng nhiệt tình của nhân dân trên địa bàn tỉnh.


Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên Trần Quốc Tỏ trao cờ thi đua cho tập thể, cá nhân đạt thành tích xuất sắc  
Ảnh: Quang Tuấn

Diện mạo các vùng nông thôn thay đổi

Từ thực tế, nhìn vào con số trước khi thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM cho thấy, bình quân toàn tỉnh đạt 4,85 tiêu chí/xã, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn là 10,94 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo 20,57%, sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, manh mún, kết cấu hạ tầng KT - XH còn khó khăn, nông thôn chậm phát triển. Sau 10 năm thực hiện đã mang lại kết quả vượt bậc, toàn tỉnh đã có 91 xã đạt 19 tiêu chí, trong đó có 88 xã được công nhận đạt chuẩn, tăng 48 xã so với năm 2015 bằng 61,5%. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 38,63 triệu đồng, gấp 3,53 lần so với năm 2010. Dự kiến hết năm 2019 tỉnh có 101 xã đạt 19 tiêu chí (70%), về đích sớm trước một năm so với mục tiêu của tỉnh. Bình quân toàn tỉnh: 16,5 tiêu chí/xã, tăng 11,65 tiêu chí so với năm 2010 và tăng 03 tiêu chí so với năm 2015. Từ những kết quả đó khẳng định, Thái nguyên nỗ lực phấn đấu đạt kết quả vượt bậc trên mọi lĩnh vực phát triển KT - XH, làm thay đổi diện mạo các vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh.

 Cụ thể, làm mới được 420km kênh mương thủy lợi do xã quản lý, xây dựng mới, cải tạo và nâng cấp 406 trạm điện, hơn 1.300km đường điện, hoàn thành mục tiêu xóa xóm, bản chưa được đầu tư về điện lưới quốc gia và còn nhiều lĩnh vực khác làm thay đổi bộ mặt nông thôn. Đặc biệt, các vùng nông thôn tập trung đẩy mạnh thực hiện đề án tái cơ cấu gắn với xây dựng và phát triển các sản phẩm thế mạnh, chủ lực của địa phương. Đến nay, đã thu hút và phát triển 283 HTX nông nghiệp, 1 Liên hiệp HTX nông nghiệp, 384 tổ hợp tác và 208 doanh nghiệp, 238 làng nghề và 798 trang trại. Đến năm 2019, sản phẩm nông nghiệp được đánh giá và cấp Giấy chứng nhận OCOP cho 25 sản phẩm đạt 3 - 4 sao, đến nay, có 117 xã đạt tiêu chí Tổ chức sản xuất (84,2%).

Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, rút ra từ thực tiễn, các đơn vị chỉ ra một số tồn tại, hạn chế như: Nông thôn phát triển chưa đồng đều, khoảng cách chênh lệch về xây dựng NTM giữa các vùng, miền còn khá lớn. Một số xã thuộc vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh có số tiêu chí đạt chuẩn còn thấp, chất lượng một vài tiêu chí ở một số xã đạt chuẩn chưa cao, kém bền vững, một số địa phương có biểu hiện hài lòng với kết quả đạt được. Để giải quyết những hạn chế này, tỉnh Thái Nguyên đưa ra các giải pháp nhằm giải quyết triệt để trong thời gian tới. Đồng thời, tiếp tục phát động và nâng cao nhận thức đội ngũ cán bộ, Đảng viên, và người dân, nhằm hiểu sâu hơn về bản chất nhân văn trong phong trào xây dựng NTM, quán triệt tư tưởng “xây dựng NTM có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc”.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đánh giá cao sự nỗ lực của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Thái Nguyên, đồng thời ghi nhận những thành tích cao đạt được trong những năm qua. Tỉnh có tiềm năng phát triển ngành công nghiệp, nhưng có sự sáng tạo, lồng ghép phát triển mạnh về nông nghiệp. Giai đoạn 2021 - 2030, Thái Nguyên tiếp tục phát huy cao những thành quả đạt được, những bài học kinh nghiệm quý, đồng thời sớm khắc phục những tồn tại, hạn chế. Tỉnh chỉ đạo các xã đã đạt chuẩn duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí, luôn cập nhật và thực hiện theo chuẩn mới, đi vào chiều sâu, phù hợp, phục vụ sự phát triển nông thôn Thái Nguyên.

P. Hoa